Chính trị - Xã hội Theo dòng thời sự Chăm lo đời sống cho người lao động là thực hiện di chúc của Bác

.VN - Gắn thực hiện Di chúc của Bác, nội dung Chỉ thị 05 với từng lĩnh vực công tác, nhiệm vụ chính trị, nhằm đổi mới hoạt động Công đoàn là mục đích buổi tọa đàm 'Công đoàn Thừa Thiên Huế thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay', do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức sáng 19/8.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà thăm và tặng quà cho công nhân tại Công ty Scavi Huế nhân dịp Tết sum vầy 2019

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà thăm và tặng quà cho công nhân tại Công ty Scavi Huế nhân dịp Tết sum vầy 2019

Học Bác từ những điều nhỏ nhất

Bà Trần Thị Xuân Hương, Chủ tịch LĐLĐ huyện Phú Lộc chia sẻ, việc thực theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đơn vị bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, để gần gũi với người lao động thay vì hô hào vận động. Điều đó được thể hiện rõ qua phương châm hoạt động “Lắng nghe, thấu hiểu và đáp ứng những nhu cầu người lao động cần nhất”.

“Chăm lo đời sống cho người lao động là điều được Bác căn dặn. Hiện nay, LĐLĐ huyện Phú Lộc tập trung xây dựng niềm tin với người lao động bằng việc đổi mới hoạt động theo hướng quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn”, bà Xuân Hương khẳng định.

Với nỗ lực hướng về cơ sở, thời gian qua, các công đoàn cơ sở trên địa bàn huyện Phú Lộc đã phối hợp tốt với chính quyền tổ chức các đợt giám sát thực hiện các chế độ bảo hiểm, lương thưởng; tham gia giải quyết tranh chấp lao động, tạo sự ổn định, gắn kết giữa người lao động với doanh nghiệp. Những thành quả trên là cơ sở để tổ chức Công đoàn ngày càng củng cố vị thế, thu hút đông đảo người lao động gia nhập công đoàn.

Tương tự, là công đoàn cấp trên cơ sở quản lý số lượng đoàn viên đông nhất, ông Trần Hữu Cáo, Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế - Công nghiệp tỉnh cho biết, đơn vị luôn lấy lợi ích của đoàn viên và người lao động làm mục tiêu phấn đấu. Trong đó, tập trung vào các hoạt động chăm lo đời sống cho người lao động theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Như việc nâng cao chất lượng bữa ăn ca, cán bộ công đoàn đã đi đến từng doanh nghiệp để khảo sát, có sự so sánh tương quan; từ đó vận động, thuyết phục các doanh nghiệp nâng cao chất lượng ăn ca. Hay tại chương trình Tết sum vầy, Công đoàn Khu Kinh tế - Công nghiệp đã hỗ trợ hằng nghìn phần quà đến tay người lao động có hoàn cảnh khó khăn thông qua nhiều nguồn quỹ hỗ trợ vận động được…

Đổi mới hoạt động

Buổi tọa đàm nhận được nhiều ý kiến hay, sáng tạo trong việc gắn thực hiện Di chúc của Bác, nội dung Chỉ thị 05 với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn các cấp theo hướng đổi mới hoạt động: “Vì lợi ích của đoàn viên và người lao động”.

Bà Nguyễn Khoa Hoài Hương, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh (ngoài cùng bên phải) thăm hỏi, động viên công nhân làm việc tại huyện Phú Lộc

Bà Nguyễn Khoa Hoài Hương, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh (ngoài cùng bên phải) thăm hỏi, động viên công nhân làm việc tại huyện Phú Lộc

Việc nêu gương cán bộ, ông Nguyễn Quốc Đạt, Trưởng ban Tổ chức, Chánh Văn phòng LĐLĐ tỉnh dẫn chứng, nêu gương là một nguyên tắc trong tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Theo Bác, muốn tiến hành nêu gương, cán bộ, đảng viên phải luôn thực hiện “nói đi đôi với làm” và phải biết lấy người tốt, việc tốt để tuyên truyền cho sự nêu gương.

Với tham luận “Bài học về trách nhiệm nêu gương của cán bộ công đoàn trong công tác tham mưu tổ chức các phong trào tại cơ sở”, ông Nguyễn Quốc Đạt đã đề xuất, mỗi người cán bộ công đoàn cần bổ khuyết một số điểm còn hạn chế bên cạnh những ưu điểm đạt được. Đồng thời xác định, cần xây dựng được một bộ máy, đội ngũ cán bộ tham mưu công tâm, vừa có tâm, vừa có tầm và đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Trong đó, chú trọng một số điểm như: phải nắm bắt nhu cầu của đoàn viên, người lao động và thực trạng hoạt động của công đoàn cơ sở; chọn những nội dung trọng tâm, trọng điểm gắn với lợi ích thiết thực của đoàn viên; không ngừng học hỏi, rút kinh nghiệm từ những phong trào đã tổ chức để có cách tham mưu mới mang lại hiệu quả…

Bà Ngô Thị Thu Hương, Trưởng ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh đặt ra vấn đề, một trong những điều chủ chốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh về “Sửa đổi lề lối làm việc”, do vậy, Ban Tuyên giáo đã thực hiện tốt kế hoạch phân công đi cơ sở chỉ đạo, nắm tình hình theo sự công của cấp trên. Bên cạnh đó, tham mưu thành lập đội ngũ cộng tác viên dự luận xã hội Công đoàn, xây dựng cánh tay nối dài của LĐLĐ tỉnh ở cơ sở trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên và người lao động.

Từ sự lắng nghe ý kiến đó, các cấp Công đoàn đã nắm bắt được những khó khăn và nhu cầu thực tế của đoàn viên ở vùng sâu, vùng xa để tổ chức các hoạt động hỗ trợ thông qua hình thức vận động các doanh nghiệp, tổ chức chung tay giúp đỡ. Nhiều hoạt động ở cơ sở, hoàn cảnh đoàn viên khó khăn cũng được hỗ trợ, chăm lo bắt nguồn từ việc “sửa đổi lề lối làm việc”. Điển hình như LĐLĐ TP. Huế với chương trình chăm lo đời sống đoàn viên Nghiệp đoàn xích lô, xe thồ; LĐLĐ huyện Phú Lộc với chương trình Tết yêu thương xổ số gây quỹ tặng quà cho đoàn viên…

Với những việc làm như vậy, LĐLĐ tỉnh đang nỗ lực đổi mới hoạt động công đoàn từ việc “lắng nghe ý kiến dân chúng” theo tư tưởng của Người, bà Thu Hương khẳng định.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Khoa Hoài Hương, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh nhấn mạnh, không một dòng trong di chúc của Người nhắc đến Công đoàn, nhưng bao trùm lên tất cả là tình yêu thương, là tư tưởng của Bác về xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, là việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân nói chung và công nhân lao động nói riêng. Đó chính là “Kim chỉ nam” trong các hoạt động của các cấp công đoàn tỉnh thời gian qua và trong tương lai.

Bài, ảnh: Minh Nguyên

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/cham-lo-doi-song-cho-nguoi-lao-dong-la-thuc-hien-di-chuc-cua-bac-a76232.html