Chính sách bảo hiểm thất nghiệp: Sớm tháo gỡ những vướng mắc
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều lao động thất nghiệp hoặc thiếu việc làm. Nhờ chính sách bảo hiểm thất nghiệp, không ít lao động đã có cơ hội quay lại thị trường lao động nhanh hơn khi được tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề miễn phí... Tuy vậy, việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp đang bộc lộ không ít vướng mắc, bất cập cần sớm được tháo gỡ để hỗ trợ người lao động hiệu quả hơn.
Người lao động làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Vẫn còn bất cập
Bảo hiểm thất nghiệp được Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai từ năm 2009, đến nay đã thu hút hơn 13 triệu người tham gia, bằng gần 90% tổng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, trợ giúp kịp thời cho hơn 5 triệu lượt lao động vượt qua giai đoạn khó khăn vì thất nghiệp… Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, chính sách này đã bộc lộ không ít bất cập, hạn chế, đó là chưa thực sự gắn bó với thị trường lao động, mới tập trung cho khu vực chính thức, chưa có chính sách phù hợp cho khu vực phi chính thức; nặng về giải quyết hậu quả, nhẹ về giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu việc sa thải...
Theo Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp (Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Trần Tuấn Tú, người lao động tìm đến hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được tư vấn, giới thiệu việc làm hoặc đào tạo nghề miễn phí, nhưng đa số lại chọn hình thức nhận hỗ trợ bằng tiền mặt, rất ít người đăng ký học nghề. "Sau hơn 11 năm chính sách bảo hiểm thất nghiệp đi vào đời sống, cả nước mới có hơn 250.000 người lựa chọn học nghề, bằng 5% tổng số người hưởng trợ cấp thất nghiệp”, ông Trần Tuấn Tú thông tin.
Về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) Tạ Văn Thảo cho biết, những năm qua, Hà Nội đã giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp cho gần 440.000 người, nhưng chỉ có hơn 24.000 người lựa chọn học nghề (bằng 5,46% tổng số người hưởng trợ cấp thất nghiệp).
Dưới góc độ người lao động, chị Bùi Thị Ánh Hồng Lĩnh (thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh) cho rằng, đa số người thất nghiệp là lao động phổ thông, nên không có tích lũy về tài chính để có thể học nghề liên tục trong khoảng thời gian dài. Với những người có nhu cầu học nghề, thì họ có ít sự lựa chọn, bởi danh mục các nghề được đào tạo chưa phong phú, thậm chí có những nghề không còn phù hợp...
Đào tạo nghề nấu ăn cho lao động hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long (huyện Đông Anh), tháng 12-2020.
Tăng tính hấp dẫn của chính sách
Hiện tại, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2009. Số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng tăng lên, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2020, cả nước giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp cho gần 1,1 triệu người, tăng 32,3% so với năm 2019.
Còn theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, quý I-2021, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi lần lượt là 2,42% và 2,2%, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2020. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần quan tâm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp người lao động được tiếp cận, thụ hưởng an sinh xã hội từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp.
Để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho rằng, các cơ quan chức năng cần thiết kế chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng đa dạng, linh hoạt, từ đó mở rộng đối tượng tham gia. Chẳng hạn, bảo hiểm thất nghiệp có thể mở rộng đối tượng là lao động có giao kết hợp đồng theo mùa vụ, từ đủ một tháng trở lên để đồng nhất với đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội… Cùng với đó, cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp duy trì việc làm cho người lao động giúp họ không bị thất nghiệp.
Khẳng định việc nâng cao chất lượng đào tạo nghề với nhóm lao động thất nghiệp là giải pháp khả thi để tăng tính hấp dẫn của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời giúp người lao động sớm trở lại làm việc, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Hồng Dân kiến nghị bổ sung một số nghề phù hợp vào danh mục các nghề được triển khai đào tạo cho người hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Dưới góc độ phối hợp tổ chức đào tạo nghề, Hiệu trưởng Trường Trung cấp kinh tế - kỹ thuật Bắc Thăng Long Phạm Quang Vinh mong muốn, mức hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp tăng lên, thời gian, hình thức tổ chức đào tạo nghề linh hoạt hơn, để người lao động yên tâm lựa chọn học nghề…
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 17/2021/QĐ-TT ngày 31-3 về quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, từ ngày 15-5-2021, người tham gia bảo hiểm thất nghiệp bị mất việc làm sẽ được hỗ trợ học nghề theo 2 gói. Gói thứ nhất, dành cho người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng, hưởng tối đa 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo (hiện nay là 3 triệu đồng). Gói thứ hai, dành cho người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng, mức hỗ trợ tính theo tháng, tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, Bộ cũng đề xuất Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đang nghiên cứu xây dựng chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng linh hoạt, phù hợp để nhiều người lao động có “phao cứu sinh” khi bị ảnh hưởng về việc làm.