Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu: Diêm dân đổi nghề vì thu nhập thấp!

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết không ít diêm dân ở địa phương phải đổi nghề vì công việc rất vất vả nhưng thu nhập mang lại thấp.

Ngày 4-12, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức buổi "cà phê doanh nhân" nhằm trao đổi, xử lý một số khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều nói về sự vất vả của diêm dân

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều nói về sự vất vả của diêm dân

Tại đây, các doanh nghiệp đã trực tiếp trao đổi những khó khăn của họ trong sản xuất, xuất khẩu và công tác giải phóng mặt bằng đến lãnh đạo tỉnh.

Bà Võ Thị Hồng Thoại, Giám đốc Công ty Cổ phần Vũ Võ Bạc Liêu cho hay người dân địa phương rất tự hào về thương hiệu muối Bạc Liêu. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận hạ tầng sản xuất muối tại tỉnh còn nhiều khó khăn dẫn đến giá muối diêm dân làm ra bán giá thấp, lợi nhuận chưa tương xứng với công sức.

Nghề làm muối là công việc vất vả nhưng mang lại thu nhập cho diêm dân còn thấp

Nghề làm muối là công việc vất vả nhưng mang lại thu nhập cho diêm dân còn thấp

"Muối trắng dùng trong chế biến thủy sản chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, diêm dân làm ra hạt muối rất cực nhưng lại bán giá thấp, tuy nhiên đến tay người tiêu dùng thì giá rất cao…Tôi đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh cần khảo sát nhu cầu sử dụng muối của các doanh nghiệp để đưa ra kế hoạch, quy hoạch phát triển hạ tầng nghề muối phù hợp nhất" – bà Thoại chia sẻ.

Trả lời vấn đề trên, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết nghề làm muối ở địa địa phương có bề dày lịch sử hơn 200 năm, được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao.

Nghề này công việc rất vất vả bởi diêm dân phải "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" trong thời gian dài nhưng lợi nhuận lại thấp, từ đó không ít diêm dân phải chuyển sang nuôi tôm, nuôi artemia…

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp cho tỉnh Bạc Liêu 130 tỉ đồng để đầu tư hạ tầng phát triển nghề làm muối. Qua đó, nhằm góp phần động viên, đồng hành cùng diêm dân bảo tồn nghề truyền thống của tỉnh. Trong quy hoạch, tỉnh sẽ giữ lại 1.650 ha để làm muối… và có những kế hoạch phát triển cụ thể nâng cao giá trị hạt muối cũng như giúp diêm dân có cuộc sống tốt hơn.

"Diêm dân nay làm muối phải thích ứng với biến đổi khí hậu chứ không thì rất khó. Dự kiến năm 2024, tỉnh sẽ tổ chức Festival muối để vinh danh, động viên những người dân gắn bó với nghề truyền thống của tỉnh" – ông Phạm Văn Thiều thông tin thêm.

Được biết, năm 2019, muối Bạc Liêu được Cục sở hữu trí tuệ chứng nhận đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Năm 2020, nghề làm muối được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Vân Du

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chu-tich-tinh-bac-lieu-diem-dan-doi-nghe-vi-thu-nhap-thap-196231204100054429.htm