Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng xem trình diễn Vovinam và Võ đạo Nhật Bản
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu đã cùng thưởng thức màn trình diễn kiếm thuật, quyền thuật, đối kháng... của các võ sinh Nhật Bản và Việt Nam.
Sáng 29/11, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự chương trình giao lưu võ thuật Vovinam Việt Nam và Võ đạo Nhật Bản.
Việt Võ đạo là môn võ truyền thống của dân tộc Việt Nam, được sáng lập vào năm 1938 bởi cố võ sư Nguyễn Lộc. Sau này môn võ này được gọi là Vovinam, gồm 2 phần: Võ thuật Việt Nam (Việt Võ thuật) và Võ đạo Việt Nam (Việt Võ đạo).
Năm 2010, Hội đồng Võ sư chưởng quản môn phái Vovinam ra đời, đánh dấu chặng đường mới của võ Việt và được các võ sư tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ đến bạn bè quốc tế khắp năm châu. Vovinam đã có mặt ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, thu hút hơn 2,5 triệu võ sinh tham gia luyện tập và tiếp tục phát triển.
Mới đây, Vovinam đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Văn hóa võ thuật Nhật Bản rất phong phú với nhiều bộ môn khác nhau như karate, judo, aikido, jujitsu, kendo, sumo… Các môn võ được chia thành hai nhóm lớn gồm võ thuật cổ truyền (được truyền lại qua nhiều thế kỷ) và võ thuật hiện đại (kế thừa và phát triển theo hơi thở của thời đại).
Những người bạn Nhật Bản giới thiệu về Võ đạo Nhật Bản được lưu truyền ở thành phố Kashima, thuộc tỉnh Ibaraki, nơi được cho là vùng khởi nguồn của Võ đạo Nhật Bản.
Vùng Kashima còn là nơi đào tạo các binh sĩ bảo vệ đất nước trước quân xâm lược xuyên suốt thời cổ đại Nhật Bản. Cách đây khoảng 500 năm, nơi đây cũng bắt đầu hệ thống hóa các môn phái võ thuật sử dụng binh khí như: kiếm, giáo, đao.
Cũng trong sáng nay, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và phu nhân đã có cuộc gặp gỡ thân mật với các gia đình Nhật Bản đã có thời gian đón tiếp thanh niên Việt Nam qua các Chương trình Giao lưu Thanh niên Việt Nam - Nhật Bản.
Buổi gặp mặt có sự tham dự của các gia đình từ nhiều địa phương tại Nhật Bản, trong đó có gia đình ông Sato Shigemitsu và bà Sato Ikuko (tỉnh Akita), gia đình ông Nagai Atsuo và bà Nagai Yuko (tỉnh Miyazaki).
Nhiều năm trước, những gia đình này đã đón một số thanh niên Việt Nam, trong đó có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến lưu trú, giao lưu trong các hoạt động hợp tác thanh niên hai nước.
Trong những năm tháng công tác thanh niên tại Thành Đoàn TP.HCM và Trung ương Đoàn, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã tham gia một số chương trình giao lưu thanh niên tại Nhật Bản.
Trong khuôn khổ các hoạt động hữu nghị này, Chủ tịch nước và các bạn đoàn viên thanh niên hai nước đã cùng sinh hoạt, làm việc, lưu trú, trao đổi văn hóa tại một số gia đình ở nhiều địa phương của Nhật Bản.
Vui mừng gặp lại các gia đình thân thuộc năm xưa trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản lần đầu tiên trên cương vị lãnh đạo Nhà nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng xúc động nhắc lại nhiều kỷ niệm, ấn tượng không phai mờ về quãng thời gian tuổi trẻ đã từng lưu trú, sinh hoạt, làm việc cùng các gia đình và thanh niên Nhật Bản trước đây.
Chủ tịch nước nhớ lại những câu chuyện, hình ảnh các thành viên gia đình Nhật Bản nhiệt tình giới thiệu và hướng dẫn thanh niên Việt Nam về văn hóa truyền thống, văn hóa dân gian và cuộc sống đời thường của các gia đình nông thôn Nhật Bản qua những công việc thường ngày như nấu ăn, làm vườn, làm nông nghiệp, biểu diễn nghệ thuật truyền thống, sinh hoạt cộng đồng….
Thăm hỏi từng thành viên trong các gia đình thân thuộc trước đây, Chủ tịch nước vui mừng vì các thành viên trong gia đình vẫn lưu giữ những kỷ niệm với thanh niên Việt Nam và tích cực ủng hộ chương trình giao lưu thanh niên hai nước.
Chủ tịch nước cho rằng những hoạt động giao lưu hữu nghị thiết thực, giàu ý nghĩa này đã để lại nhiều ấn tượng khó phai, giúp mỗi thanh niên Việt Nam tăng thêm hiểu biết, thêm yêu mến đất nước Nhật Bản xinh đẹp, đậm đà văn hóa truyền thống, người dân Nhật Bản thân thiện, tình cảm, chân thành, chu đáo và mến khách.