Chủ động phối hợp ứng phó tốt với dịch bệnh tại trường học

Sau tết Nguyên đán Nhâm Dần, tình hình COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp. Trong tuần học trực tiếp đầu tiên, tại nhiều cơ sở giáo dục các trường hợp học sinh và giáo viên là F0 tăng cao. Thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, ngành giáo dục và đào tạo cùng ngành y tế chủ động phối hợp sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh để tổ chức dạy học trực tiếp vừa nâng cao chất lượng giáo dục, vừa đảm bảo an toàn cao nhất cho học sinh và giáo viên.

 Test nhanh kiểm tra COVID-19 cho cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành, TP. Đông Hà đảm bảo an toàn dạy học trực tiếp - Ảnh: T.L

Test nhanh kiểm tra COVID-19 cho cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành, TP. Đông Hà đảm bảo an toàn dạy học trực tiếp - Ảnh: T.L

Theo thống kê của Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT), trong những ngày đầu các trường tổ chức dạy học trực tiếp trở lại, tình hình F0 và F1 ở học sinh và giáo viên tăng cao. Nếu ngày 10/2, toàn tỉnh có hơn 80 học sinh và hơn 30 giáo viên thành F0 thì ngày 11/2, có 84 giáo viên và 203 học sinh là F0. Theo cơ quan chức năng, thời gian tới các ca dương tính có thể tiếp tục tăng trong nhà trường. Nhằm chủ động phát hiện kịp thời dịch bệnh, nhiều trường học tại các địa phương đã tổ chức test nhanh cho học sinh và giáo viên để xác định F0 và F1 liên quan kịp thời xử lý.

Ngay sau khi phát hiện 5 học sinh và 2 giáo viên F0, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn chuyển các lớp có học sinh và giáo viên liên quan đến F0 sang học trực tuyến. Hiện có 4/27 lớp được tổ chức dạy học trực tuyến. Tương tự, các trường THPT Lê Lợi và THPT Đông Hà, các lớp có học sinh bị F0 chuyển sang học trực tuyến. Trường THCS Trần Hưng Đạo có 2 học sinh F0 ở 2 lớp, những lớp này cũng chuyển qua học trực tuyến…

Khối tiểu học của thành phố bắt đầu học từ ngày 14/2, các trường tổ chức dạy học 1 buổi, chia thành các ca, chưa tổ chức bán trú. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành Ngô Thị Khuyên cho biết, để đảm bảo an toàn cho việc dạy học trực tiếp theo lịch, trước đó nhà trường tổ chức test nhanh cho toàn bộ giáo viên; đối với học sinh nhà trường yêu cầu phụ huynh theo dõi sát sao, kịp thời các biểu hiện về sức khỏe của các em để phối hợp nhà trường cố gắng giữ được lớp học an toàn.

Đối với các đơn vị trường học thuộc phòng GD&ĐT ở các huyện, thị xã, trong tuần đầu tiên của năm mới cũng xuất hiện nhiều trường hợp học sinh và giáo viên bị F0. Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, thị xã Quảng Trị có 11/20 lớp có học sinh bị F0, trường chuyển sang dạy trực tuyến toàn bộ từ 10/2. Tình hình các ca F0 tăng cao tại các trường khiến nhiều lớp phải chuyển sang học trực tuyến. Các trường hợp F0 đang được nhà trường, gia đình phối hợp các cơ sở y tế điều trị theo hướng dẫn, cố gắng đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Mai Huy Phương phân tích, năm học 2021 - 2022, ngành GD&ĐT phải song song thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cũ và mới trong tình huống nhiều trường học trên địa bàn tỉnh phải chuyển từ hình thức dạy học trực tiếp sang trực tuyến, dạy học qua truyền hình. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế để học sinh không bị đứt quãng việc học kiến thức. Trong khi yêu cầu ở giáo dục phổ thông là giáo dục con người, nhiều nội dung giáo dục chỉ thực hiện tốt khi học sinh trở lại trường. Theo đó, ngành cố gắng kiểm soát dịch bệnh chặt chẽ nhằm dạy học trực tiếp cho các khối lớp, trong đó ưu tiên cho các khối lớp 1, 2 và 6 cũng như các lớp 9 và 12 để bảo đảm quyền lợi cho các em. Sở giao quyền chủ động cho các nhà trường linh hoạt tổ chức các hình thức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh cụ thể tại địa phương.

Thực hiện Nghị quyết 128/NQCP của Chính phủ về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả COVID-19”, các trường đã chủ động xây dựng phương án dạy học vừa đảm bảo chất lượng dạy học, vừa phòng, chống dịch, nghiêm túc thực hiện “5K” theo khuyến cáo của ngành y tế. Việc tổ chức dạy học trực tiếp trở lại nhằm đạt 3 mục tiêu lớn trước mắt mà Bộ GD&ĐT đặt ra là đảm bảo an toàn cho học sinh khi trở lại trường, củng cố chất lượng giáo dục và hoàn thành chương trình năm học, kịp thời gian để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đầu cấp. Đặc biệt, ngày 27/1/2022, Bộ GD&ĐT đã công bố Sổ tay đảm bảo an toàn phòng, chống COVID-19 (sửa đổi, bổ sung) với nhiều nội dung, trong đó chú ý xử lý 4 bước đối với trường hợp phát hiện học sinh dương tính tại các cơ sở giáo dục nhằm thích ứng với việc tổ chức dạy học trực tiếp trong nhà trường.

Để thích ứng với tình hình dịch bệnh và theo hướng dẫn, các trường đã bố trí phòng cách ly tạm thời, phòng dự trữ, có thể huy động cả phòng chức năng, hội trường để xử lý ngay các ca nhiễm hay nghi nhiễm, cách ly tạm thời học sinh đảm bảo an toàn. Sở GD&ĐT đã kịp thời triển khai kế hoạch chủ trì, phối hợp với Sở Y tế khẩn trương tổ chức các hoạt động tập huấn cho đội ngũ nhân viên y tế trường học và cán bộ quản lý về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống COVID-19 trong nhà trường.

Cụ thể, tại mỗi huyện, thị xã, thành phố tổ chức 1 lớp tập huấn về các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch khi dạy học trực tiếp theo quy định của Bộ Y tế; xử lý các tình huống xuất hiện F0, F1 trong cơ sở giáo dục cũng như xây dựng các phương án tổ chức dạy học trực tiếp. Ngoài ra, việc đảm bảo an toàn cho học sinh không chỉ trông đợi ở các trường mà cần sự phối hợp của gia đình học sinh, các lực lượng xã hội trong việc nâng cao ý thức phòng dịch, theo dõi sát sao sức khỏe học sinh và chủ động phối hợp với nhà trường để xử lý tình huống phát sinh, không để dịch bệnh lây lan.

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Hùng cho biết, yếu tố phòng dịch và không để có quá nhiều trẻ mắc bệnh cùng lúc là rất quan trọng. Do đó, khi học sinh đến trường học trực tiếp, nhất là trẻ em, số ca mắc COVID-19 có thể tăng lên bởi thực tế trẻ em dưới 12 tuổi chưa được tiêm vắc xin và khó tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp “5K”. Hiện Bộ Y tế đã cập nhật phác đồ điều trị học sinh mắc COVID-19 cho cơ sở y tế các tuyến từ trung ương đến địa phương, không để xảy ra tình huống số học sinh mắc COVID-19 tăng đột biến, gây quá tải. Sở Y tế chỉ đạo các trung tâm y tế, trạm y tế hỗ trợ tích cực cho y tế học đường, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường để chủ động xử lý khi có học sinh nhiễm bệnh, tránh gây lúng túng cho các trường học cũng như lo lắng từ phụ huynh. Trong trường hợp các ca bệnh tăng đột biến, ngành y tế tập trung tối đa cho công tác điều trị.

Tổ chức đón học sinh trở lại trường học an toàn trước tình hình COVID-19 đang diễn ra phức tạp và có chiều hướng tăng cao trên địa bàn tỉnh là nhiệm vụ hết sức nặng nề đối với ngành giáo dục và y tế của địa phương. Vì vậy, chúng ta cần bình tĩnh, có sự phối hợp đầy đủ, kịp thời giữa các ngành chức năng cũng như phụ huynh và học sinh để mang lại hiệu quả an toàn cao nhất cho học sinh và giáo viên.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=164960&title=chu-dong-phoi-hop-ung-pho-tot-voi-dich-benh-tai-truong-hoc