Chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 128 trường hợp mắc tay chân miệng tại 6/7 huyện, thành phố. Tính riêng trong tháng 7, số ca mắc tay chân miệng tăng 88 trường hợp. Trong đó, huyện Na Hang có 39 trường hợp, Hàm Yên với 34 trường hợp, thành phố Tuyên Quang có 29 trường hợp... Hiện trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận trường hợp tử vong do bệnh tay chân miệng.

Trước tình hình bệnh tay chân miệng đang có xu hướng gia tăng, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trung tâm y tế các huyện, thành phố, các đơn vị y tế trực thuộc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng. Ông La Đăng Tái, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, để chủ động phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng, không để dịch bùng phát, lan rộng và kéo dài, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống. Trong đó, tập trung vào các địa phương có số ca mắc cao, có nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Nhân viên y tế thôn Khuổi Trang (Lâm Bình) tuyên truyền người dân giữ gìn vệ sinh để phòng chống bệnh chân tay miệng.

Theo đó các huyện, thành phố tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe đến người dân. Chị Hoàng Thị Biên, Trưởng Trạm Y tế xã Năng Khả (Na Hang) nói, hiện xã có 9 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Trước tình hình đó, cán bộ của trạm đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên loa phát thanh của trạm và đến dự cuộc họp ở các thôn để tuyên truyền đến người dân về cách phòng chống bệnh tay chân miệng. Đồng thời, hướng dẫn tại chỗ cho bà con thực hiện 3 sạch để phòng, chống bệnh hiệu quả.

Theo bác sỹ Nguyễn Anh Tuấn, Phó trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các trường hợp mắc tay chân miệng năm nay chủ yếu trong tháng 7, muộn hơn thời điểm dịch các năm trước thường vào tháng 3 đến tháng 5. Nguyên nhân một phần do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trẻ em nghỉ học từ đầu năm tránh dịch, do đó thời điểm dịch xuất hiện cũng có sự thay đổi. Nguyên nhân khác có thể do thời tiết có những diễn biến phức tạp, dễ xuất hiện và lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Điều đáng mừng là 100% các trường hợp mắc tay chân miệng được ghi nhận đều có biểu hiện lâm sàng ở mức độ nhẹ, với các biểu hiện sốt, phát ban dạng phỏng nước ở bàn tay, bàn chân, xung quanh miệng, đầu gối, loét miệng, trẻ quấy khóc, chán ăn... được điều trị tích cực trong thời gian 7 - 10 ngày là có thể khỏi bệnh.

Hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng, do đó việc phòng bệnh cần được quan tâm, chú trọng. Bệnh này tuy diễn biến nhanh và có nhiều biến chứng nguy hiểm, nhưng các phụ huynh hoàn toàn có thể nhận biết trẻ mắc bệnh qua các dấu hiệu như: Sốt nhẹ hoặc sốt cao. Khi sốt cao không thể hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng. Các tổn thương ở da dễ nhận biết là: Rát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối… Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại chuyên khoa truyền nhiễm, để được hướng dẫn cách chăm sóc và điều trị kịp thời.

Bài, ảnh: Minh Hoa

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/suc-khoe/chu-dong-phong-chong-benh-tay-chan-mieng-135349.html