Chồng vay tiền đánh bạc, vợ có phải cùng trả nợ?

Đánh bạc là hành vi trái pháp luật; do đó nếu người chồng vay tiền đánh bạc, không vì nhu cầu của gia đình mà người vợ không biết thì không phải cùng trả nợ.

Anh rể của tôi trước đây thường xuyên cờ bạc, cá độ bóng đá gây ra nhiều nợ nần nhưng chị tôi không hề hay biết. Sau này, chủ nợ tìm đến nhà và yêu cầu chị tôi phải cùng trả nợ; nếu không trả thì phải ký vào giấy bán nhà. Do lo sợ ảnh hưởng đến các con vì bị chủ nợ hù dọa, chị tôi đành phải viết và ký giấy theo sự ép buộc của chủ nợ.

Xin hỏi, chồng vay nợ do cờ bạc thì vợ có nghĩa vụ phải cùng trả không? Làm sao để chị tôi chứng minh việc ký giấy bán nhà là do bị ép buộc?

Bạn đọc TTM (TP.HCM)

Luật sư Trương Thị Pha, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Cá độ bóng đá được coi là đánh bạc trái phép. Tùy mức độ vi phạm, người tham gia cá độ bóng đá có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Do đó, nếu giao dịch vay nợ này là do người chồng một mình thực hiện, không mang về để đầu tư kinh doanh hay phục vụ nhu cầu thiết yếu của gia đình, người vợ không hề biết, không tham gia xác lập thì theo quy định tại khoản 3 Điều 45 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 sẽ được coi là khoản nợ riêng của người chồng và người vợ sẽ không có nghĩa vụ phải trả khoản nợ này.

Như vậy, theo lời trình bày của bạn thì đây là khoản nợ riêng không liên quan đến người vợ.

Đồng thời, chị của bạn cho rằng thực tế không có việc mua bán nhà thì cần chứng minh những vấn đề sau:

Về hình thức: Giấy bán nhà giữa người vợ và chủ nợ được lập tại nhà không có công chứng chứng thực là không phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai.

Cạnh đó, khoản 1 Điều 129 BLDS năm 2015 quy định giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch dân sự đã được xác lập theo quy định phải bằng văn bản nhưng văn bản không đúng quy định của luật mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất 2/3 nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó...

Về nội dung: Trên thực tế không có việc giao nhận tiền và bàn giao nhà, người vợ là người trực tiếp quản lý, sử dụng căn nhà từ trước cho đến nay. Do đó, có cơ sở để cho rằng giấy bán nhà được ký kết giữa người vợ và chủ nợ là hợp đồng giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác (theo Điều 124 BLDS)

Người vợ có thể khởi kiện để yêu cầu tòa tuyên bố hợp đồng vô hiệu và đề nghị tòa giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu, buộc chủ nợ trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

HUỲNH THƠ

Nguồn PLO: https://plo.vn/chong-vay-tien-danh-bac-vo-co-phai-cung-tra-no-post815140.html