Đề xuất đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư kinh doanh

Sáng 30-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội sáng 30-10. Ảnh: Quochoi.vn

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội sáng 30-10. Ảnh: Quochoi.vn

Việc xây dựng Luật nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cấp thiết về thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư kinh doanh, đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đấu thầu.

Cụ thể, về sửa đổi Luật Quy hoạch, quy định rõ mối quan hệ giữa quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành với các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia nhằm giải quyết vướng mắc về căn cứ lập quy hoạch khi quy hoạch cấp trên chưa được phê duyệt.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình. Ảnh: Quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình. Ảnh: Quochoi.vn

Cho phép sử dụng nguồn vốn đầu tư công, nguồn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động quy hoạch để tạo cơ chế linh hoạt khi sử dụng ngân sách nhà nước, phù hợp với tính chất của từng loại quy hoạch.

Đồng thời, đơn giản hóa quy trình lập quy hoạch, xác định trách nhiệm tham gia, phối hợp của các cơ quan liên quan trong quá trình lập, thẩm định quy hoạch và phân quyền tổ chức thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đơn giản hóa trình tự, thủ tục lập quy hoạch, tránh trùng lặp trong hoạt động lập quy hoạch.

Về cơ chế tài chính đối với dự án PPP, áp dụng cơ chế linh hoạt trong việc bố trí nguồn vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP theo hướng tiếp tục quy định tỷ lệ vốn nhà nước ở mức 50% và giao Thủ tướng Chính phủ hoặc HĐND cấp tỉnh quyết định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia cao hơn nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư đối với dự án.

Về sửa đổi Luật Đấu thầu, cho phép phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu trước khi dự án được phê duyệt hoặc ký hợp đồng với nhà thầu trước khi điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài được ký kết nhằm góp phần tiết kiệm thời gian, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, gói thầu.

Cho phép áp dụng hình thức đấu thầu hạn chế, đấu thầu quốc tế, đấu thầu trong nước trong trường hợp đối tác phát triển, nhà tài trợ nước ngoài yêu cầu áp dụng các hình thức này như một điều kiện ràng buộc trong quá trình đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài nhằm đẩy nhanh quá trình đàm phán, ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài.

Sửa đổi quy định về áp dụng mua sắm trực tiếp đối với việc mua thuốc để bán lẻ tại cơ sở bán lẻ thuốc nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động bán lẻ thuốc tại nhà thuốc bệnh viện, đẩy nhanh tiến độ mua sắm thuốc, đáp ứng chất lượng và yêu cầu phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra. Ảnh: quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.

Ông Vũ Hồng Thanh cho biết, báo cáo đánh giá tác động còn nhận định chung chung, định tính, thiếu số liệu minh chứng thể hiện sự cấp bách và vướng mắc trên thực tiễn, đặc biệt trong một số chính sách còn nhận định chưa thể đánh giá được cụ thể các tác động về kinh phí mang tính định lượng, thiếu cơ sở để lựa chọn giải pháp phù hợp, do đó đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung làm rõ. Ngoài ra, đề nghị bổ sung dự thảo Nghị định quy định chi tiết Dự án Luật theo quy định.

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp sáng 30-10. Ảnh: Quochoi.vn

Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp sáng 30-10. Ảnh: Quochoi.vn

Về thủ tục đầu tư đặc biệt, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát kỹ và quy định rõ ràng, chặt chẽ về đối tượng được áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt này; nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng, bảo đảm việc phân cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư đặc biệt đáp ứng khả năng, năng lực quyết định, tổ chức, nguồn nhân lực của từng cấp quản lý, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Đồng thời cần bổ sung chế tài gắn trách nhiệm cụ thể, xử lý vi phạm nhằm bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trong triển khai thực hiện, nhất là đối với các dự án lớn, quan trọng, có tính chất chuyên ngành phức tạp, tác động lan tỏa tới phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng và cả nước.

Về lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ giải trình, làm rõ việc phân cấp có đáp ứng khả năng, năng lực quyết định, tổ chức, nguồn nhân lực của từng cấp quản lý, bảo đảm việc quyết định và thực hiện hiệu quả trong triển khai thực hiện, nhất là đối với các dự án lớn, quan trọng, có tính chất chuyên ngành phức tạp, phạm vi tác động lớn.

Đồng thời, làm rõ nội dung “cần thực hiện gấp” đối với các gói thầu quy định tại điểm h1, h2 bổ sung vào sau điểm h khoản 1 Điều 29 của Luật Đấu thầu để bảo đảm rõ ràng, minh bạch trong quá trình thực hiện.

Đình Hiệp

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/de-xuat-day-manh-phan-cap-phan-quyen-trong-linh-vuc-quy-hoach-dau-tu-kinh-doanh-682950.html