Chính quyền quân sự Myanmar kêu gọi các phiến quân sắc tộc đàm phán hòa bình

Vào thứ Ba, người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar đã mời các nhóm nổi dậy dân tộc tham gia đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt xung đột vũ trang trên khắp đất nước.

Đây là lần thứ hai trong chưa đầy một tháng mà các tướng lĩnh cầm quyền công khai khuyến khích việc đàm phán.

 Thượng tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo quân đội Myanmar. Ảnh: AP

Thượng tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo quân đội Myanmar. Ảnh: AP

Lời đề nghị của Thượng tướng Min Aung Hlaing được phát trên truyền hình nhà nước vào dịp kỷ niệm 9 năm ký kết Hiệp định Ngừng bắn Toàn quốc (NCA). Khoảng một nửa trong số 21 tổ chức vũ trang dân tộc đã ký thỏa thuận, nhưng một số hiện không còn tuân thủ.

Tháng trước, quân đội đã đưa ra lời mời đàm phán hòa bình trực tiếp nhất kể từ khi họ lên nắm quyền sau khi lật đổ chính quyền của bà Aung San Suu Kyi vào tháng 2 năm 2021. Lời mời này hướng đến cả lực lượng ủng hộ dân chủ lẫn các nhóm dân tộc, nhưng nhanh chóng bị từ chối.

Trong bài phát biểu ngắn gọn vào thứ Ba, Tướng Min Aung Hlaing cho biết hội đồng quân sự cầm quyền chỉ tuân theo khung hiệp định ngừng bắn hiện có và kêu gọi các nhóm vũ trang dân tộc giải quyết vấn đề thông qua đàm phán.

“Những mong muốn không thể đạt được bằng bạo lực vũ trang, mà phải thông qua đối thoại chính trị và các biện pháp hòa bình để giải quyết xung đột”, ông Min Aung Hlaing nói.

Myanmar từ nhiều thập kỷ qua đã chứng kiến nhiều thỏa thuận ngừng bắn mang lại những giai đoạn hòa bình tạm thời, nhưng chưa có thỏa thuận nào dẫn đến một giải pháp trao cho các nhóm dân tộc quyền tự trị mà họ mong muốn ở những khu vực biên giới.

Hiện tại, quân đội Myanmar đang phải đối mặt với sự phản kháng từ các dân quân dân tộc thiểu số cũng như hàng trăm nhóm du kích vũ trang được gọi chung là Lực lượng Phòng vệ Nhân dân (PDF), được thành lập sau cuộc đảo chính quân sự năm 2021.

Trong năm qua, quân đội đã chịu nhiều thất bại trên chiến trường, và lực lượng kháng chiến dường như đang nắm quyền chủ động.

Vào tháng 10 năm 2015, tám nhóm vũ trang dân tộc đã ký kết Hiệp định Ngừng bắn Toàn quốc (NCA), và vào tháng 2 năm 2018, dưới chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi, có thêm hai nhóm tham gia.

Tuy nhiên, một số nhóm lớn và có sức mạnh như Quân đội Độc lập Kachin (KIA) và Quân đội Bang Wa (UWSA) không tham gia ký kết vì cho rằng thỏa thuận thiếu sự bao trùm.

Tướng Min Aung Hlaing cho biết một số nhóm đã ký kết thỏa thuận nhưng sau đó đã phá vỡ sau cuộc đảo chính năm 2021, và hiện đang liên minh với Chính phủ Đoàn kết Quốc gia (NUG) - tổ chức đối lập chính với quân đội.

Các dân quân đại diện cho các nhóm dân tộc Karen, Chin và Pa-O, cùng với Mặt trận Dân chủ Toàn Miến (ABSDF) của sinh viên, đều từ chối đàm phán hòa bình.

Phát ngôn viên của ABSDF, Aye Lwin, nói: “Những gì quân đội đang làm chỉ tạo ra các điều kiện để kéo dài sự cai trị độc tài của họ. Hiện tại không có lý do gì để chấp nhận đối thoại do quân đội lãnh đạo”.

Cao Phong (theo AP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chinh-quyen-quan-su-myanmar-keu-goi-cac-phien-quan-sac-toc-dam-phan-hoa-binh-post317049.html