Chính sách Trung Quốc của EU sẽ định hình quan hệ xuyên Đại Tây Dương

Với các khoản đầu tư lớn, khả năng tiếp cận mọi tầng lớp xã hội châu Âu và ảnh hưởng ngày càng tăng, Trung Quốc sẵn sàng mở rộng đáng kể vai trò của mình ở châu Âu. Do đó, những quyết định mà EU đưa ra khi đề cập đến mối quan hệ với Trung Quốc sẽ tác động đến mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương trong thập kỷ tới.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết EU muốn giảm thiểu rủi ro nhưng không tách rời khỏi Trung Quốc. Ảnh: AFP

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết EU muốn giảm thiểu rủi ro nhưng không tách rời khỏi Trung Quốc. Ảnh: AFP

Theo nhận định mới đây của chuyên gia nghiên cứu cấp cao về an ninh và các vấn đề quốc tế Andrew A. Michta tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Âu George C. Marshall (Đức), nhờ các khoản đầu tư và khả năng tiếp cận mọi tầng lớp của xã hội châu Âu, Trung Quốc đang sẵn sàng mở rộng đáng kể vai trò của mình trong nền chính trị EU.

Mặt khác, khi Bắc Kinh nhận thấy khả năng tiếp cận công nghệ Mỹ và những cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D) của họ ngày càng bị hạn chế, thì việc tiếp cận các tập đoàn công nghệ châu Âu và cơ sở R&D của EU sẽ ngày càng quan trọng.

Trong khi đó, sự phụ thuộc của châu Âu - và đặc biệt là Đức - vào các thành phần phụ và thị trường rộng lớn của Trung Quốc đã tăng lên đến mức đã giúp Bắc Kinh có đòn bẩy đáng kể trong mối quan hệ với các chính phủ trong EU.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen từng nói rằng EU muốn giảm thiểu rủi ro nhưng không tách rời khỏi Trung Quốc. Gần đây nhất vào ngày 24/3, một người phát ngôn của EU cho biết, bà Leyen sẽ tới Trung Quốc cùng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào tuần đầu tiên của tháng 4 tới để bày tỏ "tiếng nói thống nhất" với Trung Quốc.

Vì vậy, ông Michta cho rằng, những quyết định mà EU hiện phải đưa ra khi đề cập đến mối quan hệ với Trung Quốc trong tương lai sẽ có ảnh hưởng đến việc định hình các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương trong thập kỷ tới.

Cũng cần lưu ý rằng ngay trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ EU sang Trung Quốc đã đạt hơn 140 tỷ euro, trong khi cùng thời điểm đó, FDI của Trung Quốc vào EU ở mức xấp xỉ 120 tỷ euro.

Nhưng bất chấp sự sụt giảm đầu tư của EU vào Trung Quốc trong đại dịch giai đoạn 2020-2021, năm 2022 đã chứng kiến sự đảo ngược đáng kể của xu hướng này, với các khoản đầu tư của EU vào quốc gia Đông Á trên tăng 92,2% so với cùng kỳ trước đó một cách đáng kinh ngạc - và đặc biệt là từ Đức tăng 52,9%.

Mặc dù đầu tư của EU vẫn còn tương đối khiêm tốn so với quy mô của nền kinh tế Trung Quốc, nhưng nó nhắm vào các chuỗi cung ứng quan trọng mà ngành công nghiệp châu Âu cần và có khả năng tăng theo cấp số nhân trong những năm tới.

Tương tự như vậy, đầu tư của Trung Quốc vào EU đã ưu tiên vào hàng loạt cơ sở hạ tầng quan trọng của châu Âu — đặc biệt là cảng, sân bay, công ty năng lượng, trang trại năng lượng gió và mặt trời, cũng như các công ty viễn thông. Ở một số lĩnh vực, các đối tác từ Trung Quốc có thể mua một số công ty châu Âu sáng tạo nhất - ví dụ như KUKA Robotics của Đức, nhà cung cấp hàng đầu các hệ thống robot thông minh.

Do đó, tầm quan trọng ngày càng tăng của Trung Quốc với tư cách là một đối tác kinh doanh của châu Âu sẽ định hình các quyết định chính sách trên toàn khối trong hai đến ba thập kỷ tới, đặt các ưu tiên của EU vào nguy cơ xung đột tiềm tàng với các mục tiêu chiến lược của Mỹ, vốn sẽ tập trung vào việc đối đầu với Trung Quốc về kinh tế, quân sự và công nghệ, thậm chí là cả ý thức hệ.

Hiện các doanh nhân và nhà phân tích châu Âu cho rằng họ coi thị trường Trung Quốc là không thể thiếu đối với sự thành công kinh tế của EU. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp lập luận rằng Trung Quốc có thị trường nội địa lớn nhất thế giới, với 1,4 tỷ khách hàng tiềm năng và họ chỉ ra rằng lĩnh vực sản xuất phát triển mạnh của Trung Quốc đóng vai trò quan trọng đối với mạng lưới chuỗi cung ứng của chính họ. Họ cũng cho rằng Trung Quốc có vị trí địa lý thuận lợi, gần các thị trường mới nổi ở châu Á và các tuyến hàng hải quan trọng.

Nhìn chung, các nhà phân tích châu Âu coi Trung Quốc là nền kinh tế hàng đầu thế giới khi xét theo sức mua tương đương, nhờ tăng trưởng bùng nổ trong nhiều thập kỷ. Họ cũng chỉ ra thực tế là chi phí lao động ở Trung Quốc vẫn tương đối thấp và quan trọng nhất là những gì họ coi là sự bổ sung giữa ngành sản xuất có giá trị gia tăng cao ở châu Âu và Trung Quốc, cũng như tiềm năng của thị trường tiêu dùng Trung Quốc là yếu tố quan trọng để phát triển lĩnh vực xuất khẩu của họ. Điểm này đặc biệt đúng ở Đức, nơi xuất khẩu chiếm gần 40% GDP của Berlin.

Vì vậy, trong khi cuộc tranh luận hiện nay ở Washington chủ yếu tập trung vào cuộc xung đột ở Ukraine, và ngày càng nhiều về việc Mỹ nên đi bao xa trong việc hỗ trợ Ukraine trong cuộc đối đầu với Nga, một số chuyên gia lưu ý rằng sự ủng hộ của Mỹ liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine đang khiến Washington bị phân tâm khỏi đối thủ thực sự: Trung Quốc.

Chuyên gia Michta kết luận, những gì đang xảy ra ở châu Âu hiện nay – không chỉ về kết quả của cuộc xung đột Nga - Ukraine, mà còn về cách EU xác định mối quan hệ của họ với Trung Quốc trong tương lai – sẽ định hình các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương với các đồng minh chủ chốt ở châu Âu. Và những lựa chọn của EU khi nói đến chính sách đối với Trung Quốc cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến kết quả cạnh tranh của Mỹ với Trung Quốc ở các mặt trận khác.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Politico.eu)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/chinh-sach-trung-quoc-cua-eu-se-dinh-hinh-quan-he-xuyen-dai-tay-duong-20230321163837779.htm