Chính phủ đề nghị nhiều cơ chế riêng cho Hà Nội

Tiếp tục kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 14, ngày 9.6, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TC-NS) của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với thủ đô Hà Nội.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo - Ảnh: VPQH

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo - Ảnh: VPQH

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản nhất trí với tờ trình của Chính phủ về các nội dung của dự thảo nghị quyết. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước có nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, đề nghị nguyên tắc xây dựng nghị quyết cần thể chế hóa để phù hợp với tình hình và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, nhu cầu thực tiễn phát triển của TP.Hà Nội và bám sát quan điểm của Đảng, Nhà nước.

Theo đó, nghị quyết cần phù hợp với thực tiễn phát triển KT-XH và mô hình tổ chức chính quyền đô thị của Hà Nội; không gây ảnh hưởng lớn đến cân đối vĩ mô, thực hiện vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương theo quy định của Hiến pháp.

Chỉ thí điểm thực hiện một số cơ chế chính sách tài chính - ngân sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội, nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành.

Việc đẩy mạnh phân cấp nguồn thu phải phù hợp với năng lực, khả năng giải ngân các nguồn vốn, gắn với yêu cầu quản lý chi tiêu chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả cao hơn và thu hút được nhiều hơn các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng của TP.Hà Nội.

Việc thí điểm ban hành chính sách mới phải có tính vượt trội và được sự đồng thuận của người dân thủ đô; góp phần bảo đảm sự ổn định và tạo động lực cho sự phát triển KT-XH của cả nước, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”.

Về thẩm quyền quyết định bổ sung các khoản phí, lệ phí và tăng mức thu phí, lệ phí, Ủy ban thấy rằng thẩm quyền bổ sung các khoản phí, lệ phí chưa có trong Danh mục ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí là của Quốc hội và được giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trong khoảng thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội.

Nay Chính phủ trình Quốc hội cho phép thí điểm giao cho HĐND TP.Hà Nội thực hiện quyền hạn này, thực chất là để phân cấp cho Hà Nội quyết định bổ sung các khoản phí, lệ phí nhằm tạo sự linh hoạt, chủ động trong việc tổ chức thực hiện Luật Phí và lệ phí.

Quy định này tương thích với cơ chế thí điểm đối với TP.HCM theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội. Vì vậy, cơ bản nhất trí với nội dung Chính phủ trình, tuy nhiên đối với lệ phí, án phí của tòa án thì không nên giao cho HĐND TP tự điều chỉnh.

Về việc ngân sách TP.Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với đề nghị của Chính phủ và quy định này tương thích với cơ chế thí điểm đối với TP.HCM theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc bán tài sản công có nhiều khó khăn, quy trình và thủ tục phức tạp, kéo dài. Vì vậy, để quy định này có tính khả thi, đề nghị UBND TP.Hà Nội cần chủ động có đề án tổng thể và đánh giá đầy đủ nguồn thu, lộ trình và kế hoạch, tổ chức thu từ lĩnh vực này trên địa bàn thành phố, để trình các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Về đề xuất cho phép TP.Hà Nội được hưởng (giữ lại) toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp, Ủy ban cho rằng, căn cứ Điều 37 Luật NSNN, từ năm 2017 trở đi, khoản thu hồi vốn của ngân sách thành phố đầu tư tại các tổ chức kinh tế, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận được chia, lợi nhuận sau thuế còn lại tại các tổ chức kinh tế do UBND TP đại diện chủ sở hữu là nguồn thu ngân sách thành phố được hưởng 100%.

Do quá trình cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư của ngân sách thành phố tại các tổ chức kinh tế đã diễn ra từ trước năm 2017, đến nay có một số khoản thu cổ phần hóa vẫn do UBND TP quản lý. Để có cơ sở pháp lý, tạo điều kiện cho UBND TP sử dụng nguồn thu này nhằm tăng nguồn lực đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng quan trọng của thủ đô, đa số ý kiến cơ bản nhất trí với nội dung Chính phủ trình và đề nghị thành phố báo cáo số liệu cụ thể về dự kiến nguồn thu này.

Về việc giao quyền cho HĐND TP.Hà Nội quyết định dự toán, phân bổ ngân sách do Thủ tướng Chính phủ giao, đa số ý kiến trong Ủy ban Tái chính - Ngân sách thấy rằng, căn cứ yêu cầu thực tế nhiệm vụ KT-XH và khả năng xã hội hóa đối với các lĩnh vực trên địa bàn thủ đô, do đó, nhất trí với tờ trình của Chính phủ.

Hiện nay các lĩnh vực quan trọng theo quy định của Quốc hội và Nghị quyết của Trung ương như giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ… đang có tỷ lệ chi ngân sách hằng năm được “quy định”, áp dụng bắt buộc cho các địa phương, trong đó có Hà Nội. Nếu bố trí tỷ lệ “cứng” như vậy sẽ dẫn đến khó khăn trong việc điều hành ngân sách.

Vì vậy, đối với những địa phương có khả năng xã hội hóa cao, nên cho phép bố trí chi ngân sách địa phương thấp hoặc cao hơn tỷ lệ quy định, song đề nghị Chính phủ cần có báo cáo trình cơ quan có thẩm quyền quyết định ban hành chủ trương chung về vấn đề này.

Về thực hiện cơ chế sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư, theo quy định tại Nghị quyết số 86/2019/QH14 thì các địa phương phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Để tạo cơ chế chủ động, linh hoạt như đã quy định thí điểm đối với TP.HCM, xin Quốc hội xem xét, giao cho HĐND TP.Hà Nội xem xét, quyết định vấn đề này như đề xuất của Chính phủ.

Về sử dụng kinh phí thường xuyên của ngân sách thành phố để đầu tư, nâng cấp, cải tạo, mở rộng đầu, tư xây dựng mới các công trình thiết yếu trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, Ủy ban TC-NS cho rằng việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới các công trình của các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập cũ, như: hàng rào, phòng cháy chữa cháy, nhà vệ sinh… là cần thiết.

Nếu bố trí vốn đầu tư phát triển để thực hiện sửa chữa với mức đầu tư nhỏ nhưng phải tiến hành đúng quy trình, thủ tục của một dự án đầu tư công thì sẽ khó khăn và không kịp thời trong quá trình thực hiện. Vì vậy, đa số ý kiến tán thành với nội dung Chính phủ trình nhưng đề nghị Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn, quy định rõ hơn đối tượng và quy trình quản lý nguồn kinh phí này phù hợp.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/tin-tuc-su-kien-c-179/theo-dong-thoi-su-c-186/chinh-phu-de-nghi-nhieu-co-che-rieng-cho-ha-noi-139321.html