Chủ tịch Nguyễn Đức Chung: Phải có chính sách chăm sóc đặc biệt cho y, bác sỹ
'Chúng ta chống dịch như chống giặc, tuyến đầu chống giặc chính là y tá, bác sỹ, do vậy, cần phải có chính sách chăm sóc đặc biệt' – Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung bày tỏ.
Chiều 27/3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của TP Hà Nội giao ban trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban chỉ đạo. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý – Phó Trưởng Thường trực Ban chỉ đạo; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Doãn Toản – Phó Trưởng Ban chỉ đạo.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhận định tình hình dịch bệnh trên thế giới đang diễn biến vô cùng phức tạp khi Mỹ đã trở thành quốc gia đứng đầu về số ca nhiễm; đã xuất hiện các vùng lãnh thổ lây nhiễm mới rất nghiêm trọng ở Đông Nam châu Á như Malaysia, Philippine, Campuchia,…Các nước đang đưa ra những biện pháp phòng chống dịch rất mạnh mẽ song chưa có quốc gia nào đưa ra được vaccine chữa loại dịch bệnh này. Rất nhiều chuyên gia dịch tễ học phân tích rằng chưa xác định được thời gian sẽ chấm dứt dịch bệnh này. Nếu theo quy luật dịch bệnh tại Vũ Hán, thì thế giới còn khoảng từ 3 đến 4 tháng nữa mới lên đỉnh dịch.
“Vì thế rất có khả năng, Ban chỉ đạo chống dịch Covid-19 của TP sẽ phải hoạt động trong một thời gian rất dài” – Chủ tịch UBND TP nói.
Nếu người dân thực hiện tốt các biện pháp phòng chống thì sẽ chỉ có thể phát thành điểm ổ dịch nhỏ như ở 125 Trúc Bạch, BV Bạch Mai, quận Thanh Xuân, 20 Núi Trúc, 36 Hoàng Cầu…từ đó, chúng ta có thể phát hiện và ngăn chặn được ngay; nhưng nếu để thành ổ dịch lớn, virus phát tán khắp nơi thì thành phố sẽ có nguy cơ như Vũ Hán (Trung Quốc).
Chủ tịch UBND TP cho biết thành phố đã có bài học kinh nghiệm về phản ứng nhanh với ổ dịch tại 125 Trúc Bạch (quận Ba Đình), phong tỏa BV Hồng Ngọc…Từ đó, các quận huyện cần nghiên cứu những kinh nghiệm này để có những biện pháp ứng phó kịp thời, hợp lý. Đồng thời, phải chủ động, không chờ thông báo kết quả xét nghiệm dương tính của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư mà TP Hà Nội sẽ chủ động nâng cao hơn một mức so với quy định.
“Các quận huyện phải giải thích rõ với người dân rằng Hà Nội không giống các vùng quê, nếu chờ 1-2 ngày có kết quả và để người dương tính với Covid-19 đi lại thì sẽ rất nguy hiểm. Vì thế TP Hà Nội phải làm cao hơn một mức so với quy định của T.Ư. Nếu sai, tôi sẽ chịu trách nhiệm” – Chủ tịch UBND TP nói.
Chủ tịch UBND TP đề nghị BV Bạch Mai cần nghiên cứu bài học kinh nghiệm xử lý tại BV Hồng Ngọc; CDC Hà Nội khẩn trương phối với với T.Ư để làm rõ định nghĩa “vùng dịch”, “ổ dịch” để từ đó có các phương án, biện pháp triển khai phù hợp.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đề nghị: Các cấp các ngành quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chấp nhận thiệt hại về kinh tế để phòng chống dịch, bảo vệ tốt sức khỏe, tính mạng của người dân Thủ đô là mục tiêu tối thượng.
TP quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực hơn nữa thực hiện các giải pháp chống dịch theo đúng chỉ đạo của T.Ư và TP, tăng cường kỷ luật kỷ cương, tuyệt đối không lơ là chủ quan, tăng tốc thực hiện các biện pháp phát hiện sớm nguồn lây, cách ly kịp thời, khoanh vùng nhanh gọn, dập dịch triệt để.
TP quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tụ tập đông người kể từ 0h ngày 28/3/2020 đến hết ngày 15/4/2020. “Như vậy tất cả các trường học các cấp trên địa bàn TP phải nghỉ đến hết ngày 15/4/2020. Dừng mọi hoạt động hội họp, các hoạt động tập trung trên 20 người một phòng. Không tụ tập 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. Yêu cầu đeo khẩu trang. Thực hiện đúng khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các điểm công cộng” – Chủ tịch UBND TP nói.
TP Hà Nội đề nghị dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự. Dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng. Khi tập trung dưới 20 người phải tiến hành khử khuẩn, vệ sinh, kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang, thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m.
Bên cạnh đó, dừng hoạt động toàn bộ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn TP, trừ các điểm kinh doanh dịch vụ như siêu thị tổng hợp, trung tâm thương mại bao gồm siêu thị tổng hợp; văn phòng cho thuê; bệnh viện; chợ dân sinh gồm các gian hàng lương thực, thực phẩm rau, củ, quả, đồ khô; các cửa hàng tiện lợi như siêu thị mini, trừ dịch vụ ăn uống tại chỗ; cửa hàng tạp hóa kinh doanh hoa quả; chuỗi kinh doanh nông sản, thực phẩm thuốc chữa bệnh; dịch vụ khám chữa bệnh; dịch vụ ngân hàng; cửa hàng kinh doanh xăng dầu, ga khí đốt. Khuyến khích mọi người sử dụng thương mại điện tử.
TP giao Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã điều tra dịch tễ, xét nghiệm y tế đối với các trường hợp F1, F2; tăng cường chỉ đạo giám sát các trường hợp cách ly tại gia đình; thực hiện xử lý vi phạm, cưỡng chế các trường hợp chống đối cách ly theo quy định. Tổ chức khoanh vùng dập dịch theo quy định của Bộ Y tế; xây dựng phương án khoanh vùng dập dịch theo quy mô dân số. Tổ chức cách ly tại gia đình nghiêm ngặt đối với các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam chưa qua 14 ngày…
Theo danh sách BV Bạch Mai cung cấp, trên địa bàn TP có 1.592 bệnh nhân điều trị ngoại trú và đến điều trị tại BV Bạch Mai từ ngày 10/3 đến nay. TP yêu cầu cách ly tại nhà đối với tất cả trường hợp trên, kể cả đây là người nhà đến trông nom; kể cả những trường hợp sinh viên y đang được đào tạo tại BV, người trông xe, người cung ứng lương thực, thực phẩm, lái xe taxi, người cung cấp thuốc, những người đến dự đám tang trong nhà tang lễ của BV…
Đề nghị Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, Chủ tịch UBND phường Quảng An phải rút kinh nghiêm trong việc để người dân đi lễ đông người tại Phủ Tây Hồ vào ngày 24/3. Các quận, huyện phải hạn chế người dân đến những nơi đông người, không tụ tập ăn uống…
TP giao Sở Y tế điều tra xét nghiệm mẫu để đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng; hướng dẫn triển khai các chỉ đạo xử lý việc lây nhiễm Covid-19 trong BV Bạch Mai theo hướng dẫn của Bộ Y tế; khẩn trương rà soát việc khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khỏe, sàng lọc các trường hợp nhập cảnh Việt Nam chưa qua 14 ngày…
Hiện nay qua quá trình sàng lọc, TP đang phát hiện thêm 1 trường hợp nữa là người nước ngoài ở Quảng An, Tây Hồ có dương tính với Covid-19, hiện đã chuyển vào bệnh viện Nhiệt đới T.Ư.
Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo về việc phân luồng, phân tuyến khám bệnh cho Nhân dân; bổ sung đầy đủ trang thiết bị y tế phục vụ cho xét nghiệm để tiến hành xét nghiệm trên diện rộng. Nâng công suất để có thể sàng lọc toàn bộ các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm.
Chuẩn bị đầy đủ nhân lực, trang thiết bị, vật tư y tế, các phương án phòng chống dịch, kể cả huy động cơ sở vật chất của các doanh nghiệp, đảm bảo sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh trên diện rộng.
Có phương án chăm sóc tốt hơn với nhân viên y tế, đặc biệt là các bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19, đảm bảo đội ngũ y tế có đủ sức làm việc lâu dài trong mùa dịch; xét nghiệm toàn bộ nhân viên y tế đang làm việc tại những nơi có nguy cơ lây nhiễm.
Dù đã có chính sách bồi dưỡng cho tất cả những người tham gia phòng chống dịch, tuy nhiên, Chủ tịch UBND TP giao Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản chủ trì nghiên cứu, kiểm tra nguồn lực của TP, đề xuất chính sách cao hơn cho các y tá, bác sỹ. “Chúng ta chống dịch như chống giặc, tuyến đầu chống giặc chính là y tá, bác sỹ, do vậy, cần phải có chính sách chăm sóc đặc biệt”.
Chủ tịch yêu cầu xây dựng kịch bản, phương án phòng chống dịch với mức độ cao hơn để chủ động khi có tình huống xấu xảy ra.
Sở GTVT kiểm tra các đơn vị vận chuyển hành khách công cộng thực hiện theo đúng chỉ đạo của TP. Giao Công an TP phối hợp với Sở TTTT, UBND các quận, huyện xử lý nghiêm, thậm chí xử lý hình sự đối với các trường hợp đưa tin không đúng sự thật, không khai báo y tế, khai báo y tế không trung thực, chống đối, không chấp hành các biện pháp cách ly y tế, găm hàng, tăng giá, gây bất ổn thị trường.
TP giao Sở TTTT phối hợp với Sở Y tế thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai minh bạch về diễn biến dịch. Tập trung đưa thông tin về việc không tập trung đông người. Khuyến khích, hướng dẫn khai báo y tế tự nguyện. Sớm phát hiện và báo cáo BCĐ TP các trường hợp nghi mắc bệnh.
Chủ tịch UBND TP mong muốn Nhân dân Thủ đô bình tĩnh, tin tưởng và ủng hộ các biện pháp phòng chống dịch. Mỗi người dân là một chiến sỹ trong phòng chống dịch bệnh.
TP giao Công an TP, các quận huyện chịu trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, có biện pháp yêu cầu tất cả các loại hình kinh doanh không thiết yếu phải dừng hoạt động.
“Nếu có sự đồng thuận và ủng hộ của người dân, chúng ta sẽ làm giảm được lây nhiễm trong cộng đồng, giống như đám cháy nhỏ, có đến đâu dập đến đó, chắc chắn chúng ta sẽ thành công”, Chủ tịch UBND TP bày tỏ.