Chính trị - Xã hội Chính trị - Xã hội Thuận An: Đơn vị đầu tiên được huyện giao tự cân đối thu, chi ngân sách

Thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu, là đơn vị đầu tiên được huyện Phú Vang giao tự cân đối thu, chi ngân sách từ năm 2004 cho đến nay; tổng thu ngân sách của Thuận An năm 2018 đạt 26,65 tỷ đồng tăng 58 lần so với năm 1999.

Một vùng nuôi trồng thủy sản của thị trấn Thuận An

Một vùng nuôi trồng thủy sản của thị trấn Thuận An

Thị trấn mở rộng đạt tiêu chuẩn đô thị loại bốn

Ngày 20/8/1999 cách đây tròn 20 năm, thị trấn Thuận An được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 xã Thuận An và Phú Tân cũ; năm 2013 được công nhận thị trấn Thuận An mở rộng đạt tiêu chuẩn đô thị loại bốn.

Những ngày đầu thành lập, Đảng bộ, chính quyền Nhân dân thị trấn Thuận An phải đối mặt với nhiều khó khăn, do ảnh hưởng của cơn lũ lịch sử năm 1999. Gần 70 ngôi nhà của thôn Hải Thành bị cuốn trôi ra biển.

“Để vượt qua khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị trấn Thuận An đoàn kết một lòng, tập trung khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, các nguồn lực của địa phương”- ông Hoàng Phước, Bí thư Đảng ủy thị trấn Thuận An bắt đầu câu chuyện.

Sau sự cố môi trường biển năm 2016, một lần nữa, nguồn lực được tập trung vào lĩnh vực đánh bắt xa bờ. 20 năm qua, ngư dân của thị trấn đã nâng tổng số tàu thuyền hiện có lên 386 chiếc; trong đó, tàu dưới 90 CV 231 chiếc; từ 90 CV trở lên 155 chiếc. Đặc biệt, có 3 tàu vỏ sắt công suất từ 850-1.100 CV và trên 35 tàu 800 CV.

Đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá hơn 20 chiếc, đảm bảo cung cấp nhiên liệu, thu mua hải sản ngay trên biển. Nhiều ngư dân phấn khởi chia sẻ, tàu xa bờ mỗi chuyến đánh bắt bình quân từ 12- 15 tấn hải sản; những chuyến “trúng” từ 20 -25 tấn.

Ông Hoàng Phước cho hay, năm 1999, sản lượng khai thác của thị trấn đạt 2.081 tấn nay tăng lên 9.890 tấn, tăng 7.809 tấn sau 20 năm. Tổng giá trị sản lượng bình quân hàng năm đạt từ 200- 250 tỷ đồng. Địa phương triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết và quy hoạch vùng nuôi đầm Sam Chuồn gắn với sắp xếp giải tỏa nò sáo, đáy rớ; chuyển đổi đất nông nghiệp sang ngư nghiệp, nâng tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 526 ha; sản lượng thu hoạch năm 2018 đạt 9 nghìn tấn, tăng 4,2 lần so với năm 1999.

Người dân lựa chọn hình thức nuôi xen ghép các đối tượng cá, tôm, cua, để đảm bảo tính an toàn, cho thu nhập ổn định quanh năm.

“Năm 1999, vợ chồng tôi đi làm ruộng thuê. Từ 2003, đất này chuyển đổi từ nông sang ngư, gia đình tôi mạnh dạn thuê 1,5 ha mặt nước để nuôi trồng. Đến nay lãi ròng mỗi năm từ 300- 400 triệu đồng. Nhiều hộ sản xuất trên diện tích 2-3 ha, thu lãi đến trên 500 triệu đồng mỗi năm- anh Nguyễn Ngọc Hoàng (tổ dân phố Tân Mỹ) chia sẻ.

Phát triển dịch vụ du lịch

Dịch vụ du lịch là một trong những thế mạnh của thị trấn Thuận An để phát triển. Gần 40 tỷ đồng do tỉnh, huyện, thị trấn “đổ” vào đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống nước máy phục vụ tại bãi tắm, hệ thống nhà tắm nước ngọt, nhà vệ sinh… Công tác cứu hộ, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy…, được chú trọng, đảm bảo an toàn xã hội nhằm phục vụ cho du khách đến tắm và nghỉ mát ở bãi tắm Thuận An được tốt hơn.

Những năm qua du lịch của thị trấn phát triển cả về quy mô và chất lượng. Tổng lượng khách du lịch tăng bình quân từ 25- 30%/năm. Giá trị các ngành dịch vụ tăng 24% năm. Năm 2018 tăng gấp 3 lần so với năm 1999; tổng mức hàng hóa dịch vụ đạt khoảng 85 tỷ đồng, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách, giải quyết việc làm trên địa bàn.

Năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thị trấn Thuận An đạt trên 21,7% tăng gấp 2 lần so với năm 1999; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 3.300 USD, tăng hơn 2 lần. Chặng đường 20 năm đồng lòng vượt qua nhiều khó khăn, chung tay xây dựng, phát triển, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân thị trấn Thuận An vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba; Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen…

Đến nay, hệ thống giao thông đã thuận lợi cho giao thương, phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều tuyến đường huyết mạch tiếp tục được đầu tư nâng cấp, mở rộng. Trên 98% đường giao thông của thị trấn quản lý được trải nhựa; 100% đường giao thông liên tổ dân phố được trải vật liệu cứng. Phong trào giao thông nông thôn phát triển mạnh với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Nhiều nơi Nhân dân tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công lao động, tiền của để làm đường giao thông nông thôn. Tổng nguồn vốn đầu tư cho mạng lưới giao thông nông thôn của thị trấn trong suốt 20 năm qua đạt hàng trăm tỷ đồng.

Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội đạt được những thành tựu đáng mừng. Chất lượng giáo dục ngày càng nâng lên, số giáo viên dạy giỏi, học sinh giỏi các cấp và học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng tăng mạnh qua các năm. Năm học 2018 - 2019, toàn thị trấn có 35 giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, 104 giáo viên dạy giỏi cấp huyện; 51 học sinh giỏi cấp tỉnh; 141 học sinh giỏi cấp huyện. Đến nay, 100% cán bộ quản lý và giáo viên đứng lớp ở các bậc mầm non, tiểu học, THCS và THPT đều đạt chuẩn và trên chuẩn…

“Những thành tựu đáng tự hào hơn cả là đời sống mọi mặt của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn không ngừng được cải thiện. Cán bộ, đảng viên và Nhân dân phấn khởi, tin tưởng sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng, tạo sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, thi đua, tích cực sáng tạo trong học tập, lao động sản xuất...”- ông La Phúc Thành, Chủ tịch UBND huyện Phú Vang khẳng định.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/thuan-an-don-vi-dau-tien-duoc-huyen-giao-tu-can-doi-thu-chi-ngan-sach-a76251.html