Chủ động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai nên công tác chủ động phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai luôn được chính quyền các cấp tỉnh Quảng Trị quan tâm nhằm đảm bảo an toàn và giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về người, tài sản.

 Tu sửa hệ thống kênh mương bị hư hỏng do mưa lũ ở huyện Gio Linh - Ảnh: L.A

Tu sửa hệ thống kênh mương bị hư hỏng do mưa lũ ở huyện Gio Linh - Ảnh: L.A

Theo đánh giá của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh, năm 2020, thiên tai trên địa bàn Quảng Trị diễn ra dị thường, khốc liệt và không theo quy luật. Mùa hè các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài liên tục từ tháng 5 đến tháng 7, cộng với sự thiếu hụt lượng mưa dẫn đến tình trạng hạn hán xảy ra ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Mùa mưa các đợt bão, lũ xảy ra liên tiếp trên diện rộng với cường độ mạnh, đã gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và sản xuất của người dân. Tuy nhiên, với phương châm ‘’4 tại chỗ’’ trong công tác PCTT&TKCN, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã kịp thời ban hành các công điện, văn bản cảnh báo, chỉ đạo các địa phương, đơn vị theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của thiên tai; chủ động triển khai các phương án phòng, chống, cứu hộ, cứu nạn, sơ tán dân; chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men... Khi có tình huống thiên tai xảy ra, các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh và các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh phụ trách các địa phương trực tiếp về các địa bàn xung yếu kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp ứng phó; rà soát các khu vực có nguy cơ ngập sâu, lũ quét, sạt lở… để di dời người, tài sản đến nơi an toàn, góp phần giảm thiểu thiệt hại.

Cụ thể, đã triển khai 3 đợt sơ tán dân tránh bão, ngập lụt sâu, sạt lở đất đến các địa điểm trú tránh an toàn với 30.064 hộ gia đình/95.621 lượt người. Triển khai cứu hộ, cứu nạn thành công 7 vụ tàu, thuyền với 51 người gặp sự cố trên vùng biển Cửa Việt. Thực hiện tốt công tác khắc phục sạt lở đất tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (huyện Hướng Hóa); ứng cứu khẩn cấp tại xã Hướng Việt và Hướng Lập, huyện Hướng Hóa... Ngay sau khi kết thúc các đợt thiên tai, tỉnh đã tập trung lực lượng, kinh phí, nguồn hỗ trợ, tạm cấp của trung ương và các nguồn lực hợp pháp khác ước khoảng 567 tỉ đồng để khắc phục hậu quả, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất.

Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Lê Quang Lam thông tin, theo nhận định của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, năm 2021, tỉnh Quảng Trị có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của 1 - 2 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Mùa lũ chính vụ bắt đầu từ tháng 9, kết thúc vào tháng 11 và có khả năng xuất hiện 4 - 5 đợt lũ với đỉnh lũ từ báo động 2 đến báo động 3. Để chủ động phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt trong bối cảnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề nghị các địa phương, đơn vị cùng với việc tiếp tục khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020, cần theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của thiên tai; xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai phù hợp từng vùng, từng khu vực. Chủ động tổ chức việc phòng, chống, cứu hộ, cứu nạn, theo phương châm “4 tại chỗ” và theo 3 giai đoạn “phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả”. Ưu tiên đầu tư phương tiện, trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ PCTT&TKCN; tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, thông tin liên lạc nhằm đảm bảo thông tin nhanh nhạy, kịp thời, chính xác. Tổ chức diễn tập PCTT&TKCN trước mùa mưa bão 2021 kết hợp với nâng cao tính chuyên nghiệp của đội xung kích phòng, chống thiên tai tại từng xã, thôn, bản để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả ngay từ khi thiên tai bắt đầu xảy ra. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai để người dân thực sự chủ động.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng nhấn mạnh, để công tác PCTT&TKCN trong thời gian tới đạt hiệu quả cao, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh và các địa phương, đơn vị cần rà soát lại phương án phòng, chống thiên tai sát, đúng với từng loại hình thiên tai để có phương án ứng phó phù hợp. Đặc biệt là trong việc huy động lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn; cập nhật thông tin kịp thời, chính xác, tránh chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Xây dựng phương án phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng tham gia PCTT&TKCN. Xây dựng sơ đồ mức lũ cho từng vùng, từng khu vực để cảnh báo kịp thời khi mưa lũ xảy ra. Tổ chức rà soát các khu vực chịu ảnh hưởng do lũ quét, sạt lở đất để có phương án sơ tán, di dời; khẩn trương hoàn thiện các dự án bố trí sắp xếp, ổn định dân cư, các công trình phòng, chống thiên tai… Tổ chức kiểm tra công tác đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh; đôn đốc các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành công tác tu sửa hồ, đập, các công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ. Lưu ý việc xây dựng đường giao thông, các công trình cơ sở hạ tầng phải tính toán để bố trí hệ thống thoát lũ hợp lý, tránh tình trạng ngập lụt cục bộ. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, tránh tình trạng ỷ lại vào chính quyền và sự trợ giúp của các lực lượng vũ trang.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=159025&title=chu-dong-phong-chong-thien-tai-va-tim-kiem-cuu-nan