Chủ động, nhanh nhạy ứng phó giúp doanh nghiệp hạn chế những tổn thất do dịch bệnh

Mặc dù tác động của dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN gặp rất nhiều khó khăn, song 'bức tranh' về cộng đồng DN không hoàn toàn là chỉ là 'màu tối', mà vẫn có những mảng 'màu sáng' đan xen...

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Canon Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội).

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Canon Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội).

Nhìn lại giai đoạn khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát trong những tháng đầu năm nay cho thấy, dưới tác động tiêu cực của dịch bệnh, bên cạnh một số doanh nghiệp (DN) đã phải tạm dừng, đóng cửa hoạt động thì cũng có rất nhiều DN vẫn trụ vững, thậm chí tìm được nhiều cơ hội kinh doanh mới trong bối cảnh khó khăn.

Biểu hiện như, trong mùa dịch, rất nhiều DN đã nắm bắt rất nhanh nhạy nhu cầu của thị trường để cung cấp những sản phẩm mới, dịch vụ mới ra thị trường. Hay nhiều DN cũng tự làm mới những phương thức hoạt động, kinh doanh của mình, thông qua ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, sử dụng nhiều phần mềm trực tuyến để phục vụ việc quản lý, điều hành, tập trung đẩy mạnh phương thức bán hàng online, bán hàng qua điện thoại… vừa hạn chế tiếp xúc đông người, vừa giúp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN được thông suốt trong bối cảnh phòng dịch.

Điều đó cho thấy, mặc dù tác động của dịch Covid-19 khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN gặp rất nhiều khó khăn, song “bức tranh” về cộng đồng DN không hoàn toàn là chỉ là “màu tối”, mà vẫn có những mảng “màu sáng” đan xen.

Nhờ khả năng thích ứng nhanh nhạy và nỗ lực kiên cường vượt khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh của cộng đồng DN, đã góp phần không nhỏ giúp nền kinh tế giữ được mức tăng trưởng dương trong nửa đầu năm 2020 và chúng ta phải cảm ơn cộng đồng DN vì những sự đóng góp đó cho đất nước.

Sau hơn 3 tháng dịch bệnh được kiểm soát tốt, không phát sinh ca bệnh mới trong cộng đồng, thì sự xuất hiện trở lại của những ca bệnh mới khởi phát từ Đà Nẵng lại một lần nữa đặt cả nước trong tình trạng “báo động đỏ”. Điều đó cũng đồng nghĩa, cộng đồng DN có thể sẽ lại bước vào một giai đoạn khó khăn tiếp theo, bởi vậy đòi hỏi DN phải chủ động, nhanh nhạy, nâng cao khả năng ứng phó để hạn chế thấp nhất những tổn thất trong bối cảnh dịch Covid-19 đang quay trở lại.

Theo đó, trước hết, các DN cần chuẩn bị nhiều phương án, kịch bản ứng phó khác nhau ứng với từng dự báo kịch bản diễn biến của dịch. Bởi, trong kinh doanh, DN nào càng chủ động, càng nhanh nhạy, kịp thời đưa ra những kế hoạch, chiến lược thì càng có khả năng ứng phó tốt khi có biến động xảy ra trên thị trường.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn khó khăn, DN cần đẩy mạnh tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh để giảm thiểu tối đa chi phí không cần thiết, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN… Mặt khác, chiến lược chú trọng, đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, cũng như đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu (kể cả thị trường nguồn cung và nguồn cầu), tránh phụ thuộc quá lớn vào chỉ một hoặc một vài thị trường để hạn chế thấp nhất rủi ro… mà các DN đã, đang thực hiện trong những tháng vừa qua vẫn cần được đặc biệt chú trọng trong bối cảnh hiện nay.

Đặc biệt, DN cần chú trọng đến vấn đề xây dựng chiến lược quản lý rủi ro, quản lý khủng hoảng để có thể nâng cao được khả năng thích ứng, chống chịu trước những cú sốc bên ngoài. Đồng thời, DN cũng cần nâng cao năng lực quản trị tài chính, quản trị dòng tiền, có các phương án dự phòng tài chính để hạn chế thấp nhất khả năng đứt gãy dòng tiền hay xảy ra vấn đề lớn về thanh khoản trong bối cảnh dịch bệnh chưa biết đến khi nào mới kết thúc…/.

Diệu Thiện (ghi)

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2020-07-31/chu-dong-nhanh-nhay-ung-pho-giup-doanh-nghiep-han-che-nhung-ton-that-do-dich-benh-90284.aspx