Chống phân biệt đối xử trong tuyển dụng và môi trường làm việc

Chống phân biệt giới tính trong tuyển dụng và việc làm là một trong những điểm vô cùng quan trọng trong Luật Bảo vệ phụ nữ sửa đổi năm 2023 của Trung Quốc. Bởi đây là những nguyên nhân chính có thể ảnh hưởng đến cơ hội tham gia lực lượng lao động của phái yếu.

Cụ thể hóa những hành vi định kiến giới bị cấm

Bất chấp sự lên án rộng rãi về chủ nghĩa phân biệt giới tính, tình trạng này trong các hoạt động tuyển dụng ở Trung Quốc vẫn diễn ra phổ biến. China Daily dẫn báo cáo của cổng thông tin tuyển dụng Zhaopin cho biết, theo 61,1% lao động nữ được hỏi về tình trạng hôn nhân hoặc kế hoạch sinh con trong các cuộc phỏng vấn việc làm, trong khi chỉ có 21,5% nam giới gặp phải câu hỏi như vậy. Khoảng 23% phụ nữ nói họ mất cơ hội thăng tiến vì đang ở độ tuổi lý tưởng để kết hôn và sinh con.

Nguồn: Insider

Nguồn: Insider

Vì vậy, Luật Bảo vệ phụ nữ sửa đổi đã phải nỗ lực nhiều hơn để loại bỏ định kiến giới trong quá trình tuyển dụng. Nó quy định danh sách các hành vi mà các nhà tuyển dụng không được thực hiện trong quá trình tuyển dụng, bao gồm: hạn chế việc làm chỉ cho nam giới hoặc chỉ định rằng nam giới sẽ được ưu tiên; hỏi hoặc điều tra về tình trạng hôn nhân và con cái của phụ nữ khi xin việc; yêu cầu thử thai như một mục kiểm tra thể chất đầu vào khi nộp đơn xin việc; khiến tình trạng hôn nhân hoặc thai sản trở thành điều kiện để tuyển dụng và làm việc; từ chối tuyển dụng phụ nữ vì lý do giới tính hoặc nâng cao tiêu chuẩn cho quy trình tuyển dụng phụ nữ theo bất kỳ cách nào khác.

Người sử dụng lao động khi tuyển lao động nữ phải ký hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận dịch vụ với lao động nữ theo quy định của pháp luật; hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận dịch vụ phải có các điều khoản đặc biệt về bảo vệ nhân viên nữ và không được có nội dung như hạn chế kết hôn hoặc sinh con.

Hợp đồng tập thể được ký kết giữa tập thể người lao động và các đơn vị sử dụng lao động phải có nội dung về bình đẳng giới, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động nữ, có thể đưa nội dung liên quan vào chương riêng, tài liệu đính kèm hoặc hợp đồng tập thể đặc biệt được ký kết độc lập về bảo vệ quyền và lợi ích của lao động nữ.

Bình đẳng không có nghĩa là cào bằng

Luật Bảo vệ phụ nữ sửa đổi nêu rõ, phải thực hiện trả lương bình đẳng cho nam và nữ đối với công việc như nhau. Phụ nữ được hưởng các quyền bình đẳng như nam giới trong việc hưởng các chế độ phúc lợi. Bên cạnh đó, không phân biệt đối xử với phụ nữ trong các lĩnh vực như đề bạt, đánh giá chức danh, chức vụ chuyên môn kỹ thuật, đào tạo.

Ngoài ra, bình đẳng không có nghĩa là cào bằng. Do đó, luật căn cứ vào đặc điểm của phụ nữ và theo quy định của pháp luật, đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm bảo vệ an toàn, sức khỏe và quyền được nghỉ ngơi của phụ nữ trong quá trình làm việc, lao động. Phụ nữ phải được bảo vệ, đặc biệt trong thời kỳ kinh nguyệt, mang thai, sinh đẻ và cho con bú.

Người sử dụng lao động không được cắt giảm tiền lương hoặc các quyền lợi của lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, cho con bú hoặc các trường hợp tương tự khác, không được hạn chế việc thăng, nâng ngạch, xét thăng chức, không được sa thải lao động nữ hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận dịch vụ.

Trong trường hợp hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận dịch vụ hết hạn trong khi phụ nữ đang mang thai hoặc đang hưởng chế độ nghỉ thai sản hợp pháp thì thời hạn của hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận dịch vụ sẽ tự động được kéo dài cho đến khi kết thúc thời gian nghỉ thai sản. Tuy nhiên, có ngoại lệ khi đơn vị sử dụng lao động kết thúc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động/thỏa thuận dịch vụ theo quy định của pháp luật hoặc lao động nữ yêu cầu kết thúc.

Khi các đơn vị sử dụng lao động thực hiện hệ thống hưu trí quốc gia, họ cũng không được phân biệt đối xử với phụ nữ trên cơ sở giới tính.

Các vấn đề liên quan đến phân biệt giới tính trong quá trình tuyển dụng, thuê mướn, đề bạt, đánh giá chức danh và vị trí chuyên môn và kỹ thuật, đào tạo hoặc sa thải sẽ được các bộ phận nhân sự và an sinh xã hội xem xét trong phạm vi giám sát của họ đối với các biện pháp bảo vệ lao động. Nếu người sử dụng lao động vi phạm các quy định về bình đẳng giới, cơ quan quản lý nhân sự và an sinh xã hội sẽ buộc người sử dụng lao động đó thực hiện các biện pháp khắc phục. Nếu người sử dụng lao động từ chối sửa chữa hoặc để xảy ra các tình huống nghiêm trọng, họ sẽ bị phạt không dưới 10.000 NDT, nhưng không quá 50.000 NDT (1 NDT vào khoảng 3.400 VND).

Nhà nước phát triển công tác an sinh xã hội, bảo đảm cho phụ nữ được hưởng các quyền và lợi ích về bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội và phúc lợi xã hội, đồng thời vận động, khuyến khích thực hiện các hoạt động xã hội công ích giúp đỡ phụ nữ.

Ngoài ra, nhà nước còn triển khai hệ thống bảo hiểm thai sản, thiết lập và hoàn thiện các dịch vụ chăm sóc trẻ em và các hệ thống an toàn khác liên quan đến thai sản; thiết lập và hoàn thiện chế độ nghỉ sinh con, bảo đảm rằng những người lao động đang mang thai hoặc mới làm mẹ được hưởng các quyền và lợi ích của họ khi nghỉ ngơi và nghỉ phép…

Thái Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/chong-phan-biet-doi-xu-trong-tuyen-dung-va-moi-truong-lam-viec-i318531/