Chú trọng giải quyết kiến nghị sau giám sát

Hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân TP HCM ngày càng đi vào chiều sâu

Sáng 17-1, Thành ủy TP HCM tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định 217/2013 của Bộ Chính trị về quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định 218/2013 của Bộ Chính trị về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Thực hiện rõ chức năng bảo vệ nhân dân

Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Hồ Hải - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM; ông Vũ Anh Tuấn - Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Dân vận Trung ương tại TP HCM; ông Võ Văn Thiện - Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban Công tác phía Nam của Trung ương MTTQ Việt Nam...

Tại hội nghị, Thành ủy TP HCM tặng bằng khen cho 114 tập thể và 11 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Quyết định 217 và Quyết định 218 của Bộ Chính trị .Ảnh: THIỆN AN

Tại hội nghị, Thành ủy TP HCM tặng bằng khen cho 114 tập thể và 11 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Quyết định 217 và Quyết định 218 của Bộ Chính trị .Ảnh: THIỆN AN

Báo cáo của Thành ủy TP HCM cho thấy qua 10 năm thực hiện 2 Quyết định 217, 218, hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đạt nhiều kết quả quan trọng.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền nhận thức đầy đủ, rõ ràng, chú trọng hơn vai trò giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Qua đó, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện rõ nét chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân.

Công tác phối hợp giữa MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội với HĐND, UBND các cấp và cơ quan, đơn vị liên quan ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả. Những đề xuất, kiến nghị sau giám sát cụ thể, rõ ràng, được tiếp thu cũng như kịp thời phản hồi giải quyết. Nhiều địa phương phát huy cách làm hay, mô hình sáng tạo trong công tác góp ý xây dựng Đảng và chính quyền.

Theo ông Nguyễn Thành Trung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TP HCM, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ TP HCM ngày càng đi vào nền nếp, phù hợp tình hình thực tiễn. Qua hoạt động giám sát của MTTQ, chính quyền các cấp thấy được những tồn tại, hạn chế. Từ đó, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân.

Không hình thức

Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Văn Thiện đánh giá những thành tựu quan trọng trong việc thực hiện Quyết định 217 và 218 đã góp phần to lớn giúp Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị các cấp TP HCM hoàn thành nhiệm vụ chính trị đã đề ra.

Cũng theo ông Thiện, hiện nay có không ít địa phương thực hiện phản biện xã hội mang tính hình thức, thiếu những biện pháp chủ động, tích cực để tập hợp và phản ánh những ý kiến và nguyện vọng của nhân dân. "Giá trị của nhiều ý kiến phản biện gần như chỉ mang tính tham khảo. Các chủ thể có thẩm quyền gần như đọc xong rồi để đấy, không có sự tiếp thu hay phản hồi. Chính điều này đã làm giảm đi phần nào giá trị của những ý kiến phản biện" - ông Thiện nói.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại hội nghị

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại hội nghị

Do đó, ông Thiện đề nghị Đảng đoàn MTTQ TP HCM sớm nghiên cứu và tham mưu cho Thành ủy TP HCM đề ra cơ chế cụ thể về việc tiếp thu, xử lý các ý kiến phản biện của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; xem đây là một nhiệm vụ quan trọng để nâng cao hiệu quả phản biện xã hội hiện nay.

"Trên thực tế, sau khi nhận phản biện, các chủ thể có thể tiếp thu hoặc không tiếp thu. Tuy nhiên, cần phải có cơ sở để công khai cho nhân dân biết tại sao lại xử lý như vậy. Nếu không có các quy định cụ thể, ràng buộc trách nhiệm của các chủ thể thì phản biện xã hội sẽ chỉ tồn tại như một hoạt động mang tính hình thức, lãng phí, không hiệu quả" - ông Thiện nhận định.

Kênh thông tin quan trọng

Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Nguyễn Hồ Hải biểu dương, ghi nhận những kết quả trong 10 năm triển khai Quyết định 217 và Quyết định 218 trên địa bàn thành phố. Ông cho biết hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân là một trong những kênh quan trọng giúp các cấp ủy Đảng và chính quyền có thêm thông tin trước khi xem xét, quyết định các vấn đề trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành.

Ông Nguyễn Hồ Hải đề nghị thời gian tới, các cấp ủy thực hiện hiệu quả phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng"; tạo điều kiện thuận lợi cho MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện chức năng phản biện xã hội theo quy định.

Ông Nguyễn Hồ Hải đánh giá trong khoảng 4 năm trở lại đây, việc chú trọng giải quyết kiến nghị sau giám sát, giải quyết ngay từ đầu những vấn đề phát sinh từ cơ sở của UBND các cấp có nhiều kết quả đáng trân trọng.

Bên cạnh đó là kịp thời xem xét, giải quyết và có văn bản trả lời cụ thể đề xuất, kiến nghị qua giám sát, phản biện cũng như ý kiến đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp.

Ban Cán sự Đảng UBND TP HCM cần tạo điều kiện để nhân dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp trên mọi lĩnh vực; phát huy vai trò và ý thức trách nhiệm, trí tuệ của các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Để đáp ứng yêu cầu trong thực hiện chính quyền đô thị, Đảng đoàn HĐND, Ban Cán sự Đảng UBND TP HCM nên sớm hoàn thiện các quy trình nhằm phát huy vai trò của người dân trong việc tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của thành phố.

Cần có luật giám sát, phản biện

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TP HCM Nguyễn Thành Trung kiến nghị xem xét nâng hoạt động giám sát, phản biện xã hội thành luật.

Trong đó, quy định hoạt động phản biện xã hội là một trong những quy định bắt buộc khi ban hành một văn bản quy phạm pháp luật. Quy định cụ thể về trách nhiệm, thời hạn gửi dự thảo văn bản đề nghị phản biện xã hội và việc giải trình, tiếp thu ý kiến, trách nhiệm trả lời các kiến nghị sau giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội của các cơ quan được giám sát cũng phải được rõ ràng.

LÊ VĨNH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chu-trong-giai-quyet-kien-nghi-sau-giam-sat-19624011721511608.htm