Chính sách đối ngoại của Nhật Bản giai đoạn hậu Kishida

Ngày 27.9 tới, đảng Dân chủ Tự do cầm quyền (LDP) tại Nhật Bản sẽ tiến hành bầu Chủ tịch mới sau khi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, đồng thời là Chủ tịch đảng đương nhiệm bất ngờ tuyên bố không tái tranh cử. Việc ông Kishida từ chức đánh dấu một thời điểm quan trọng không chỉ đối với bối cảnh chính trị trong nước của Nhật Bản mà còn cả khu vực và quốc tế, bởi những tác động sâu sắc của những thay đổi sắp tới đối với các mối quan hệ ngoại giao cũng như ảnh hưởng của Nhật Bản đối với những mối quan hệ này.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida

Di sản đối ngoại và an ninh

Ông Fumio Kishida, người giữ chức Thủ tướng Nhật Bản trong gần ba năm, mới đây bất ngờ tuyên bố rằng ông sẽ không tham gia tranh cử chức Chủ tịch đảng LDP cầm quyền. Đây là một diễn biến quan trọng vì việc từ bỏ quyền lãnh đạo đảng cầm quyền về cơ bản cũng giống như từ chức Thủ tướng trên chính trường Nhật Bản.

 Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Nguồn: AP

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Nguồn: AP

Trong suốt nhiệm kỳ của mình, ông Fumio Kishida không phải là một Thủ tướng được đặc biệt yêu quý, nhưng những thành tựu của ông rất đáng kể. Nổi bật nhất trên mặt trận an ninh - quốc phòng là việc ông quyết định tăng chi tiêu quốc phòng lên mức lịch sử 2% GDP bắt đầu từ năm 2027, đưa Nhật Bản trở thành quốc gia chi tiêu quân sự lớn thứ ba trên toàn cầu, sau Mỹ và Trung Quốc. Sự thay đổi này sẽ cải thiện khả năng tự vệ của Nhật Bản, hiện đại hóa lực lượng phòng vệ và tăng khả năng hợp tác với các lực lượng Hoa Kỳ để củng cố hoạt động của liên minh Hoa Kỳ - Nhật Bản. Ngân sách quốc phòng tăng cũng sẽ tài trợ cho các ưu tiên mới nhằm "nâng cao năng lực an ninh và răn đe của các quốc gia có cùng chí hướng để ngăn chặn các nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực, bảo đảm hòa bình và ổn định của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói riêng và tạo ra một môi trường an ninh mong muốn cho Nhật Bản", chẳng hạn như Viện trợ an ninh chính thức (OSA), một sáng kiến nhằm bổ sung cho Viện trợ phát triển chính thức (ODA).

Về đối ngoại, ông củng cố vị trí của Nhật Bản như là một trong những tác nhân quan trọng, duy trì và phát triển mối quan hệ với các đồng minh truyền thống trong khi tăng cường hợp tác với các đối tác khu vực. Tiến triển lớn nhất có lẽ là sự cải thiện quan hệ với Hàn Quốc. Phần lớn công lao cho mối quan hệ được cải thiện thuộc về nỗ lực của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol. Tuy nhiên, Thủ tướng Fumio Kishida đã tiếp thu và sẵn sàng đưa mối quan hệ song phương lên một tầm cao mới, điều này được thể hiện qua các nỗ lực như quyết định không đến thăm Đền Yasukuni gây tranh cãi.

Năm 2023, Thủ tướng Fumio Kishida và Tổng thống Yoon Suk Yeol đã tham gia vào cuộc trao đổi cấp lãnh đạo đầu tiên trong hơn một thập kỷ. Hai nước cũng tham dự Hội nghị thượng đỉnh ba bên mang tính lịch sử với Hoa Kỳ tại Camp David, một sự kiện đưa đến Hiệp ước An ninh ba bên nhằm phối hợp các nỗ lực của ba quốc gia để bảo đảm sự ổn định, sự tiếp tục của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ; đồng thời nhằm thể chế hóa hợp tác ba bên trong tương lai ngay cả khi hướng gió chính trị ở Seoul, Tokyo hoặc Washington thay đổi.

Năm 2023, Nhật Bản dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Kishida đã đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Hiroshima, tại đây ông đã thành lập Nhóm quốc tế vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân, tiếp tục chính sách ngoại giao giải trừ hạt nhân của Nhật Bản. Đồng thời ông Kishida cũng sử dụng nhiệm kỳ lãnh đạo G7 của mình để đưa các đối tác khu vực và các nước Nam bán cầu vào các cuộc họp của nhóm.

Một điểm nhấn khác của chính quyền Kishida là sự tập trung hợp tác với các đối tác, mặc dù đã được xây dựng dựa trên các sáng kiến bắt đầu dưới thời Thủ tướng Abe. Ví dụ, quan hệ của Nhật Bản với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), được chính thức hóa trong chính quyền Abe với việc ký kết một thỏa thuận hợp tác và mở phái bộ Nhật Bản tại NATO, đã được đưa vào hoạt động tích cực trong những năm qua.

Chính quyền Fumio Kishida không dành nhiều vốn liếng chính trị để phá vỡ bế tắc trong quan hệ với Trung Quốc sau đại dịch Covid-19. Thay vào đó, họ tiếp tục áp dụng cách tiếp cận chờ đợi và quan sát. Mối quan ngại về an ninh đối với Trung Quốc và nhận thức về sự lo lắng về nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn mạnh mẽ ở Nhật Bản, và sẽ mất một thời gian trước khi quan hệ Nhật Bản - Trung Quốc được lật giở sang một trang mới.

Liệu có sự đảo chiều?

Khi Nhật Bản trải qua quá trình chuyển giao quyền lực lãnh đạo, những hiệu ứng lan tỏa sẽ không chỉ được cảm nhận trong quan hệ song phương với các đồng minh, đối tác khu vực như Mỹ, Hàn Quốc, Nga và Trung Quốc, mà còn cả trong động lực rộng lớn hơn của các mối quan hệ khu vực và quốc tế.

Nhiều ý kiến đã cảnh báo sự thay đổi trong giới lãnh đạo có khả năng sẽ dẫn tới sự thay đổi lập trường của Nhật Bản về các vấn đề quan trọng trong khu vực, như Bán đảo Triều Tiên, tranh chấp quần đảo Takeshima (Hàn Quốc gọi là Dokdo) với Hàn Quốc và tranh chấp lãnh thổ đang diễn ra liên quan tới quần đảo Kuril (Nhật Bản gọi là vùng lãnh thổ phương Bắc) với Nga. Mối quan hệ ba bên Mỹ - Nhật - Hàn có thể sẽ đứng trước thách thức khi cả Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Mỹ Joe Biden đều chuẩn bị rời nhiệm sở.

Mối quan hệ với Hàn Quốc cũng chưa rõ có thể vẫn duy trì được không khí hiện nay hay không. Mặc dù chương trình nghị sự rộng lớn về việc duy trì quan hệ hợp tác trong phạm vi quan hệ đối tác ba bên Mỹ - Nhật - Hàn khó có thể thay đổi, nhưng chính quyền tiếp theo có thể sẽ kém linh hoạt và kiên nhẫn hơn với Seoul về các vấn đề lịch sử và chủ quyền, đặc biệt là nếu một thủ tướng Nhật Bản bảo thủ hơn lên nắm quyền.

Cuộc bầu cử Chủ tịch LDP được tổ chức vào thời điểm các phe phái vốn là biểu tượng của nền chính trị quyền lực của LDP phần lớn đã bị giải thể và có tới 9 ứng cử viên đang cạnh tranh vào ghế lãnh đạo. Người đầu tiên chính thức tuyên bố ứng cử là Takayuki Kobayashi, một cựu quan chức và chính trị gia, từng là Bộ trưởng An ninh kinh tế đầu tiên trong Nội các của Thủ tướng Fumio Kishida. Ông theo đuổi lập trường bảo thủ và có quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba, người chỉ trích giới chính trị chính thống, cũng đã chính thức tuyên bố ứng cử. Ông ủng hộ việc thay đổi các chính sách của Chính phủ LDP trước đây trong cả các vấn đề đối nội và đối ngoại. Ông cũng đánh tiếng sẽ xem xét lại khoảng cách giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Trong số nhiều chính trị gia tranh cử chức Chủ tịch LDP, người thu hút nhiều sự chú ý nhất là Shinjiro Koizumi, con trai của cựu Thủ tướng Koizumi. Mặc dù mới 43 tuổi nhưng ông đặc biệt nổi tiếng và là một chính trị gia tiềm năng. Cho đến nay, ông Koizumi vẫn chưa thể hiện đường hướng chính sách mạnh mẽ trong cả các vấn đề đối nội và đối ngoại. Nhưng điều này có thể dẫn đến một phong cách quản lý phi tập trung, tận dụng kinh nghiệm học tập tại Hoa Kỳ và sự nghiệp của mình với tư cách là cựu bộ trưởng môi trường.

Ở giai đoạn này, khó có thể dự đoán được ai sẽ trở thành Chủ tịch LDP và Thủ tướng thứ 102 của Nhật Bản. Nhưng nếu vẫn là Thủ tướng từ đảng LDP, nhiều khả năng các chính sách đối ngoại và an ninh hiện tại sẽ được duy trì và các chính trị gia kỳ cựu không giành chiến thắng trong cuộc đua vào ghế Chủ tịch LDP, sẽ tham gia nội các Chính phủ mới để đóng những vai trò quan trọng.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-doi-ngoai-cua-nhat-ban-giai-doan-hau-kishida-post390704.html