Chủ động phòng bệnh cho trẻ nhỏ khi giao mùa

BHG - Theo Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, số lượng bệnh nhi mắc các bệnh về hô hấp, tiêu hóa trong thời điểm giao mùa phải nhập viện điều trị nhiều, việc điều trị nội trú kéo dài ngày khiến cho Khoa Nhi có thời điểm trở nên quá tải. Công suất sử dụng giường bệnh của khoa trong quý III đạt 164,5%.

Bác sỹ Lê Thị Toàn, Phó trưởng Khoa Nhi cho biết: Từ đầu năm đến nay, khoa tiếp nhận hơn 4.400 bệnh nhân điều trị nội trú. Trong quý III, số lượng bệnh nhân không tăng nhiều so với quý II năm 2024 nhưng lượng bệnh nhân điều trị dài ngày tăng cao gấp đôi, dẫn đến công suất giường bệnh tăng lên. Hiện tại, Khoa có 88 giường bệnh thực kê, tuy nhiên công suất sử dụng đạt 164,5% tổng số giường hiện có. Nhiều bệnh nhân nhi phải nằm ghép chung giường; Khoa Nhi cũng thường xuyên phối hợp với các khoa khác để điều tiết bệnh nhân đến điều trị nội trú khi quá tải.

Bác sỹ Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thăm khám cho bệnh nhi điều trị nội trú.

Bác sỹ Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thăm khám cho bệnh nhi điều trị nội trú.

Vào thời điểm giao mùa, trẻ em dễ bị mắc các bệnh về đường hô hấp và tiêu hóa. Trung bình mỗi ngày Khoa Nhi có từ 20 – 25 trẻ nhập viện điều trị nội trú. Mỗi tháng có từ 400 – 500 bệnh nhi nhập viện, phần lớn trẻ thường có các dấu hiệu như: Sốt cao, ho, viêm họng. Qua thăm khám, đối với trẻ em mắc các bệnh về hô hấp chủ yếu là bệnh viêm phổi do vi rút RSV, thường gặp ở trẻ dưới 1 tuổi. RSV là virus hợp bào hô hấp, một loại vi rút gây nhiễm trùng phổi và đường hô hấp, gây viêm tiểu phế quản, viêm phổi ở trẻ em. Vi rút RSV ở trẻ em có thể gây ra các triệu chứng nhẹ, giống như cảm lạnh thông thường như: Ho, hắt hơi, chảy nước mũi... Ở trẻ em vi rút RSV gây dịch mũi xuất tiết nhiều, quắn dính khiến cho bệnh kéo dài hơn. Ngoài ra, trẻ có biểu hiện quấy khóc, khó chịu, ngủ không ngon, mệt mỏi li bì, bú sữa kém hoặc bỏ bú, nôn ói... Một số trẻ có triệu chứng nặng như thở nhanh hơn bình thường, ho, khò khè, khó thở. Hầu hết các trường hợp nhiễm vi rút RSV ở trẻ em đều không nguy hiểm đến tính mạng, tuy nhiên nếu trẻ có biểu hiện bệnh chuyển biến nặng gây sốt cao, khó thở phải thở máy và điều trị dài ngày.

Trẻ mắc các bệnh liên quan đến tiêu hóa chủ yếu là tiêu chảy cấp do rota vi rút. Bệnh xảy ra nhiều ở trẻ em dưới 5 tuổi, gây ra rối loạn điện giải và mất nước cho trẻ. Bên cạnh đó, một số ít bệnh nhi điều trị do mắc viêm não do vi rút, vi khuẩn gây ra. Chị Nguyễn Thị Mai, trú ở huyện Vị Xuyên cho biết: Con tôi mới 3 tháng tuổi, mấy ngày trước cháu bị sốt cao, thở khò khè. Tôi có dùng thuốc hạ sốt nhưng không cắt được cơn sốt nên đã đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh để khám. Sau khi thăm khám, các bác sĩ cho biết cháu bị viêm phổi phải điều trị nội trú. Chị Nguyễn Thị Tình, ở thành phố Hà Giang cho biết: Con tôi bị sốt vi rút, thời điểm nhập viện, Khoa Nhi có đông bệnh nhi nên các bác sĩ bố trí cháu nằm điều trị tại Khoa Truyền nhiễm. Ở đây, cháu được các bác sỹ thăm khám thường xuyên và điều trị các triệu chứng, đồng thời hướng dẫn thêm cho phụ huynh về cách vệ sinh cá nhân cho trẻ đúng cách, cách giữ ấm cho trẻ khi thời điểm giao mùa.

Các bác sỹ tại Khoa Nhi chia sẻ, để giúp trẻ phòng ngừa bệnh lý hô hấp lúc giao mùa, cha mẹ cần quan tâm từ khâu ăn uống, mặc, lúc chơi và cả khi trẻ ngủ. Hạn chế cho trẻ ăn uống các loại thức ăn đã nguội lạnh, nhất là uống nước lạnh. Khi thời tiết chuyển lạnh cần giữ ấm cho trẻ ngay cả khi ở trong nhà. Khi tắm cho trẻ nên dùng nước ấm và tắm trong phòng kín gió, tắm xong cần lau khô người và mặc quần áo thật nhanh. Hàng ngày, cha mẹ nên rèn cho trẻ thói quen giữ vệ sinh răng miệng, súc họng bằng nước muối sinh lý, rửa tay với xà phòng. Ngoài ra, cần cho trẻ ăn đủ chất, ăn thức ăn giàu vitamin để có đủ lượng vi chất cần thiết tạo kháng thể. Tránh để trẻ tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu mắc các bệnh truyền nhiễm như cúm, tiêu chảy, sởi, bệnh hô hấp.

Bài, ảnh: Văn Long

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202410/chu-dong-phong-benh-cho-tre-nho-khi-giao-mua-94b5c94/