Chống người thi hành công vụ vẫn còn diễn biến phức tạp

Thời gian gần đây, hành vi chặt phá rừng trái phép và chống người thi hành công vụ đối với lực lượng tuần tra và bảo vệ rừng đang ngày càng gia tăng và tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Mức độ, tính chất, hành vi của các đối tượng ngày càng liều lĩnh, manh động hơn...

Quy mô tàn phá rừng của “lâm tặc” ngày càng mở rộng. Ảnh: H.Yên

Huy động người để cản trở

Thông tin từ Hạt Kiểm lâm Đức Trọng cho biết, trên địa bàn huyện liên tiếp xảy ra vụ chống người thi hành công vụ, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019 đã có tới 2 vụ. Cụ thể, ngày 20/5, kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Tà Năng nhận được tin báo của Ban QLRPH Tà Năng về việc có 3 đối tượng sử dụng 3 xe máy độ chế vận chuyển lâm sản. Sau khi tiếp nhận thông tin, kiểm lâm địa bàn xã Đa Quyn đã tới hiện trường để phối hợp với lực lượng bảo vệ rừng của Ban QLRPH Tà Năng và UBND xã Tà Năng đưa tang vật, phương tiện về Ban QLRPH Tà Năng kiểm tra nguồn gốc lâm sản. Trong quá trình đưa về tới khu vực gần Cầu Tràn, thôn K’Long Boong thì các đối tượng không chấp hành mệnh lệnh mà kích động người dân trong thôn ra để ngăn chặn cơ quan chức năng thực thi nhiệm vụ. Khi thấy tình hình phức tạp, đoàn công tác đã báo cáo sự việc về UBND xã Tà Năng để xin tăng cường lực lượng. Nhận được thông tin, UBND xã Tà Năng đã cử 1 đồng chí công an xã và 1 đồng chí Công an huyện phụ trách xã tới hiện trường. Sau thời gian vận động, tuyên truyền, 3 đối tượng vận chuyển lâm sản trên đã chấp hành và tự điều khiển phương tiện cùng tang vật về Ban QLRPH Tà Năng để kiểm tra. Thế nhưng, khi đến khu vực cánh đồng thuộc thôn K’Long Boong, xã Tà Năng thì có khoảng 100 người dân cản trở và không cho lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ và dùng dao xông vào chặt dây buộc gỗ nhằm tẩu thoát xe. Do cán bộ thực thi nhiệm vụ mỏng, trong khi lực lượng tăng cường chưa đến, số đông người dân trên đã xông vào cướp tang vật, phương tiện và lấy đi 3 xe máy, chỉ để lại hiện trường 6 hộp gỗ. Từ năm 2016, mỗi năm đều có những vụ việc chống người thi hành công vụ nổi cộm, phức tạp. Trước đó, vào năm 2016, một nhóm đối tượng đã dùng hung khí tấn công các cán bộ bảo vệ rừng tại Tiểu khu 243A thuộc xã Phi Tô, huyện Lâm Hà làm anh Nguyễn Ái Tĩnh, cán bộ lâm nghiệp của Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Ban tử vong, hai cán bộ khác bị thương nặng.

Qua tình hình nêu trên cho thấy, hiện nay tình hình thực thi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, đảm bảo chấp hành pháp luật về lâm nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là tình trạng khi bị phát hiện các đối tượng vi phạm thường huy động số đông người tham gia gây cản trở, chống lại không cho lực lượng chức năng thi hành nhiệm vụ.

Cần giải pháp đồng bộ

Ông Lê Đình Việt, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, từ đầu năm 2016 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 16 vụ chống người thi hành công vụ, làm bị thương 23 người; trong đó có 8 công chức kiểm lâm và 15 cán bộ bảo vệ rừng, làm chết 1 cán bộ bảo vệ rừng. Đáng chú ý là thời gian gần đây, các vụ việc chống người thi hành công vụ diễn ra hết sức phức tạp và có tổ chức. Khi lực lượng thi hành công vụ tiến hành biện pháp ngăn chặn, các đối tượng thường không chấp hành, chống đối, lăng mạ, tập trung đông người hành hung lực lượng thực thi công vụ, cướp lại tài sản, tang vật vi phạm; thậm chí còn khống chế lực lượng thực thi pháp luật, cướp tài sản, đốt phá tài sản...

Lý giải về việc chống người thi hành công vụ diễn ra tại địa phương thời gian gần đây, ông Việt cho rằng, trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng cũng chưa được các cơ quan chức năng ở địa phương quan tâm và xử lý nghiêm minh, dẫn tới tâm lý coi thường pháp luật, nhất là các phần tử xấu càng có cơ hội lôi kéo, kích động nhiều người tham gia chống người thi hành công vụ. Đồng thời, cần phải nhìn lại công tác bảo vệ rừng, đặc biệt là các đơn vị kiểm lâm phải rút kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của mình.

Lực lượng kiểm lâm cần chủ động bám sát quy chế, quy định của ngành, phối hợp với các ngành, địa phương để xây dựng các giải pháp tốt hơn. Mặt khác, để đối phó với những hành vi chống người thi hành công vụ, cần có những biện pháp trước mắt và lâu dài. Trước hết, cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân về lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là người dân sống gần rừng để họ nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của rừng, không phá rừng, khai thác rừng trái phép, vận chuyển lâm sản trái pháp luật bán cho các đầu nậu và vận động người dân tham gia tố giác các đối tượng có hành vi trục lợi từ việc mua bán lâm sản không có nguồn gốc hợp pháp.

Bên cạnh đó, cần tăng cường, nâng cao năng lực, trình độ pháp lý, kiến thức chuyên ngành cho lực lượng kiểm lâm; tăng cường công tác phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng, nhất là phát huy vai trò của lực lượng tại chỗ là công an xã và dân quân dự bị để kịp thời ứng phó khi có đề nghị. Kịp thời, thường xuyên tổ chức tập huấn sử dụng công cụ hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của đơn vị chủ rừng; đồng thời, cấp phát đủ công cụ hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách khi đi thực hiện nhiệm vụ. Và, quan trọng hơn cả là cơ quan chức năng (lực lượng công an) cần tích cực điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm minh các đối tượng chống người thi hành công vụ để làm gương, tạo tính răn đe, giáo dục phòng ngừa.

HOÀNG YÊN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/phapluat/201907/chong-nguoi-thi-hanh-cong-vu-van-con-dien-bien-phuc-tap-2953705/