Chim mòng biển-nguồn lây nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh

Theo BBC, các nhà khoa học từ Đại học Perth, Úc, vừa lên tiếng cảnh báo rằng những con mòng biển trên khắp nước Úc đều mang những siêu vi khuẩn như E. coli kháng kháng sinh, có thể gây nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng huyết đe dọa tính mạng và viêm màng não.

20% mòng biển bạc ở Úc là vật mang mầm bệnh nguy hiểm có thể truyền sang người và động vật - Ảnh: AAP

20% mòng biển bạc ở Úc là vật mang mầm bệnh nguy hiểm có thể truyền sang người và động vật - Ảnh: AAP

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hơn 20% mòng biển bạc là vật mang mầm bệnh nguy hiểm có thể truyền sang người và động vật. Trên thực tế, đây là một nguồn dịch bệnh toàn cầu gây nhiễm trùng không thể chữa trị được.

Theo các chuyên gia, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể của chim khi chim tiếp xúc với rác và nước thải. Người lại có thể gặp phải vi khuẩn nếu tiếp xúc với phân của mòng biển. Nhưng rủi ro sẽ không cao nếu rửa tay sau khi tiếp xúc.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng mầm bệnh từ phân mòng biển kháng với các loại kháng sinh thông thường như cephalosporin và fluoroquinolone. Và một mẫu mầm bệnh cho thấy khả năng kháng carbapenem, một nhóm các chất kháng sinh có hiệu quả cao thường được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn nghiêm trọng hoặc có nguy cơ cao.

Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), trên toàn cầu, tình trạng vi khuẩn kháng thuốc đã tăng lên mức độ nghiêm trọng và đó là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh lương thực và sức khỏe.

Vũ Trung Hương

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/thien-nhien-moi-truong-c-105/chim-mong-bien-nguon-lay-nhiem-vi-khuan-khang-khang-sinh-116912.html