Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội giải trình những khó khăn, vướng mắc trong lập quy hoạch

Cho biết về nguyên nhân nhiều quy hoạch của Hà Nội bị chậm tiến độ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã phân tích những khó khăn, vướng mắc làm ảnh hưởng đến công tác lập quy hoạch.

Ngày 9/3, báo cáo tại cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” với thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết: Ngày 7/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 313/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo đó, tiến độ phấn đấu cơ bản hoàn thành việc lập Quy hoạch trước ngày 31/12/2022 theo tinh thần Nghị quyết số 119/NQ-CP của Chính phủ.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh tại phiên làm việc.

Cho biết về nguyên nhân chậm tiến độ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nêu rõ, quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là loại hình mới, quy hoạch tích hợp, có tính chất phức tạp, nội dung bao trùm, phạm vi nghiên cứu rộng, hình thức hoàn toàn mới so với trước đây, chịu sự điều chỉnh của nhiều pháp luật có liên quan, trong khi cả kinh nghiệm trong nước và quốc tế về nội dung này còn rất hạn chế; Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành và Thành phố ban đầu còn lúng túng trong triển khai, chưa định hướng rõ được tính chất, nội dung, nội hàm, phạm vi nghiên cứu; Từ khi Chính phủ ban hành các Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 02/12/2019 và số 131/NQ-CP ngày 15/9/2020 về việc bổ sung các quy định tại Danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về cách thức, mức độ chi tiết tích hợp quy hoạch tỉnh, Thành phố đã chỉ đạo rà soát, định hướng khắc phục phương án triển khai thực hiện và đôn đốc tiến độ thực hiện.

Theo Chủ tịch Chu Ngọc Anh, hệ thống quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch là hoàn toàn mới so với trước đây, trong và ngoài nước hiện chưa có tổ chức tư vấn hoặc chuyên gia tư vấn đủ kinh nghiệm theo quy định của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 7/5/2019, khó khăn trong việc lựa chọn đơn vị tư vấn; Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, cùng với các xu hướng mới và quan trọng về bối cảnh kinh tế - xã hội toàn cầu, đã làm ảnh hưởng không nhỏ công tác quy hoạch;...

Đồng thời, tại thời điểm này các bộ, ngành trung ương và các địa phương đang triển khai lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh đang được nghiên cứu lập song song theo phương thức phối hợp, tích hợp, nhiều nội dung quy hoạch còn chưa được xác lập, chưa rõ định hướng, khó khăn trong việc xác lập một số nội dung định hướng trong Quy hoạch Thủ đô.

Khó khăn trong rà soát, xác định Danh mục các quy hoạch chuyên ngành, ngành, lĩnh vực được tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô đã được Thành phố báo cáo đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn; các quy hoạch tích hợp là các quy hoạch chuyên ngành, ngành, lĩnh vực,... có số lượng, tính chất, mức độ, cấp độ hoặc tỷ lệ chi tiết khác nhau, do vậy để lựa chọn số lượng, đánh giá, phân loại mức độ chi tiết của các quy hoạch hoặc phải lập bổ sung các quy hoạch ở cấp độ mới để tích hợp vào quy hoạch Thủ đô vẫn còn lúng túng.

Báo cáo tại phiên làm việc, Chủ tịch Chu Ngọc Anh cũng phân tích những điểm trùng lặp giữa quy hoạch chung đô thị lập theo Luật Quy hoạch đô thị và Quy hoạch Thủ đô lập theo Luật Quy hoạch; chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai và quy hoạch sử dụng đất trong quy hoạch xây dựng...

N.H

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chu-tich-ubnd-thanh-pho-ha-noi-giai-trinh-nhung-kho-khan-vuong-mac-trong-lap-quy-hoach-post184722.html