Chủ động, quyết liệt, khẩn trương giải ngân vốn đầu tư công

Ước hết quý I/2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tín hiệu khả quan cho thấy sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương trong việc quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm, qua đó giúp phục hồi nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Các hạng mục dự án cầu Đầm Vạc đang được các đơn vị thi công khẩn trương hoàn thiện và đưa vào sử dụng vào dịp 30/4/2022. Ảnh: Thế Hùng

Các hạng mục dự án cầu Đầm Vạc đang được các đơn vị thi công khẩn trương hoàn thiện và đưa vào sử dụng vào dịp 30/4/2022. Ảnh: Thế Hùng

Theo kế hoạch, tổng nguồn vốn đầu tư công đến hết quý I/2022 của tỉnh đạt hơn 7.500 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách địa phương (NSĐP) hơn 6.140 tỷ đồng.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công nhằm hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngay từ đầu năm 2022, tỉnh đã giao kế hoạch vốn chi tiết cho các chương trình, dự án, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư triển khai thực hiện.

Quy định cụ thể các mốc thời gian hoàn thành giải ngân vốn; thường xuyên rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn của dự án theo quy định; thành lập các tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công tại một số sở, ban, ngành, địa phương do các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện giải ngân kế hoạch đầu tư công, tỉnh đã phân công các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công của các dự án trọng điểm.

Yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng kế hoạch cụ thể và cam kết về tiến độ thực hiện, giải ngân vốn của từng dự án; tổ chức nhiều hội nghị giao ban về đầu tư công, theo chuyên đề, lĩnh vực.

Giao chỉ tiêu giải phóng mặt bằng (GPMB) năm 2022 và yêu cầu UBND cấp huyện ký cam kết về tiến độ GPMB với các chủ đầu tư.

Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn định kỳ báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tiến độ thực hiện, khó khăn, vướng mắc; chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố thường xuyên phổ biến hướng dẫn Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách, Luật Kinh doanh bất động sản... và các Nghị định của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành, qua đó khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Công tác chuẩn bị đầu tư được UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt theo đúng tinh thần của Luật Đầu tư công và các Nghị định hướng dẫn của Chính phủ.

Các dự án đầu tư được lập, thẩm định chủ trương đầu tư, dự án đầu tư được kiểm soát chặt chẽ về hiệu quả đầu tư, đặc biệt xác định rõ nguồn vốn trước khi quyết định chủ trương đầu tư.

Quý I/2022, đã có 20 dự án cấp tỉnh (thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư của UBND tỉnh), 17 dự án cấp huyện, xã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, đủ điều kiện đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 theo quy định; 07 dự án cấp tỉnh, 12 dự án cấp huyện, xã được phê duyệt dự án đầu tư, đủ điều kiện bố trí kế hoạch đầu tư công năm 2022.

Hiện nay, các sở, ngành đang hoàn thiện thủ tục trình thẩm định chủ trương đầu tư, phê duyệt các dự án đầu tư nhất là các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh như xây dựng, nâng cấp Trường THPT Trần Phú (Vĩnh Yên); xây dựng, nâng cấp Trung tâm Y tế huyện Yên Lạc; Trung tâm Triển lãm, giới thiệu thành tựu KT-XH tỉnh; xây dựng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh.

Nhờ triển khai đồng bộ quyết liệt các giải pháp, hết quý I/2022, khối lượng thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đạt hơn 766 tỷ đồng, bằng 11,05% so với tổng kế hoạch vốn được giao, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo báo cáo UBND tỉnh, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công quý I/2022 tuy cao hơn cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn đạt thấp so với tổng kế hoạch vốn được giao.

Nguyên nhân là trong quý I, các sở, ngành, địa phương tập trung thanh toán khối lượng hoàn thành của kế hoạch vốn năm 2021 đến hết 31/01/2022; kỳ nghỉ Tết Nguyên đán trong tháng 2; dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến công tác thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương và các chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường hiệu quả, chất lượng quản lý và sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 01/2022 của Chính phủ về nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Khẩn trương hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư để sớm phân khai chi tiết nguồn vốn còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch đầu tư công năm 2022.

Các chủ đầu tư tập trung triển khai thực hiện các dự án; cam kết giải ngân đến từng dự án, nhất là đối với các công trình trọng điểm; thường xuyên rà soát, kiểm tra, đẩy nhanh công tác nghiệm thu, quyết toán, không để dồn vào cuối năm; chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư.

Cùng với đó, tập trung chỉ đạo quyết liệt hoàn thành GPMB, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án; phân công các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện giải ngân từng dự án theo ngành, lĩnh vực phụ trách.

Giao Sở KH&ĐT, Sở Tài chính theo chức năng nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc tình hình thực hiện, kịp thời báo cáo UBND tỉnh các nội dung vượt thẩm quyền.

Tăng cường phân cấp, ủy quyền, gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân; đồng thời xác định kết quả giải ngân vốn đầu tư công là tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu và tập thể, cá nhân liên quan.

Mai Liên

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/75562/chu-dong-quyet-liet-khan-truong-giai-ngan-von-dau-tu-cong.html