'Mập mờ' xuất xứ
Cơ quan chức năng cần có quy định rõ hơn trong việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.
Vừa qua, nhiều bạn đọc phản ánh tới Báo Người Lao Động bày tỏ lo lắng đến các sản phẩm mì chính không rõ nguyên liệu nhập từ nước nào được sang chiết, đóng gói và bày bán trong nước.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, hiện nay tại các chợ, cửa hàng tạp hóa ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương… bày bán tràn lan những gói mì chính không ghi rõ nguồn gốc xuất xứ. Có sản phẩm còn được bày bán trong các siêu thị lớn.
Cụ thể, tại siêu thị Co.opmart Bình Dương (phường Phú Lợi, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), cửa hàng Bách Hóa Xanh trên đường Phan Đình Phùng (phường Trung Dũng) và đường Đặng Văn Trơn (phường Hiệp Hòa, đều ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai); Bách Hóa Xanh (thị trấn Dầu Giây, huyện Thống Nhất); Big C Đồng Nai, ngay ngã tư Vũng Tàu, người tiêu dùng dễ dàng bắt gặp các sản phẩm mì chính M.Z trên các kệ của các siêu thị, cửa hàng nêu trên. Mì chính M.Z trên bao bì ghi thông tin đóng gói tại Việt Nam nhưng không ghi rõ về xuất xứ hàng hóa, cũng như địa chỉ của cá nhân, tổ chức sản xuất ra hàng hóa trước khi đóng gói.
Trong vai trò người mua hàng, chúng tôi hỏi nhân viên Bách Hóa Xanh tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai về xuất xứ sản phẩm của mì chính M.Z thì nhận được câu trả lời là sản phẩm được đóng gói tại Việt Nam. Riêng sản xuất ở đâu thì nhân viên chỉ trả lời M.Z là của Việt Nam.
Nói về xuất xứ sản phẩm, chị Th. (ngụ tỉnh Đồng Nai) chia sẻ, những người nội trợ như chị khi mua sản phẩm là đồ ăn, thức uống thì yếu tố quan tâm đầu tiên là nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. "Với mì chính M.Z, tôi cũng đã từng muốn mua về dùng nhưng khi không thấy ghi rõ xuất xứ sản phẩm ở đây cũng như giá cả ngang ngửa với các sản phẩm mì chính nổi tiếng nên phải đắn đo. Cuối cùng, tôi chọn không mua vì chưa an tâm. Tại sao sản phẩm mì chính M.Z họ không ghi tên nơi sản xuất để người tiêu dùng có thể tin tưởng và kiểm chứng, chứ ghi kiểu đơn vị đóng gói thì thấy mông lung quá?" - chị Th. đặt câu hỏi.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14-4-2017 về nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau: Tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa…
Về cách ghi xuất xứ hàng hóa, khoản 2 Điều 15, Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định như sau: Ghi cụm từ "sản xuất tại" hoặc "chế tạo tại", "nước sản xuất", "xuất xứ" hoặc "sản xuất bởi" kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó. Tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó không được viết tắt.
Trong khi đó, tại Nghị định 111/NĐ-CP ngày 9-12-2021 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 43/2017/NĐ-CP ngày 14-4 -2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa lại quy định trường hợp hàng hóa không xác định được xuất xứ theo quy định thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ thể hiện công đoạn hoàn thiện hàng hóa như sau: "lắp ráp tại"; "đóng chai tại"; "phối trộn tại"; "hoàn tất tại"; "đóng gói tại"; "dán nhãn tại" kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.
Như vậy, đây chính là cách các đơn vị trên áp dụng trong việc san chiết sản phẩm mì chính phân phối tại thị trường trong nước mà không rõ nơi sản xuất sản phẩm gây tâm lý lo lắng cho người tiêu dùng. Mong rằng, cơ quan chức năng cần có quy định rõ hơn trong việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/map-mo-xuat-xu-196241104202029929.htm