Chính thức chuẩn hóa chức danh trợ giúp viên pháp lý
Thay thế một số Thông tư hiện hành, Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ mới đây đã ban hành Thông tư liên tịch số 08/2016/TTLT-BTP-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý. Thông tư này gồm 4 chương, 12 điều, sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08/8/2016.
Thông tư liên tịch 08 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương chức danh nghề nghiệp đối với viên chức trợ giúp viên pháp lý (TGVPL) và áp dụng đối với viên chức TGVPL làm việc tại các Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước.
Viên chức đã được bổ nhiệm ngạch TGVPL theo quy định hiện hành, nay được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp TGVPL hạng II đối với viên chức đang giữ ngạch TGVPL chính; vào chức danh nghề nghiệp TGVPL hạng III đối với viên chức đang giữ ngạch TGVPL. Khi bổ nhiệm từ ngạch viên chức hiện giữ vào chức danh nghề nghiệp viên chức TGVPL không được kết hợp nâng bậc lương hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Đối với viên chức đang làm việc tại Trung tâm TGPL Nhà nước và hiện giữ ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương thì tiếp tục được giữ ngạch hiện hưởng. Trường hợp viên chức đã được bổ nhiệm vào các ngạch TGVPL quy định tại Thông tư số 06/2010/TT-BNV, nay được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức TGVPL quy định tại Thông tư liên tịch 08 thì cơ quan có thẩm quyền quản lý, sử dụng viên chức có trách nhiệm cử viên chức tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng để bổ sung những tiêu chuẩn còn thiếu của chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm.
Viên chức thăng hạng từ chức danh TGVPL hạng III lên chức danh TGVPL hạng II phải có thời gian giữ chức danh TGVPL hạng III hoặc tương đương tối thiểu đủ 09 năm, trong đó thời gian gần nhất giữ chức danh TGVPL hạng III tối thiểu đủ 02 năm. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan Quân đội nhân dân, sỹ quan Công an nhân dân công tác ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác chuyển sang cơ quan TGPL thì phải có thời gian ít nhất 02 năm giữ ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp, cấp hàm tương đương chức danh TGVPL hạng III.
Cùng với tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng, tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, mỗi hạng viên chức TGVPL sẽ có các nhiệm vụ tương ứng. Cụ thể, TGVPL hạng III có nhiệm vụ thực hiện TGPL đối với các vụ việc được phân công; tham gia đánh giá chất lượng vụ việc TGPL theo phân công; tham gia nghiên cứu, xây dựng chương trình, kế hoạch, văn bản TGPL ở địa phương; tham gia biên soạn chương trình, tài liệu và tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL theo phân công; tham gia nghiên cứu khoa học phục vụ công tác TGPL và thực hiện các nhiệm vụ khác được phân công.
Còn nhiệm vụ của TGVPL hạng II thì rộng hơn từ thực hiện TGPL đối với các vụ việc phức tạp và các vụ việc TGPL khác được phân công; chủ trì nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản, đề án, chương trình, kế hoạch TGPL trong phạm vi địa phương, tham gia xây dựng các văn bản, đề án, chương trình, kế hoạch TGPL được phân công đến tổ chức đánh giá, giám sát và tham gia đánh giá chất lượng vụ việc TGPL được phân công, hướng dẫn nghiệp vụ đánh giá chất lượng vụ việc cho TGVPL hạng III, những người được phân công đánh giá chất lượng khác theo quy định và thực hiện các nhiệm vụ khác được phân công.
TGVPL hạng II cũng chủ trì tổ chức hoặc trực tiếp hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng TGPL cho TGVPL hạng III và người thực hiện TGPL khác; chủ trì hoặc tham gia biên soạn chương trình, tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL; tổ chức hoặc tham gia bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ và kỹ năng TGPL cho TGVPL hạng III và người thực hiện TGPL khác; chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn thực hiện TGPL, đề xuất các giải pháp đổi mới nâng cao chất lượng công tác TGPL.