Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là 'trò chơi' không hồi kết
Hầu như mỗi ngày đều có những tin tức 'an ủi' về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Họ đang nói chuyện với nhau! Có người đã đến Bắc Kinh! Có người đã đến Washington! Cuộc hội đàm đang có tiến triển!
Vấn đề là nếu chỉ đàm phán và đàm phán… càng kéo dài, thuế quan càng gây thiệt hại không chỉ cho nền kinh tế hai bên mà còn ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu. Có những cách tốt hơn và ít gây hại hơn để đạt được một mục tiêu cuối cùng, nhưng những gì bạn hoặc tôi nghĩ đều không thực sự quan trọng.
Tổng thống Trump thích thuế quan và luật pháp hiện hành cho phép ông ấy sử dụng một cái cớ an ninh quốc gia để áp đặt chúng lên các quốc gia khác.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là “trò chơi” không hồi kết. (Nguồn: Getty)
Vì vậy, họ sẽ còn tiếp tục cho đến khi ông ấy thay đổi ý định. Nhưng hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy người đứng đầu nước Mỹ sẽ làm điều đó.
Tuy nhiên, có một vấn đề mà kể cả Tổng thống Trump cũng không thể ngăn nó lại, đó là thời gian. Mỗi ngày trôi qua, ông ấy lại tiến gần hơn đến thời điểm kết thúc nhiệm kỳ của mình.
Đó là một vấn đề, bởi vì Tổng thống Trump không thể thực hiện bất kỳ thỏa thuận thương mại vĩnh viễn nào nếu không có sự đồng ý từ Quốc hội. Đó là một quá trình lâu dài, mà thậm chí ông ấy chưa bao giờ có ý định khởi động nó.
Thay vào đó, Tổng thống Mỹ đang sử dụng quyền hành pháp, chỉ tồn tại chừng nào ông còn là Tổng thống. Bất kỳ lời hứa nào mà ông ấy thực hiện với Trung Quốc sẽ đều hết hạn vào ngày 20/1/2021, chỉ 21 tháng kể từ bây giờ, trừ khi ông ấy được người dân Mỹ bầu lại.
Phía Bắc Kinh biết điều đó.
Đó là lý do tại sao họ không vội vàng thực hiện các loại thỏa thuận mà đương kim Tổng thống Mỹ yêu cầu. Ông ấy có thể khuyến khích họ hoặc đe dọa, thậm chí có thể đánh thuế mạnh hơn. Nhưng sau đó thì sao, … khả năng sụp đổ thị trường là một nguy cơ có thật.
Vì vậy, chiến lược đàm phán tốt nhất của Trung Quốc hiện nay là chờ đợi, điều mà họ đang làm rất tốt. Họ có thể đang nghĩ, ông chủ Nhà Trắng sẽ trở nên linh hoạt hơn, nếu nền kinh tế Mỹ suy yếu vào năm tới, điều này là có khả năng. Hoặc có thể, họ đặt cược vào người kế vị sẽ thân thiện với họ hơn.
Trong cả hai trường hợp, Bắc Kinh có rất ít động lực để thỏa mãn những gì mà Tổng thống Trump muốn, trừ khi ông ấy giành chiến thắng trong nhiệm kỳ tiếp theo và thậm chí có thể không.
Các ngành nông nghiệp và công nghệ Mỹ đang rơi vào thế bế tắc. Nông dân Mỹ đang thực sự mất tiền. Còn thời gian thì không đứng về phía họ.
Nhưng về mặt chính trị, Tổng thống Trump đang thực sự cần sự ủng hộ của các cử tri miền Trung Tây Mỹ. Vì vậy, nếu Trung Quốc tiếp tục từ chối ông ấy, họ có thể tiếp tục khiến ông ấy trở nên "mất điểm", thậm chí cả trong mắt các cử tri đã từng ủng hộ ông Trump năm nào.
Một vấn đề đã xảy ra trong tranh chấp thương mại đó là họ đã quá dễ dàng leo thang căng thẳng. Chỉ là quốc gia A tăng thuế đối với quốc gia B, ngay lập tức nước kia quyết định “ăn miếng trả miếng”. Nếu sự việc dừng lại ở đó, thì các bên sẽ dần thích nghi và tiếp tục tiến về phía trước. Nhưng chiến tranh thương mại xảy ra khi một bên ra đòn, còn bên kia buộc phải trả đũa bằng một đòn mạnh hơn. Căng thẳng qua lại khiến mọi việc đi quá xa và ngày một tồi tệ hơn.
Dường như căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng đang bắt đầu từ những “ngón đòn” như vậy. Trong một tuyên bố trên trang mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump nhấn mạnh, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã phát hiện việc EU trợ cấp cho tập đoàn sản xuất máy bay Airbus gây bất lợi cho Mỹ. Do đó, dù chưa cho biết thời gian áp thuế chính thức, nhưng ông ấy tuyên bố Mỹ sẽ áp thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu từ EU có tổng trị giá 11 tỷ USD.
Trong khi đó, EU cũng tuyên bố đang xem xét các biện pháp đáp trả đối với Mỹ. Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra một danh sách các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ trị giá khoảng 20 tỷ EUR (22,6 tỷ USD) có thể bị áp thuế, nguyên nhân vì vụ tranh chấp xuyên Đại Tây Dương về trợ cấp cho các nhà sản xuất máy bay.
Đến thời điểm hiện tại, không biết liệu Tổng thống Trump có thực sự “ra tay” tiếp hay không. Bởi đôi khi đương kim Tổng thống Mỹ chỉ thích tạo ra các mối đe dọa. Nhưng nếu ông ấy quyết tấn công EU, EU chắc chắn sẽ đáp trả. Đó là cách mà một cuộc chiến thương mại khác lại bắt đầu.
Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) và nhiều định chế tài chính khác đã quyết định hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2019 và cảnh báo có thể sẽ tiếp tục giảm hơn nữa. Nói cách khác, căng thẳng thuế quan dai dẳng, các bên đều mất, khá nhiều người khác cũng sẽ mất. Vì vậy, đừng tin rằng, cuộc chiến thương mại đang chuẩn bị kết thúc. Nó chỉ có thể đang bắt đầu.