Chủ tịch Quốc hội: Quyền tư vấn chỉ một tí sao trách nhiệm lại vô biên?
Đề cập nội dung thẩm định giá trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi), ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh cần quy định tạo sự khuyến khích, quyền tương xứng trách nhiệm chứ không phải quyền ít mà trách nhiệm, rủi ro lại vô hạn.
Sáng 15/3, tại phiên họp 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn và nội dung còn ý kiến khác nhau về Dự án Luật Giá (sửa đổi)
Ai quyết định mặt hàng bình ổn giá?
Trình bày báo cáo, ông Nguyễn Phú Cường – Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS cho biết, về thẩm quyền quyết định danh mục hàng hóa thuộc diện bình ổn giá, nhiều đại biểu và cơ quan thẩm tra đề nghị giữ như quy định của Luật hiện hành, theo đó cần quy định rõ mặt hàng bình ổn giá trong Luật, trường hợp cần điều chỉnh, giao UBTVQH xem xét, quyết định.
Một trong những lý do quan trọng là giá là vấn đề ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến từng người dân, doanh nghiệp, liên quan ổn định thị trường, do đó cần được quy định cụ thể trong luật nhằm tạo sự công khai, minh bạch, đặc biệt nhằm tránh việc lạm dụng để mở rộng phạm vi các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, hạn chế sự can thiệp từ cơ quan quản lý nhà nước đến quy luật cung cầu.
Để bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời, Luật Giá hiện hành cũng đã quy định trường hợp cần điều chỉnh danh mục các mặt hàng bình ổn giá, Chính phủ trình UBTVQH xem xét, quyết định (UBTVQH họp hằng tháng và có thể họp bất thường để kịp thời quyết định).
Trong khi đó, cơ quan soạn thảo đề nghị giao Chính phủ quy định mặt hàng bình ổn giá vì cho rằng việc thực hiện bình ổn giá có tính thời điểm khi giá hàng hóa dịch vụ có biến động bất thường, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội, mục tiêu kiểm soát lạm phát… và khi phát sinh Chính phủ có trách nhiệm triển khai biện pháp đã được quy định tại luật để điều hành cụ thể.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, qua thảo luận tại Kỳ họp thứ 4, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị giữ quy định hiện hành về thẩm quyết quyết định danh mục hàng hóa bình ổn giá. Tuy nhiên, để đảm bảo linh hoạt thì nghiên cứu Quốc hội ủy quyền cho UBTVQH xem xét, quyết định trên cơ sở Chính phủ trình.
“Việc này là giải tỏa, chia sẻ cho Chính phủ thôi, chứ không phải UBTVQH “ôm” việc này. Khi điều chỉnh, thay đổi sẽ có phản ứng lớn từ dư luận nên ủy quyền thì UBTVQH quyết định ứng phó kịp thời, không mất nhiều thời gian” – ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Cần minh bạch Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Liên quan Quỹ bình ổn giá, dù luật hiện hành cho phép lập quỹ trong trường hợp cần thiết nhưng trên thực tế chỉ có Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang hoạt động nhằm mục tiêu bình ổn giá, Thường trực Ủy ban TCNS cho rằng, cần giữ quy định về Quỹ bình ổn giá trong Luật giá nhằm tạo cơ sở pháp lý cũng như bảo đảm cho công tác tổ chức thực hiện đối với các trường hợp cần thiết phát sinh.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Nguyễn Phú Cường cho biết, về thẩm quyền quyết định còn ý kiến khác nhau. Cơ quan thẩm tra đề nghị quy định: Quốc hội có thẩm quyền thành lập quỹ, trong thời gian giữa 2 kỳ họp, trường hợp cấp bách, giao UBTVQH quyết định việc thành lập quỹ và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp gần nhất. Phía cơ quan soạn thảo đề nghị giao Chính phủ quy định việc thành lập để bảo đảm tính linh hoạt trong tổ chức thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị đổi tên thành “Biện pháp bình ổn giá” để rộng hơn vì quỹ chỉ là một biện pháp. Nền kinh tế của chúng ta là thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nên theo quy luật thị trường và có sự quản lý, định hướng của Nhà nước để hài hòa lợi ích, đặc biệt là bảo vệ người yếu thế.
“Thực tế có tình huống bất ngờ, đặc biệt như thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, tình trạng khẩn cấp... Trong tình huống này nhiều người đầu cơ, trục lợi thì Nhà nước có thể đưa ra quyết định đặc biệt” – ông Vương Đình Huệ đề xuất.
Nêu ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tại phiên giải trình vừa qua thì nhiều ý kiến cho rằng Quỹ bình ổn giá xăng dầu chưa đảm bảo đúng mục đích.
Ông Vũ Hồng Thanh dẫn chứng, qua theo dõi hoạt động của quỹ này thì ngày 21/6/2022 giá xăng dầu cao đỉnh điểm mà quỹ chả tác động gì. Thường trực Ủy ban Kinh tế có hai luồng ý kiến có nên giữ lại hay không, đây là vấn đề hết sức trăn trở, nếu giữ lại quỹ thì phải hoàn thiện cơ chế quản lý hiệu quả hơn.
Báo cáo về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, Quỹ bình ổn giá xăng dầu làm nhiệm vụ giảm tăng giá để gảm sốc, là công cụ của cơ quan Nhà nước, nếu bỏ thì ít công cụ tác động. Cần tiếp tục duy trì nhưng sẽ kiểm tra, đánh giá để quỹ hoạt động minh bạch, hiệu quả hơn.
Quyền một tí nhưng trách nhiệm lại vô biên!
Đề cập quy định về giá tham chiếu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá dự thảo thể hiện khá chặt chẽ, tuy nhiên ông đề nghị nên tách thành 2 loại giá tham chiếu: Một là giá tham chiếu được cơ quan có thẩm quyền công bố để cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng ngân sách mua sắm công làm căn cứ quyết định giá. Hai là giá được công bố để các đối tượng còn lại tham khảo, tự chịu trách nhiệm về quyết định giá của mình.
Về thẩm định giá, Chủ tịch Quốc hội cho biết ngành tư vấn đang khó khăn, nhất là thẩm định giá đất, do đó nên quy định thế nào để khuyến khích, tương xứng quyền và trách nhiệm, cung cấp thông tin đến đâu thì thẩm định đến đó...
“Không biết hợp đồng được bao nhiêu tiền nhưng bắt chịu rủi ro vô hạn thì chết. Tư vấn thực chất là bán lời khuyên, còn dùng hay không và dùng thế nào là quyết định của người sử dụng. Cho nên quyền phải tương xứng với nghĩa vụ, trách nhiệm. Quyền một tí mà nghĩa vụ, trách nhiệm vô biên thế này” – ông Vương Đình Huệ băn khoăn.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nói, vừa qua có nhiều vi phạm, luật sửa đổi cần rà soát, tuy nhiên như ý kiến Chủ tịch Quốc hội là quy định chặt chẽ nhưng phải đảm bảo điều kiện hoạt động cho DN.
Ông dẫn chứng luật hiện hành quy định quyền của DN thẩm định giá là có thể thỏa thuận mức thù lao dịch vụ. Điều này được cho là sơ hở, có nguy cơ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực khi có thể thỏa thuận ngầm. Tuy nhiên, dự thảo bỏ quy định này mà không có cơ chế không rõ ràng về thù lao cho dịch vụ thẩm định giá thì dẫn đến khắc phục sơ hở này lại dẫn đến vướng mắc khác.
Ngoài ra, ông băn khoăn một số mặt hàng đang được đề xuất đưa ra khỏi danh mục mà chưa thấy đánh giá rõ tác động. Ví dụ, nếu bây giờ bỏ việc Nhà nước định giá với nhà ở xã hội do cá nhân, hộ gia đình xây dựng, trong khi nhà ở xã hội hưởng chế độ ưu đãi mà Nhà nước thả nổi theo thị trường thì mất tính xã hội của chính sách, còn tổ chức, cá nhân đầu tư hưởng lợi rất lớn.
Kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết UBTVQH đánh giá cao báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật và đề nghị rà soát, tiếp thu đầy đủ các ý kiến, hoàn thiện hồ sơ để xin ý kiến đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách./.