Chú trọng đầu tư nâng cấp hệ thống điện trước mùa nắng nóng
Những năm qua, hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh ta ngày càng được đầu tư, nâng cấp, mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện năng tăng cao của các thành phần phụ tải. Hiện tại, lưới điện đầu nguồn 110kV đã được mở rộng đến tất cả các huyện, thành phố... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Những năm qua, hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh ta ngày càng được đầu tư, nâng cấp, mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện năng tăng cao của các thành phần phụ tải. Hiện tại, lưới điện đầu nguồn 110kV đã được mở rộng đến tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh với hơn 200km đường dây và 12 trạm biến áp có tổng công suất 776 MVA. Đường dây trung áp từ 22 đến 35kV gồm hơn 2.480km. Đường dây hạ áp kéo điện đến công tơ của các tập thể, cá nhân có tổng chiều dài 13.975km. Trạm biến áp phân phối gồm tổng cộng 3.798 máy biến áp, công suất 1.466 MVA. Trong năm 2019, Công ty Điện lực Nam Định đã cung ứng trên địa bàn tỉnh gần 2,5 tỷ kWh điện thương phẩm, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong 3 tháng đầu năm nay, Công ty tiếp tục cung ứng an toàn gần 600 triệu kWh điện thương phẩm với tổn thất điện năng giảm xuống còn 7,73%, đạt 21% kế hoạch năm 2020, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng chí Phạm Minh Sơn, Trưởng Ban quản lý dự án (Công ty Điện lực Nam Định) cho biết, đón bắt xu thế dùng điện tăng cao của mùa hè năm nay, đồng thời phòng ngừa, củng cố lưới điện khi mùa mưa bão sắp đến, ngay từ cuối năm 2018, đơn vị đã nỗ lực tìm kiếm nguồn vốn nhằm đầu tư nâng cấp hàng loạt dự án điện. Trong đó năm 2019, trên lưới điện 110kV ngành Điện đã khắc phục được 70/99 hạng mục với chi phí khoảng 4,5 tỷ đồng; tập trung vào các công việc như đại tu, sửa chữa các máy biến áp bị rò rỉ dầu; xử lý duy tu, bảo dưỡng các tín hiệu sai lệch; chống cháy tại các điểm giao chéo giữa cáp lực và cáp nhị thứ; sửa chữa điều hòa, hút ẩm bị hư hỏng; thay thế một số bình ắc quy kém chất lượng; xử lý phát nhiệt mối nối, tiếp xúc trên đường dây, trạm biến áp. Đối với lưới điện trung thế, Công ty đã tập trung triển khai các dự án xây dựng, cải tạo chống quá tải, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện, kịp thời đưa vào vận hành ổn định, an toàn, đúng tiến độ, góp phần giảm tổn thất điện năng. Cụ thể, đã tiến hành các dự án cải tạo xuất tuyến, nâng cao năng lực các đường dây từ 22 đến 35kV nhằm giải tỏa công suất, kết nối mạch vòng liên lạc, đảm bảo cung cấp điện linh hoạt an toàn và ổn định. Ở lưới điện hạ thế, Công ty thực hiện khởi công 34 dự án, trong đó hoàn thành đóng điện 32 dự án bao gồm xây dựng mới 199 trạm biến áp, tổng công suất 59MVA; cải tạo 115km đường dây trung thế, 120km đường dây hạ thế; lắp đặt 82 bộ chỉ báo sự cố, 71 trạm cắt Recloser; thay 100 tủ hạ thế, hàng chục tụ bù; đưa trung tâm điều khiển xa đi vào hoạt động. Những tháng đầu năm 2020, Công ty tập trung hoàn thiện 17 dự án trước mùa nắng nóng với tổng mức đầu tư gần 140 tỷ đồng gồm 11 dự án xây dựng mới, cải tạo đường dây trung thế từ 22 đến 35kV để cấp điện mạch vòng an toàn, ổn định, linh hoạt giúp nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và 6 dự án chống quá tải các trạm biến áp công cộng để giảm tổn thất điện năng, nâng cao chất lượng điện áp cuối nguồn. Tổng khối lượng đầu tư xây dựng bao gồm 78km đường dây trung thế; 37km đường dây hạ thế; 33 trạm biến áp các loại. Các địa phương, đơn vị được thụ hưởng hệ thống lưới điện mới như xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc), Trạm bơm Cốc Thành (Vụ Bản), Cụm công nghiệp Cổ Lễ (Trực Ninh); các cụm công nghiệp Yên Dương, Yên Bằng, thị trấn Lâm và các xã Yên Khánh, Yên Bình, Yên Phúc, Yên Khang, Yên Phú (Ý Yên); các xã Nam Dương, Nam Hải, Tân Thịnh, Đồng Sơn (Nam Trực); khu vực trung tâm các huyện Nghĩa Hưng, Xuân Trường, Giao Thủy...
Trong điều kiện ngân sách của tỉnh còn khó khăn nên việc huy động được nguồn vốn lớn từ Tổng Công ty Điện lực miền Bắc để đầu tư, nâng cấp, cải tạo hệ thống điện hàng năm là hoạt động rất có ý nghĩa, thể hiện sự quyết tâm, năng động của ngành Điện trước xu thế phát triển chung. Tuy nhiên, trong quá trình thi công các dự án, Công ty Điện lực Nam Định đang gặp một số khó khăn, vướng mắc như công tác đền bù giải phóng mặt bằng vẫn còn nhiều bất cập; người dân ở những địa phương có dự án đi qua thường chậm chấp thuận giá đền bù theo quy định dẫn đến dự án chậm tiến độ, gây phát sinh chi phí do yếu tố trượt giá, làm cho hiệu quả, mục tiêu của dự án bị ảnh hưởng. Ngoài ra, từ khi khảo sát thiết kế đến khi thực hiện thi công là một khoảng thời gian khá dài, do đó khi có sự thay đổi quy hoạch sử dụng đất tại các địa phương dẫn đến phải thay đổi thiết kế dự án, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Trước tình hình đó, Công ty Điện lực Nam Định đề nghị cấp ủy, chính quyền các địa phương cùng chung sức, đồng lòng, đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn trong bàn giao mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, dự án phát triển, nâng cấp, cải tạo lưới điện. Từ đó giúp ngành Điện cải tạo, nâng cấp, mở rộng hệ thống lưới điện góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị và nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của khách hàng sử dụng điện./.
Bài và ảnh: Xuân Thu