Chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết

LTS: Hiện nay, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành phố, nhất là tại Hà Nội. Trên địa bàn tỉnh ta, từ đầu năm đến nay, đã ghi nhận 62 ca mắc ở 10/12 huyện, thành phố. Cuối tháng 8 vừa qua, đã ghi nhận ổ dịch mới tại thị trấn Sông Mã. Phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc phỏng vấn bác sĩ Nguyễn Thị San, Trưởng khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hướng dẫn phun hóa chất phòng, chống muỗi cho nhân dân tổ dân phố 1, thị trấn Sông Mã. Ảnh: Phương Hồng (CTV)

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hướng dẫn phun hóa chất phòng, chống muỗi cho nhân dân tổ dân phố 1, thị trấn Sông Mã. Ảnh: Phương Hồng (CTV)

PV: Xin bác sĩ cho biết, nguyên nhân, dấu hiệu và đường lây truyền của bệnh sốt xuất huyết?

Bác sĩ Nguyễn Thị San: Bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD) là bệnh nhiễm vi rút Dengue (DEN) cấp tính do muỗi truyền và có thể gây thành dịch lớn. Nguyên nhân gây bệnh là do vi rút Dengue thuộc nhóm Flavivirus, họ Flaviviridae với 4 típ huyết thanh DEN - 1, DEN - 2, DEN - 3 và DEN - 4.

Bệnh có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn (giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục), với các biểu hiện như sốt cao đột ngột, liên tục từ 2-7 ngày và có ít nhất 2 trong các dấu hiệu sau: Biểu hiện xuất huyết có thể như nghiệm pháp dây thắt dương tính, chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam; nhức đầu, chán ăn, buồn nôn; da xung huyết, phát ban, có thể rải rác hoặc chấm xuất huyết thường ở mặt trước hai cẳng chân và mặt trong hai cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím...; đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt.

Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người mà do muỗi đốt người bệnh có mang vi rút sau đó truyền vi rút sang người lành qua vết đốt. Bệnh nhân cũng là nguồn lây bệnh trong thời kỳ có sốt, nhất là 5 ngày đầu của sốt là giai đoạn trong máu có nhiều vi rút. Muỗi bị nhiễm vi rút thường sau 8-12 ngày sau hút máu có thể truyền bệnh và truyền bệnh suốt đời.

PV: Dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh ta diễn ra thế nào thưa bác sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Thị San: Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 153 ca mắc sốt xuất huyết, không có trường hợp tử vong; ghi nhận 2 ổ dịch được xác định tại xã Cò Nòi, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn và ổ dịch tại thị trấn Sông Mã.

Xã hội ngày càng phát triển, việc giao thương giữa các miền, các khu vực dễ dàng, rút ngắn thời gian di chuyển giữa các địa phương. Vì vậy, khi dịch bệnh bùng phát tại Hà Nội thì nguy cơ dịch bệnh xuất hiện tại Sơn La cũng ngắn lại và ổ dịch tại huyện Sông Mã vừa được phát hiện trong cuối tháng 8 cũng không loại trừ nguồn lây được mang từ Hà Nội lên.

PV: Bác sĩ cho biết các biện pháp để phòng tránh bệnh sốt xuất huyết?

Bác sĩ Nguyễn Thị San: Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Để phòng tránh dịch bệnh cần thực hiện các biện pháp sau: Kiểm soát côn trùng trung gian truyền bệnh như tránh muỗi đốt, diệt bọ gậy (loăng quăng), diệt muỗi trưởng thành, vệ sinh môi trường loại bỏ ổ chứa nước đọng. Không cho trẻ hoạt động tại các nơi có môi trường tối, ẩm thấp, ao tù nước đọng. Thường xuyên ngủ màn kể cả ban ngày, mặc quần áo dài nếu có thể, nhất là đối với trẻ nhỏ. Phun hóa chất diệt muỗi chủ động diện rộng. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng. Hằng tuần, thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

PV: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã có kế hoạch gì để chủ động phòng tránh dịch sốt xuất huyết xảy ra trên địa bàn tỉnh thưa bác sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Thị San: Ngay từ đầu mùa dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, đối với ổ dịch cũ trên địa bàn huyện Mai Sơn, Trung tâm thành lập đoàn công tác thực hiện giám sát bắt muỗi, bắt bọ gậy để đánh giá vector truyền bệnh tại các tiểu khu trên địa bàn thị trấn Hát Lót và tiến hành phun hóa chất diệt muỗi tại các tiểu khu có nguy cơ cao trên địa bàn ghi nhận có sự lưu hành của muỗi và bọ gậy Aedes aegypti, mật độ muỗi cao, đây là vector chính truyền bệnh sốt xuất huyết.

Đối với ổ dịch mới tại huyện Sông Mã, ngay sau khi có kết quả điều tra vector truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue, trong ngày 29/8, Trung tâm đã thành lập Đoàn công tác thực hiện việc truyền thông lưu động tại thị trấn Sông Mã, nội dung tập trung truyền tải các thông điệp, khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng, chống sốt xuất huyết. Đồng thời, phối hợp cùng chính quyền địa phương tiến hành phun hóa chất diệt côn trùng trên địa bàn thị trấn Sông Mã. Dự kiến sau khi kết thúc đợt phun hóa chất trên, khoảng đầu tháng 9/2023, Trung tâm tiếp tục cử đoàn công tác giám sát, đánh giá lại hiệu quả của việc phun hóa chất diệt côn trùng đợt 1. Nếu mật độ muỗi, bọ gậy vẫn cao sẽ tiếp tục phối hợp cùng Trung tâm Y tế huyện tổ chức phun hóa chất lần 2 tại những tiểu khu trọng điểm.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã chỉ đạo đơn vị y tế các huyện, thành phố tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tại một số khu vực nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Phối hợp với Khoa Côn trùng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương điều tra thực hiện bắt muỗi tại các huyện Mường La, Thành phố, Mai Sơn, Thuận Châu... Tổ chức các đoàn giám sát chủ động tại các vùng nguy cơ...

Trung tâm đang xây dựng kế hoạch tập huấn chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật về giám sát đánh giá côn trung cho trung tâm y tế, trạm y tế xã trên địa bàn toàn tỉnh (dự kiến thực hiện trong năm 2024), nhằm đảm bảo tự chủ nguồn nhân lực tại chỗ trong việc triển khai các hoạt động chuyên môn trong công tác phòng chống dịch bệnh.

PV: Bác sĩ có khuyến cáo gì cho người dân để phòng tránh bệnh sốt xuất huyết?

Bác sĩ Nguyễn Thị San: Như đã nói ở trên, sốt xuất huyết là bệnh do virut, chưa có vắc xin phòng bệnh, nên việc phòng tránh bệnh hiệu quả, hữu ích nhất là nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc tự phòng chống cho bản thân, gia đình cũng như cho cộng đồng với các biện pháp đã nêu ở trên. Khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị phù hợp, không tự ý điều trị tại nhà, tránh những biến chứng trầm trọng xảy ra, có thể dẫn đến tử vong.

PV: Cảm ơn bác sĩ.

Hồng Luận (thực hiện)

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/suc-khoe/chu-dong-phong-chong-dich-benh-sot-xuat-huyet-9xgqlfzSg.html