Chủ động hơn nữa trong công tác quản lý bảo vệ môi trường

Thực hiện phương châm chỉ đạo 'Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Bứt phá, Hiệu quả' của Thủ tướng Chính phủ, cùng với Chương trình công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2019, công tác quản lý bảo vệ môi trường đã có những chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức đến hành động.

Nhằm tạo nền tảng cho các mục tiêu dài hạn hơn trong những năm tới, năm 2020, Tổng cục Môi trường sẽ chủ động hơn nữa trong việc tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời quan điểm của Đảng về bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đưa môi trường cùng với kinh tế, xã hội là ba trụ cột trung tâm của phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy Giấy Lee&Man Việt Nam. Ảnh: Phạm Duy Khương/TTXVN

Hệ thống xử lý nước thải của Nhà máy Giấy Lee&Man Việt Nam. Ảnh: Phạm Duy Khương/TTXVN

Tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động

Đánh giá về công tác quản lý môi trường trong năm 2019, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, trước hết là quan điểm không đánh đổi môi trường lấy tăng trường kinh tế được quán triệt, triển khai thực hiện từ Trung ương đến địa phương. Nhiều địa phương như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Thái Bình, Thừa Thiên - Huế… đã kiên quyết không tiếp nhận các dự án công nghệ lạc hậu, đặt ở những vị trí nhạy cảm về môi trường, chú trọng thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, cải thiện chất lượng tăng trưởng.

Đồng thời cũng đã xuất hiện nhiều mô hình đô thị, nông thôn, khu công nghiệp, làng nghề, cơ sở sản xuất sinh thái, thân thiện với môi trường; các mô hình tái chế rác thải sinh hoạt đang được triển khai tại Hà Nội, Bắc Ninh, Hậu Giang, Đà Nẵng, Quảng Bình, Cần Thơ, Bình Dương.... Nền kinh tế có bước phát triển bền vững hơn, thân thiện hơn với môi trường.

Có thể khẳng định công tác quản lý môi trường được chuyển từ bị động sang chủ động trong phòng ngừa, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, đã kiềm chế được mức độ gia tăng ô nhiễm, không để phát sinh các sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Các dự án, cơ sở sản xuất lớn như Dự án Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Nhà máy Giấy Lee&Man Việt Nam, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Alumin Nhân Cơ, Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Công ty Cổ phần thép Hòa Phát - Dung Quất, một số nhà máy nhiệt điện... được kiểm soát, giám sát chặt chẽ về môi trường, hoạt động an toàn, có đóng góp nhất định cho tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Nhiều chỉ tiêu về môi trường đã có chuyển biến tích cực, đạt mục tiêu đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường đạt 89% (tăng 1%, tương ứng với 16 khu công nghiệp so với năm 2018, đạt chỉ tiêu đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội). Tỷ lệ nước thải sinh hoạt được thu gom đạt 13% (tăng 1% so với năm 2018); tỷ lệ chất thải rắn được thu gom đạt 86,5% (tăng 0,5% so với năm 2018).

Năm 2019, thêm 4 Vườn quốc gia được Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) công nhận là Vườn di sản ASEAN, gồm Vườn quốc gia Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh; Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng; Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, tỉnh Tây Ninh và Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum. Qua đó, Việt Nam trở thành quốc gia có nhiều nhất Vườn di sản của khu vực ASEAN, với tổng số 10 Vườn đến thời điểm hiện nay, góp phần quan trọng đối với công tác bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, giá trị đa dạng sinh học, du lịch, văn hóa, lịch sử của Việt Nam.

Đặc biệt, phong trào chống rác thải nhựa, sản phẩm nhựa sử dụng một lần đã tạo được sức lan tỏa rộng rãi, nhận được sự hưởng ứng, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xã hội, doanh nghiệp và người dân, qua đó đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của toàn xã hội về giảm thiểu rác thải nhựa.

Tuy vậy, năm 2019, vấn đề môi trường vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và còn những thách thức cần phải vượt qua. Đó là một số sự cố liên quan đến môi trường phát sinh ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân. Cụ thể như vụ cháy xảy ra tại Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông thuộc quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội, gây ô nhiễm môi trường không khí và nước; xả thải gây ô nhiễm nguồn nước của Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) gây khủng hoảng nước sạch nhiều quận, huyện của Hà Nội trong nhiều ngày.

Bên cạnh đó, ô nhiễm không khí trong các đô thị lớn diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng tại một số thời điểm trong ngày và một số ngày trong năm, nhất là khi có sự kết hợp giữa các yếu tố khí tượng, khí hậu, hiện tượng thời tiết sương mù với sự gia tăng các nguồn phát thải ô nhiễm không khí. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) có thời điểm vượt ngưỡng an toàn, nguy hại tới sức khỏe người dân, đặc biệt là bụi mịn PM2.5. Cùng với nước thải đô thị phát sinh ngày càng lớn, hạ tầng thu gom, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu, hầu hết chưa qua xử lý, xả ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước mặt trong các đô thị, khu dân cư.

Lượng chất thải rắn phát sinh tiếp tục gia tăng, hầu hết rác thải chưa được phân loại tại nguồn, năng lực thu gom còn nhiều hạn chế; tỷ lệ rác thải sinh hoạt được tái sử dụng, tái chế còn thấp; thu gom và xử lý chất thải nguy hại còn bất cập về hạ tầng kỹ thuật và công nghệ. Chất lượng và tính đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng tiếp tục suy giảm. Việc thành lập mới và mở rộng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên còn chậm, các loài động thực vật hoang dã tiếp tục suy giảm, vẫn còn các nguy cơ từ sinh vật ngoại lai xâm hại và rủi ro từ sinh vật biến đổi gen.

Tạo nền tảng quản lý và bảo vệ môi trường

Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã khắc phục và hoàn thiện các công trình bảo vệ môi trường. Ảnh: TTXVN

Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã khắc phục và hoàn thiện các công trình bảo vệ môi trường. Ảnh: TTXVN

Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được trong năm 2019 và những thách thức về môi trường, Tổng cục Môi trường xác định rõ: Năm 2020 là năm về đích hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, môi trường của giai đoạn 2016 - 2020, tạo nền tảng cho các mục tiêu dài hạn hơn đến năm 2030, 2045. Trong bối cảnh các nước trên thế giới ngày càng chú trọng hàng rào kỹ thuật về môi trường, cùng với nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn dẫn đến nguy cơ chuyển dịch công nghệ lạc hậu, kém thân thiện với môi trường vào nước ta.

Ở trong nước, quy mô nền kinh tế, dân số ngày càng lớn, mức độ công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh, khai thác tài nguyên, phát sinh các nguồn gây ô nhiễm, chất thải ngày càng lớn dẫn đến áp lực lên môi trường ngày càng cao, ảnh hưởng, tác động xấu đến chất lượng môi trường và đa dạng sinh học; vẫn còn tư tưởng ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư bằng mọi giá, xem nhẹ yêu cầu bảo vệ môi trường, quan điểm không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế chưa được thực hiện triệt để; ý thức, trách nhiệm, việc thực thi công tác bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao…đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với công tác quản lý, bảo vệ môi trường ở nước ta trong thời gian tới.

Vì vậy, để thực hiện thành công mục tiêu năm 2020 và các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, vượt qua thách thức, tạo nền tảng cho công tác quản lý và bảo vệ môi trường giai đoạn 5 năm tiếp theo, Tổng cục Môi trường sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp lý về bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cho giai đoạn 2021- 2030 với 3 nội dung chính: Sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời quan điểm của Đảng về bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đưa môi trường cùng với kinh tế, xã hội là ba trụ cột trung tâm của phát triển, đưa công tác bảo vệ môi trường sang giai đoạn mới.

Các nhóm chính sách lớn được định hình trong dự án Luật là phân luồng, phân nhóm các dự án đầu tư, cơ sở sản xuất theo mức độ tác động đến môi trường để có biện pháp quản lý môi trường phù hợp; phân vùng môi trường và cơ chế sàng lọc các dự án đầu tư dựa trên các tiêu chí môi trường. Cơ chế quản lý môi trường theo các giai đoạn của vòng đời dự án; liên thông, tích hợp các loại giấy phép, chứng nhận, công nhận về môi trường theo hướng 1 dự án, cơ sở sản xuất chỉ có 1 giấy phép về môi trường; xác định rõ trách nhiệm quản lý về môi trường của nhà nước và quản trị môi trường của chủ đầu tư, doanh nghiệp; quy định về quản lý chất thải rắn theo hướng phù hợp với tình hình phát sinh và bối cảnh kinh tế - xã hội; tăng cường sử dụng công cụ kinh tế, cơ chế tài chính trong quản lý môi trường…

Việc thực hiện 3 nhiệm vụ gồm lập quy hoạch về bảo vệ môi trường quốc gia, bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia, quan trắc môi trường quốc gia với 4 nội dung chính là phân vùng môi trường, bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học, quy hoạch khu xử lý chất thải rắn tập trung, hệ thống quan trắc môi trường nhằm định hướng đầu tư, phát triển các ngành kinh tế phù hợp với ngưỡng chịu tải của môi trường, giám sát, cảnh báo chất lượng môi trường.

Đồng thời, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường theo hướng rà soát, bổ sung hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam phù hợp chuẩn mực khu vực và quốc tế; xây dựng lộ trình áp dụng để thiết lập hàng rào kỹ thuật ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm môi trường, dịch chuyển công nghệ lạc hậu vào Việt Nam.

Tổng cục Môi trường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương giải quyết các vấn đề ô nhiễm lớn, phức tạp, nhạy cảm, gắn với số đông dân cư, nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, đó là ô nhiễm không khí trong các đô thị, khu dân cư; rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa; ô nhiễm nguồn nước mặt trong các khu đô thị, khu dân cư, các vùng kinh tế trọng điểm; đồng thời đẩy nhanh tiến độ di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, hoặc không phù hợp với quy hoạch ra khỏi khu vực đô thị và khu dân cư.

Chủ động phòng ngừa, giám sát, kiểm soát các dự án, nguồn thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của các Tổ giám sát về môi trường đối với các dự án, cơ sở sản xuất lớn đã được thành lập; huy động sự vào cuộc của tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc rà soát, kiểm soát chặt chẽ các dự án, cơ sở có nguồn thải thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm thuộc phạm vi quản lý nhằm nắm bắt, kiểm soát các dự án, nguồn thải cao trên phạm vi cả nước, bảo đảm các dự án, cơ sở vận hành an toàn về môi trường, không để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng.

Tổng cục cũng sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về môi trường theo hướng thực hiện đơn giản hóa về điều kiện và cách thức thực hiện, bãi bỏ các thủ tục hành chính không thực sự cần thiết cho công tác quản lý môi trường; lồng ghép, tích hợp việc thẩm định các thủ tục hành chính liên quan trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; tổ chức thực hiện thủ tục hành chính đúng trình tự, thủ tục, bảo đảm chất lượng, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp. Tổng cục Môi trường cùng với các bộ, ngành, địa phương ứng phó, xử lý kịp thời, hiệu quả đối với các vụ việc, sự cố liên quan đến môi trường phát sinh; kiện toàn và vận hành hiệu quả đường dây nóng về ô nhiễm môi trường từ Trung ương đến cấp quận, huyện trên phạm vi cả nước, nhằm giải quyết những vấn đề này ngay từ cơ sở, địa bàn cụ thể, tạo niềm tin trong nhân dân đối với công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Tổng cục Môi trường kết thúc quá trình tranh tra 3 năm theo hình thức cuốn chiếu, xoay vòng đối với các cơ sở thuộc 17 loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và vi phạm pháp luật để tổng hợp, đánh giá chung về mức độ vi phạm, mức độ đáp ứng yêu cầu pháp luật của các đối tượng này trong thời gian qua, qua đó đề ra định hướng công tác thanh tra, kiểm tra, nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường của giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, công tác tuyên truyền, giáo dục được tăng cường, thực hiện Chương trình truyền thông mạnh mẽ để tạo thành phong trào rộng lớn trong toàn xã hội tham gia bảo vệ môi trường; phân loại rác thải tại nguồn, hạn chế sử dụng nhựa, túi nilon khó phân hủy, sử dụng một lần; phát hiện, nhân rộng các điển hình, khu vực, mô hình, cách làm hay về môi trường tạo được phong trào; thúc đẩy các nhân tố tích cực, điểm sáng, khu vực, địa bàn, lĩnh vực điển hình nhằm tạo sự lan tỏa tích cực, thúc đẩy hoạt động bảo vệ môi trường trong toàn xã hội.

Văn Hào (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/chu-dong-hon-nua-trong-cong-tac-quan-ly-bao-ve-moi-truong-20200205080340989.htm