Chủ động đón 'làn sóng' du lịch cuối năm

Trái ngược với xu hướng thắt chặt tiêu dùng do 'cơn gió ngược' của suy giảm kinh tế toàn cầu, xu hướng dịch chuyển hay nói chính xác hơn là xu hướng du lịch của người dân khắp thế giới vẫn cho thấy sự phục hồi rõ nét. Khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn nữa trong những tháng cuối năm của ngành du lịch đang rất được kỳ vọng...

Theo Agoda (ứng dụng đặt phòng khách sạn trên toàn cầu), du lịch những tháng đầu năm tiếp tục xu hướng phục hồi kéo dài từ năm 2022. Tùy từng thị trường nhưng đa số đều ở mức tương đương hoặc cao hơn trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19. Agoda nhận định: “Việt Nam là một trong những thị trường tích cực với sự gia tăng lượng khách quốc tế đến từ Hàn Quốc và Ấn Độ”.

Thống kê của Agoda cho thấy, các du khách Ấn Độ đặc biệt ưa thích Thái Lan, tiếp đến là Việt Nam, Indonesia, UAE, Singapore và Malaysia… Tại Việt Nam, Đà Nẵng tiếp tục là điểm đến hút khách quốc tế hàng đầu, thứ hai là TP.HCM và Hà Nội, Nha Trang, Hội An lần lượt đứng ở vị trí thứ ba, thứ tư và thứ năm.

Theo dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch của Google, từ đầu năm 2023 tới nay, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam liên tục tăng trong top đầu thế giới, từ vị trí thứ 11 lên vị trí thứ 6 hiện nay. Đáng chú ý, Việt Nam là điểm đến duy nhất trong Đông Nam Á nằm ở nhóm này. Theo đó, Việt Nam có mức tăng trưởng ở nhóm 10 - 25%, xếp thứ 6 trên thế giới, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung của khu vực Đông Nam Á (-10% đến 10%). Với kết quả này, không ngạc nhiên khi Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á lọt vào nhóm tăng trưởng cao hàng đầu thế giới.

Các nước còn lại xếp ở vị trí thấp hơn khá nhiều: Indonesia (18), Thái Lan (19), Malaysia (21), Philippines (23), Singapore (30). Những dữ liệu này cho thấy nhu cầu về du lịch Việt Nam đang phục hồi rất nhanh với tốc độ cao hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực.

VIỆT NAM LÀ ĐIỂM ĐẾN DU LỊCH HẤP DẪN

Mới đây, Quốc hội nước ta đã đồng ý kéo dài thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần; nâng thời hạn tạm trú cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày. Những chính sách này sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2023. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang xem xét mở rộng diện miễn thị thực đơn phương nhằm thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

Với những chính sách mới mang tính đột phá tạo thuận lợi về thị thực, xuất nhập cảnh, cùng với xu hướng thị trường tích cực, ngành du lịch Việt Nam được kỳ vọng sẽ bứt phá mạnh mẽ trong nửa cuối năm – thời điểm mùa cao điểm du lịch quốc tế.

Số liệu thống kê khách du lịch quốc tế vào Việt Nam cũng cho thấy xu hướng phục hồi. Theo Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 6/2023 đạt hơn 975.000 lượt khách, tăng 6,4% so với tháng 5/2023. So với tháng 6/2022 thì tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 6/2023 tăng 3,1 lần; trong đó đường không tăng 3,1 lần; đường biển tăng 142,7 lần và đường bộ tăng 2,9 lần.

Tổng số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 là 5,6 triệu lượt. Nếu so với cùng kỳ năm trước, số lượng khách quốc tế đến nước ta trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng gấp 9,3 lần. Trong đó đường không gấp 9,3 lần, đường bộ gấp 8,1 lần và đường biển gấp 443,9 lần.

Xét theo các thị trường, phần lớn các thị trường chính của Việt Nam đều tăng mạnh, đặc biệt khách mang quốc tịch Hàn Quốc tăng 13,9 lần, khách mang quốc tịch Trung Quốc tăng 12,2 lần. Xét theo quý, số lượng khách quốc tế đến nước ta trong quý 1 đạt 2,7 triệu lượt khách, tăng 28,7 lần so với cùng kỳ năm trước; quý 2 ước đạt 2,9 triệu lượt khách, tăng 4,6 lần so với quý 2 năm 2022.

Các thị trường khách quốc tế lớn nhất gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (TQ), Mỹ, Malaysia, Nhật Bản, Singapore, Campuchia, Thái Lan, Australia.

“Như vậy, thị trường Trung Quốc vươn lên đứng thứ 2 trong quá trình đưa khách du lịch đến Việt Nam. Đây là tín hiệu tích cực ban đầu, tạo cơ sở cho khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn nữa trong những tháng cuối năm”, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và dịch vụ, Tổng cục Thống kê nhận định.

Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê đặc biệt lưu ý, sau giai đoạn tăng mạnh, tốc độ tăng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong những tháng gần đây có xu hướng giảm dần. Mặc dù có phần nguyên nhân là do so sánh với nền cao của cùng kỳ năm 2022, song rõ ràng việc chậm có những thay đổi trong chính sách thu hút khách quốc tế đã khiến Việt Nam chậm chân trong phục hồi ngành du lịch.

CHUẨN BỊ CHO SỰ BẬT TĂNG

Báo cáo Xu hướng Kinh tế du lịch Thế giới 2023 được công bố giữa tháng 5/2023 cho thấy, số lượng khách du lịch toàn cầu trong năm 2023 dự kiến sẽ đạt 10,78 tỷ lượt người, bằng 74,4% so với mức của năm 2019, doanh thu từ ngành du lịch - lữ hành toàn cầu sẽ đạt 5.000 tỷ USD, tương đương 86,2% doanh thu toàn ngành của năm 2019.

Trong năm 2022, số lượng khách du lịch toàn cầu đạt 9,57 tỷ lượt người, đem lại nguồn doanh thu 4.600 tỷ USD. Báo cáo nhận định, sau đại dịch Covid-19, nhiều quốc gia đã thực hiện các chính sách và biện pháp nhằm thúc đẩy, phục hồi ngành du lịch, từng bước cải thiện ngành du lịch toàn cầu...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 29-2023 phát hành ngày 17-07-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Khánh Vy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chu-dong-don-lan-song-du-lich-cuoi-nam.htm