Chính trị - Xã hội Theo dòng thời sự Để người dân yên tâm

Việc thanh toán không dùng tiền mặt mang lại nhiều lợi ích, nhất là giảm thời gian đi lại của doanh nghiệp, người dân; an toàn trong bảo quản tiền mặt…

Ngày 16/6 được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chọn làm Ngày không dùng tiền mặt (theo đề xuất của Báo Tuổi trẻ). Đây là năm đầu tiên Việt Nam có ngày này, nhằm tôn vinh lợi ích của việc thanh toán bằng điện tử, từng bước thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân.

Thật ra, việc thanh toán không dùng tiền mặt đã xuất hiện ở Việt Nam từ rất sớm và nở rộ hơn 10 năm nay, gắn với sự phát triển của công nghệ thông tin. Ngày 23/02/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 241/QĐ-TTg phê duyệt đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội.

Trước đó, nhiều dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt đã được áp dụng rộng rãi trong hoạt động của nhiều cơ quan, doanh nghiệp và người dân như việc trả lương qua thẻ ATM, thanh toán điện, nước, mua sắm... qua tài khoản ngân hàng. Theo Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, trong 3 tháng đầu năm 2019, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý trên 37 triệu giao dịch với giá trị gần 21 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng khoảng 23% số giao dịch và 17% giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2018). Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt liên tục được tăng cường, mở rộng; đến cuối năm 2018, toàn quốc có 18.587 ATM trải rộng khắp cả nước, 243.123 máy POS, được lắp đặt tại các điểm bán lẻ ở các trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi bán lẻ, cửa hiệu tạp hóa lớn, nhà hàng, khách sạn và đang mở rộng tới nhiều đơn vị cung ứng dịch vụ công như cơ sở y tế, bệnh viện, trường học, dịch vụ công ích.

Trên địa bàn Thừa Thiên Huế hiện có hơn 238 máy ATM đang hoạt động với 946.000 thẻ đang lưu hành;1.303 máy POS được duy trì kết nối hoạt động. Số đơn vị trả lương qua tài khoản có 1.248, chi chuyển khoản chiếm 91,4%/ tổng số đơn vị có hưởng lương từ ngân sách Nhà nước; thu thuế không dùng tiền mặt chiếm 75%/ tổng thu các loại thuế.

Mới đây, UBND tỉnh ký kết hợp tác phát hành thẻ điện tử và triển khai thanh toán dịch vụ trên hệ thống quản lý thông tin điện tử tỉnh với Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, sau khi phối hợp triển khai thành công Cổng thanh toán trực tuyến tích hợp cổng dịch vụ công. Đây là mô hình đầu tiên được triển khai trên toàn quốc. Theo đó, có 3 loại thẻ điện tử là thẻ điện tử doanh nghiệp, thẻ điện tử cá nhân và thẻ điện tử công chức, viên chức…

Việc thanh toán không dùng tiền mặt mang lại nhiều lợi ích, nhất là giảm thời gian đi lại của doanh nghiệp, người dân; an toàn trong bảo quản tiền mặt…

Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ thanh toán không bằng tiền mặt hiện nay vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Thống kê mới đây cho thấy, có hơn 90% người Việt vẫn sử dụng tiền mặt. Nguyên nhân một phần do thói quen, thu nhập thấp, thiếu ổn định…; một phần do một bộ phận người dân chưa yên tâm về tính an toàn của các dịch vụ thanh toán điện tử như tình trạng tài khoản bị đột nhập, đánh cắp; giao dịch bị trục trặc do lỗi kỹ thuật…

Có ý kiến cho rằng, để góp phần tăng số lượng người dân sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền vận động, tổ chức tập huấn cho người dân các thao tác sử dụng dịch vụ; đồng thời, đảm bảo an toàn thông suốt trên hệ thống thanh toán, để người dân yên tâm.

Đặng Thành

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/de-nguoi-dan-yen-tam-a73534.html