Thủ tướng Israel sa thải Bộ trưởng Quốc phòng vì mất niềm tin
Ngày 5/11, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bất ngờ sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, gây ra nhiều sự phản đối và dẫn tới một số cuộc biểu tình trên khắp cả nước, trong đó có thủ đô Tel Aviv.
Trong thông báo ngày 5/11, ông Netanyahu đã nêu lý do sa thải ông Gallant tới từ “những khoảng cách đáng kể” và “khủng hoảng lòng tin”. Hãng tin AP dẫn lời ông cho biết: "Trong bối cảnh xung đột, hơn bao giờ hết, chúng ta cần có sự tin tưởng hoàn toàn giữa Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng".
Ông Netanyahu tiếp tục chia sẻ: "Trong những tháng đầu của chiến dịch, sự tin tưởng như vậy đã tồn tại và công việc được giải quyết hiệu quả. Tuy nhiên trong những tháng về sau, thật không may lòng tin này đã rạn nứt giữa tôi và Bộ trưởng Quốc phòng".
Thông báo cũng cho biết ông Israel Katz, người hiện giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao Israel, sẽ là người thay thế ông Gallant trong khi ông Gideon Saar sẽ đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Ngoại giao Israel.
Việc Thủ tướng Netanyahu sa thải ông Gallant đã vấp phải sự phản đối từ nhiều người. Phát biểu trên mạng xã hội X cùng ngày, lãnh đạo phe đối lập Yair Lapid khẳng định: "Việc sa thải ông Gallant giữa lúc xung đột là một hành động điên rồ. Ông Netanyahu đang bán rẻ an ninh của Israel và quân đội Israel để đổi lấy việc duy trì sự nghiệp chính trị đáng xấu hổ".
Tổng thống Israel, Isaac Herzog cũng đã gọi việc sa thải là "điều cuối cùng mà Israel cần", trong khi tổ chức đại diện cho các gia đình những con tin bị bắt giữ tại Gaza cho biết việc sa thải ông Gallant là "sự tiếp nối trực tiếp của những nỗ lực nhằm phá hoại thỏa thuận trao đổi con tin".
Về phía Mỹ, Nhà Trắng ngày 5/11 từ chối bình luận về vụ sa thải ông Gallant nhưng gọi ông là "một đối tác quan trọng trong mọi vấn đề liên quan đến việc bảo vệ Israel". Hội đông An ninh Quốc gia Nhà Trắng trong một tuyên bố ngày 5/11 cho biết: "Là những đối tác thân thiết, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Bộ trưởng Quốc phòng tiếp theo của Israel”.
Động thái này của ông Netanyahu cũng khiến nhiều cuộc biểu tình nổ ra. Hãng tin AP cho biết hàng nghìn người biểu tình đã tập trung tại trung tâm Tel Aviv, chặn đường cao tốc chính của thành phố và làm tê liệt giao thông. Vài nghìn người cũng đã biểu tình bên ngoài nhà của ông Netanyahu ở Jerusalem và những nơi khác trong thành phố. Trên phạm vi khắp cả nước, một số cuộc biểu tình phản đối cũng nổi lên.
Sự việc sa thải diễn ra trong bối cảnh ông Netanyahu và ông Gallant có những sự khác biệt chính sách quan trọng. Trong một cuộc họp báo đêm khuya được phát sóng trên truyền hình quốc gia ngày 5/11, ông Gallant cho biết ông không đồng tình với ông Netanyahu về 3 vấn đề chính: miễn trừ nghĩa vụ quân sự, nhu cầu cấp thiết về một thỏa thuận con tin và cần thành lập một ủy ban điều tra chính thức về những thất bại về chính trị và an ninh vào ngày 7/10, khi các chiến binh Hamas tấn công vào Israel và giết chết 1.200 người và bắt 250 người khác làm con tin.
Sự việc cũng diễn ra trong bối cảnh quân đội Israel tiếp tục tấn công Gaza, khiến hơn 42.000 người thiệt mạng và gây ra sự tàn phá trên diện rộng cũng như tham gia vào các chiến dịch trên bộ nhằm chống lại các chiến binh Hezbollah ở Lebanon. Nước này cũng có một số sự đụng độ với các nhóm được Iran hậu thuẫn ở Iraq, Syria và Yemen và đang phải đối mặt với khả năng Iran sẽ tấn công lần nữa.