'Chiến sỹ' áo trắng tranh tài trên sân khấu
Rời bệnh viện, lần đầu tiên đứng trên sân khấu, những 'chiến sỹ' áo bờ - lu trắng đã phản ánh bức tranh tương đối sâu sắc và toàn diện về môi trường bệnh viện. Họ không chỉ giỏi y thuật, sáng y đức, khéo mang đến tiếng cười hào sảng mà còn nhẹ lấy đi những giọt nước mắt xúc động của khán giả khi phản ánh chân thực công việc cùng nỗi niềm riêng không biết ngỏ cùng ai!
Dù chưa có tiền lệ, nhưng thành công của Hội thi “Cán bộ ngành Y tế đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh” lần thứ Nhất, năm 2019 do Sở Y tế Hà Giang tổ chức cuối tháng 8 vừa qua đã để lại ấn tượng sâu sắc với khán giả. 16 đội thi với 160 thành viên đại diện cho 5 bệnh viện tuyến tỉnh, 11 bệnh viện tuyến huyện, khu vực tranh tài sôi nổi qua 3 phần thi: Chào hỏi, kiến thức và tiểu phẩm.
Ở phần thi Chào hỏi, bằng thể loại: Thơ, ca, hò, vè... các đội thi giới thiệu tóm tắt về đơn vị, thành viên đội dự thi một cách sáng tạo, sinh động, hấp dẫn; truyền tải thông điệp về quy tắc ứng xử, kỹ năng giao tiếp của đội ngũ y, bác sĩ; Nghị quyết Hội nghị T.Ư 6, 7 khóa XII, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về công tác y tế… Lấy bối cảnh Táo Y tế lên chầu trời, mời Ngọc Hoàng “vén mây” xuống hạ giới xem Hội thi “Cán bộ ngành Y tế đổi mới, hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, đội thi đến từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang khéo léo giới thiệu sinh động về đơn vị qua 13 năm xây dựng và phát triển. Đồng thời, truyền đi nhiều thông điệp sâu sắc, đậm giá trị nhân văn của ngành Y tế, như: “Sự hài lòng của người bệnh là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”. Màn Chào hỏi này đã chinh phục khán giả bởi nội dung ý nghĩa, hình thức sân khấu hấp dẫn, mang tính nghệ thuật cao và giành giải Chào hỏi xuất sắc từ Ban Tổ chức Hội thi…
Riêng phần thi Kiến thức với 2 nội dung: Trắc nghiệm, tình huống; các đội thi không chỉ thể hiện sự am hiểu kiến thức liên quan đến công tác y tế mà còn khéo xử lý tình huống phát sinh trong thực tiễn khám, chữa bệnh, giao tiếp, ứng xử với người bệnh. Từ sự trau dồi kiến thức, trên 93% đội thi xuất sắc trả lời đúng 100% nội dung các câu hỏi trong bộ đề trắc nghiệm. Nhiều đội thi mang đến câu trả lời nức lòng khán giả qua phần xử lý tình huống. Ví như Điều dưỡng viên Ngô Thị Hồng Ngọc (Đội thi Bệnh viện Đa khoa tỉnh) bốc trúng câu hỏi: Nếu người bệnh/người nhà người bệnh đưa phong bì cho anh/chị để được quan tâm hơn trong việc khám, chữa bệnh; anh/chị sẽ làm gì?. Và câu trả lời của chị Ngọc với nội dung: Cảm ơn người bệnh nhưng không nhận phong bì; động viên, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của người bệnh khi điều trị; giải thích cho người bệnh rằng, cứu chữa bệnh nhân là công việc, trách nhiệm của nhân viên y tế nên người bệnh yên tâm điều trị..., nhận được những tràng pháo tay ủng hộ giòn giã từ khán giả.
Tiếp nối sự lý thú trên, phần thi Tiểu phẩm được 16 đội thi chuẩn bị công phu, giàu tính nghệ thuật, đậm chất nhân văn, hình thức sân khấu ấn tượng, truyền tải rõ thông điệp về những nỗ lực của đơn vị trong việc đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Mỗi đội thi một câu chuyện khác nhau nhưng đã mang đến bức tranh toàn cảnh trong môi trường bệnh viện. Đó là hình ảnh những cán bộ y tế giàu y đức, giỏi y thuật, sẵn sàng gác lại tình cảm riêng để chiến đấu với tử thần, giành sự sống cho người bệnh; ví như tiểu phẩm “Niềm hạnh phúc trong đêm giao thừa” – Bệnh viện Đa khoa Mèo Vạc. Tiểu phẩm này đã chạm đến trái tim khán giả, khiến không ít người chứng kiến phải rơi nước mắt… Bên cạnh đó, nhiều tiểu phẩm chỉ rõ: Không ít người nhà bệnh nhân vào bệnh viện trong tình trạng say xỉn, gây rối trật tự công cộng. Thậm chí, nhiều người cậy có tiền, có mối quan hệ tỏ thái độ bất lịch sự hoặc “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” bạo hành nhân viên y tế… Nhưng rồi, những nút thắt này cũng được cán bộ y tế khéo léo xử trí để tạo môi trường thân thiện trong bệnh viện.
Cùng với cung bậc xảm xúc trên, đúng như nhận xét của Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Đình Dích: Khâu đón tiếp, hướng dẫn người bệnh đang bộc lộ yếu điểm tại nhiều bệnh viện, khi chọn người hạn chế chuyên môn, thiếu khéo léo trong giao tiếp, ứng xử để đón tiếp, hướng dẫn bệnh nhân/người nhà bệnh nhân khi họ đặt chân đến bệnh viện. Minh chứng cho điều này, xâu chuỗi nội dung 16 tiểu phẩm có thể thấy thực trạng: Không ít cán bộ y tế tỏ thái độ gắt gỏng, miệt thị, nạt nộ người bệnh, không đoái hoài đến tình trạng sức khỏe của bệnh nhân dù họ đang cần sự quan tâm đặc biệt. Một bộ phận khác sẵn sàng thay đổi thái độ hách dịch, bất hợp tác sang mềm mỏng, nhiệt tình khi được bệnh nhân/người nhà bệnh nhân “bôi trơn” bằng phong bì… Nhưng khi khuyết điểm được phơi bày trước ánh sáng ngành Y, hành động phản y đức trên được Điều dưỡng viên Dèn Minh Hùng (Bệnh viện Đa khoa Đồng Văn) thể hiện ấn tượng qua tiểu phẩm “Ca trực đêm” bằng những vần thơ đầy hối lỗi: “Nếu sai sót, người nặng lời quở mắng/ Biết đâu em cũng dằn vặt nỗi đau/ Tôi thấy em trong đôi mắt cuồng sâu/ Đang lặng lẽ rơi từng dòng lệ nóng”. Còn Điều dưỡng viên Trần Quyết Thắng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) bộc bạch: Đang từ vị trí người chăm sóc sức khỏe nhân dân, tôi hóa thân thành người nhà của họ trong tiểu phẩm “Niềm vui trọn vẹn”. Sự hoán đổi này giúp tôi hiểu sâu sắc hơn tâm tư, nguyện vọng của người nhà bệnh nhân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số, hạn chế về trình độ dân trí, lần đầu xa ngôi nhà quen thuộc để đến bệnh viện chăm sóc người thân. Hiểu điều đó, tôi càng ý thức hơn về trách nhiệm cao cả của ngành Y trong việc hướng đến sự hài lòng của người bệnh.
Còn thông điệp của Bệnh viện Đa khoa Xín Mần qua tiểu phẩm “Cái gì cũng phải từ từ” như còn đọng mãi trong lòng khán giả: Ngành y không ai ép mình lựa chọn khi thời gian đào tạo dài, công việc chịu nhiều áp lực; nhưng khi đã quyết tâm khoác lên mình màu trắng tinh khôi của trang phục bờ-lu thì phải sống, làm việc sao cho xứng với sự cao quý của ngành.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/201909/chien-sy-ao-trang-tranh-tai-tren-san-khau-749528/