Chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số: Ý Đảng hợp lòng dân

PTĐT - Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới các chính sách cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS).

Đồng bào DTTS ở Thanh Sơn đã áp dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm công lao động.

Đồng bào DTTS ở Thanh Sơn đã áp dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm công lao động.

PTĐT - Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới các chính sách cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS). Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, tỉnh Phú Thọ đã từng bước cải thiện, nâng cao điều kiện sống cho đồng bào DTTS, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn, góp phần giảm nghèo bền vững. Về vùng đồng bào DTTS hôm nay, cuộc sống của bà con đã đổi thay thấy rõ nhờ ý Đảng hợp lòng dân.Kỳ I: Vùng cao đổi thay từ Nghị quyết của Đảng

Về quần tụ sinh sống theo các triền núi đá cách trung tâm xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn gần 5km đã gần quá nửa thế kỷ, các gia đình đồng bào dân tộc Dao bản Đá Cạn đã trải qua quá trình lao động cực nhọc, vỡ hoang đất rừng, dẫn nước từ thượng nguồn tạo thành ruộng trồng lúa nước; phát quang rừng rậm, san nền dựng nhà… Xác định việc nhanh chóng phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững cho người dân khu Đá Cạn là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền xã Hương Cần. Ngay sau Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng ủy xã đã thống nhất ban hành Nghị quyết chuyên đề riêng cho bản Dao Đá Cạn; phân công các đồng chí cấp ủy viên phụ trách trực tiếp cùng cán bộ của các tổ chức, đoàn thể liên quan, mỗi ngành, tổ chức, đoàn thể đảm nhận 6 hộ trực tiếp thực hiện theo phương châm “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn người dân lựa chọn vật nuôi cây trồng phù hợp, đồng thời khảo sát diện tích sản xuất của từng hộ để có biện pháp hỗ trợ nhằm đưa kinh tế của bản Đá Cạn phát triển.
Ý Đảng hợp lòng dân, cùng với sự hỗ trợ tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, đồng bào bản Dao Đá Cạn đã dần thay đổi tập tục, thói quen sản xuất lạc hậu, loại bỏ tư tưởng ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, biết phát huy thế mạnh, tiềm năng sẵn có về đất sản xuất để tự vươn lên thoát nghèo... Đến nay, hầu như nhà nào cũng đã có một con trâu, có nhà trong chuồng có tới 5-7 con bò. Vườn rau mỗi nhà cũng đã đảm bảo tự cung, tự cấp. Cây chuối phấn, mật ong nuôi đang dần trở thành hàng hóa… Cùng với đường giao thông trải nhựa chạy qua bản, điện lưới Quốc gia được kéo về tới từng hộ; nhà văn hóa khu, điểm trường tiểu học được xây mới vững chắc, khang trang... giúp đời sống đồng bào bản Dao dần được cải thiện, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về điều kiện kinh tế với vùng trung tâm xã.Là một trong những bản thuộc diện khó khăn nhất của huyện Yên Lập, bản người Mông Khe Nhồi nằm cách xa trung tâm xã vùng cao Trung Sơn 16km, với 42 hộ, 226 nhân khẩu. Thời điểm năm 1994-1995 khi mới di cư từ huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái xuống, đồng bào dân tộc Mông ở Khe Nhồi chưa biết cách làm ruộng và chăm sóc cây lúa, chủ yếu là phát nương, làm rẫy, thiếu ăn trầm trọng. Năm 2000, sau đợt lội rừng vào khảo sát tình hình kinh tế - xã hội bản Mông của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh, một kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống vùng đồng bào dân tộc Mông ở Khe Nhồi hình thành. Giai đoạn năm 2002-2003, 100% đồng bào bản Mông được trao tặng nhà ở với sự tham gia giúp sức khiêng pờ -lô- xi- măng lội suối, trèo rừng vào bản của lực lượng đoàn viên, thanh niên các xã trong toàn huyện. Cũng năm 2003 đồng bào người Mông Khe Nhồi được Nhà nước hỗ trợ 29 con trâu, bò nuôi từ các dự án của huyện đầu tư. Năm 2004 và năm 2006 Ban chỉ huy quân sự huyện Yên Lập, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh hành quân dã ngoại về Khe Nhồi tham gia giúp bà con khai phá, đào ruộng và hướng dẫn cách chọn giống lúa, cách chăm sóc lúa, làm ruộng đúng kỹ thuật. Nhờ đó đồng bào đã bỏ dần việc đốt nương làm rẫy và tập trung làm ruộng lúa nước theo đúng kỹ thuật…Hiện nay cơ sở hạ tầng vùng đồng bào Mông đã khang trang rất nhiều với đường bê tông, trường học kiên cố, điện lưới Quốc gia, sóng điện thoại… 100% số hộ đồng bào Mông đã ổn định định canh định cư, bà con đã biết thâm canh cây lúa nước trên diện tích hiện có, đồng thời tích cực trồng rừng kinh tế, nhiều nhà hiện có từ 3-5ha quế, keo lai, bồ đề. Nhân dân chấp hành tốt mọi chủ chương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, các hủ tục lạc hậu dần được xóa bỏ. Người dân trong khu đoàn kết xây dựng cuộc sống mới.Anh Lý A Phông, một trong những điển hình về sự vượt khó học giỏi của bản, đồng thời là giáo viên cắm bản của Trưởng Tiểu học Trung Sơn, xã Trung Sơn, huyện Yên Lập cho biết: “Với nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS đã và đang giúp bộ mặt của bản Mông Khe Nhồi nói riêng, xã Trung Sơn nói chung khởi sắc hơn trước rất nhiều. Đến nay, nhiều tuyến đường bê tông hóa, nước sạch, điện... đã về đến tận các hộ dân trong bản, trong xã. Đây là những điều kiện cần thiết thúc đẩy người dân địa phương mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo thành công. Hy vọng thời gian tới, Nhà nước sẽ có thêm những cơ chế, chính sách phù hợp ưu tiên tiếp tục đầu tư cho vùng đồng bào DTTS”.

Một góc thị trấn Thanh Sơn. Ảnh: ÚT MƯỜI

Một góc thị trấn Thanh Sơn. Ảnh: ÚT MƯỜI

Đây chỉ là hai trong số hàng trăm minh chứng về sự đổi thay của vùng đồng bào DTTS do thực hiện hiệu quả chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc. Với mục tiêu từng bước phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và của Tỉnh ủy, trong đó quan tâm đến nhóm các giải pháp để thực hiện hiệu quả các mục tiêu; đồng thời, ban hành các văn bản chỉ đạo, giao chỉ tiêu cụ thể hàng năm đối với các đơn vị, từ đó để có biện pháp phù hợp nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh.Đặc biệt, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc và 25 năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 23/9/1994 của Ban Bí thư (khóa VII) về một số công tác ở vùng dân tộc Mông, kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung, khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS nói riêng đã phát triển vượt bậc. Cơ sở hạ tầng vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trước năm 2003 trên địa bàn tỉnh hạ tầng kỹ thuật vùng đồng bào DTTS còn rất tạm bợ, đường giao thông mới có đường đất, cấp phối đến trung tâm xã, giao thông nông thôn chủ yếu là đường mòn; nhiều trung tâm xã chưa có điện lưới Quốc gia...Đến nay, 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 100% thôn bản có đường giao thông; trên 80% diện tích đất ruộng nước đã được tưới tiêu; 100% số xã có điện lưới Quốc gia, 99,6% hộ có điện sinh hoạt, phục vụ sản xuất; 97% hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Mạng lưới trường, lớp các cấp học, bậc học được củng cố, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh con em các dân tộc trên địa bàn tỉnh. 100% các xã, phường, thị trấn trong tỉnh, kể cả các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa đã có trường lớp từ mầm non đến trung học cơ sở. Các huyện có nhiều đồng bào dân tộc đã có trường phổ thông dân tộc nội trú và trường phổ thông có học sinh bán trú tạo điều kiện cho con em các DTTS được học tập.

Cán bộ, CTV dân số xã Thục Luyện tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chính sách về dân số

Cán bộ, CTV dân số xã Thục Luyện tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chính sách về dân số

Đặc biệt, công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào DTTS được đặc biệt quan tâm. Xóa đói, giảm nghèo là mục tiêu quan trọng của các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh. Từ mục tiêu đại hội đề ra, cả hệ thống chính trị đều vào cuộc, các hộ nghèo được hỗ trợ sản xuất, các hộ vùng nông thôn được vay vốn để phát triển kinh tế. Thông qua các chính sách, đồng bào DTTS từng bước được tiếp cận với khoa học kỹ thuật, các cách làm ăn mới… từ đó thay đổi suy nghĩ, từng bước xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Thu nhập bình quân ở khu vực miền núi tăng từ 8,4 triệu đồng/người/năm 2003 lên 12 triệu đồng/người/năm 2009 và năm 2018 là 26,8 triệu đồng/người/năm. Sự tăng trưởng về kinh tế đã góp phần xóa đói giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh giảm nhanh; số hộ nghèo là người DTTS năm 2009 là 13.416 hộ đến năm 2018 giảm xuống còn 9.177 hộ. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ngày một nâng lên. Đến nay hầu hết các gia đình đều có ti vi, xe máy; người dân có điện thoại để thông tin liên lạc. Đồng bào các DTTS được tiếp xúc với nhiều kênh thông tin đại chúng, trình độ dân trí trong đồng bào ngày càng được nâng cao. Có thể nói “ý Đảng lòng dân” đã gặp nhau, mang lại sức sống mới cho vùng đồng bào DTTS và miền núi nói chung, trên địa bàn tỉnh nói riêng.

Kỳ II: Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về công tác dân tộc.

Nhóm pv phòng chuyên đề

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/xay-dung-dang/201909/chinh-sach-cho-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-y-dang-hop-long-dan-166949