Chủ khu du lịch đặt tượng Hưng Đạo Vương giống Quan Vân Trường lên tiếng

Chủ khu du lịch đặt bức tượng cho biết họ cũng không biết có quy định nào về tượng Hưng Đạo Vương cưỡi ngựa hay cưỡi voi hoặc đứng và cả việc cầm vũ khí ra sao.

Những ngày qua, trên mạng xã hội lan truyền bài viết kèm hình ảnh cho rằng tượng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cưỡi ngựa, cầm trường đao trên Hồ Mây Park (TP. Vũng Tàu) khá giống Quan Vân Trường (nhân vật lịch sử của Trung Quốc).

Chiều 13.4, tại cuộc họp giao ban báo chí quý 1/2022 tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, ông Huỳnh Đức Dũng, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao tỉnh đã cung cấp thông tin về vụ việc trên.

Theo ông Dũng, từ chiều 12.4, Sở đã nhận được thông tin phản ánh về sự việc nêu trên và Giám đốc Sở đã giao thanh tra Sở, phòng Quản lý Văn hóa và Di sản văn hóa, phòng Văn hóa thông tin TP Vũng Tàu xuống làm việc tại Khu du lịch (KDL) Hồ Mây.

Do thời gian gấp nên khi đến làm việc chưa gặp được người quản lý chính và đoàn mời KDL lên làm việc vào ngày 18.4 cùng với hồ sơ liên quan đến việc đặt tượng.

Bước đầu Sở VH-TT xác định về cơ bản bức tượng có nhiều chi tiết khác biệt nhưng không phải là tượng Quan Vân Trường. Dù doanh nghiệp đã cung cấp thông tin quy hoạch được phê duyệt, nhưng còn thiếu những hồ sơ chứng từ liên quan đến bức tượng, nên cần bổ sung để làm rõ.

Trên cơ sở hồ sơ tài liệu, Sở sẽ tiến hành đánh giá, lấy ý kiến các cơ quan liên quan nhằm làm rõ tính lịch sử, tính nguyên bản của tượng làm cơ sở xử lý, hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định, nếu có vi phạm sẽ yêu cầu khắc phục và công bố thông tin rộng rãi.

Ông Huỳnh Đức Dũng, khẳng định: “Tinh thần là nếu có sai đến đâu xử lý đến đó”.

Về vấn đề này, ông Đậu Thế Anh, Tổng Giám đốc Hồ Mây Park cho biết, bức tượng trên nằm trong quần thể tượng các danh nhân của Việt Nam gồm: Hai Bà Trưng, đại tướng Võ Nguyên Giáp... đã được thi công hoàn thiện từ năm 2018. Doanh nghiệp cũng được phê duyệt quy hoạch đầy đủ khi triển khai xây dựng. Việc thi công, thiết kế bức tượng do nghệ nhân thuê từ miền Trung vào thực hiện.

Hưng Đạo Vương là một vị tướng tài, tinh thông võ nghệ thời Trần. Do vậy, việc chọn tạo hình bước tượng Hưng Đạo Vương cưỡi ngựa cầm trường đao chỉ là mang ý nghĩa cách tân, đổi khác so với tượng Hưng Đạo Vương chỉ tay hướng sông Bạch Đằng đã quá quen thuộc, chứ không mang ẩn ý nào khác.

Bên cạnh đó, bức tượng có nhiều chi tiết khác không thể gây nhầm lẫn với tượng Quan Vân Trường như: trang phục, gương mặt, hàm râu… Đơn vị cũng không biết có quy định nào về tượng Hưng Đạo Vương cưỡi ngựa hay cưỡi voi hoặc đứng và cả việc cầm vũ khí ra sao.

Từ khi hoàn thành đến nay, bức tượng đã được hàng trăm ngàn lượt khách tham quan, nhưng chưa có ai phản ánh. Sau khi thông tin về bức tượng trên lan truyền trên mạng xã hội, Sở VH-TT đã đến kiểm tra.

Ông Đậu Thế Anh khẳng định: “Chúng tôi luôn cầu thị. Nếu có sai sót, chúng tôi mong được góp ý để nhanh chóng chỉnh sửa, khắc phục”.

Hồ Đông

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/chu-khu-du-lich-dat-tuong-hung-dao-vuong-giong-quan-van-truong-len-tieng-180452.html