Chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu gạo

Thời gian qua, tại Quảng Trị, việc đẩy mạnh phát triển thị trường xuất khẩu gạo được địa phương quan tâm thực hiện, nhờ vậy sản xuất lúa gạo trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Qua đó, nhiều mô hình sản xuất cây lúa phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao đã được xây dựng, nhiều sản phẩm gạo được cấp bằng bảo hộ, có thương hiệu và tìm được chỗ đứng trên thị trường.

 Lúa chất lượng cao được đưa vào sản xuất tại huyện Triệu Phong -Ảnh: T.L

Lúa chất lượng cao được đưa vào sản xuất tại huyện Triệu Phong -Ảnh: T.L

Thực tế thời gian qua cho thấy, quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Ngành Nông nghiệp và PTNT đã tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả nhiều giải pháp trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, mô hình tăng trưởng cũng được định hướng chuyển đổi từ số lượng sang chất lượng, giá trị theo chuỗi liên kết.

Các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) mới được đưa vào áp dụng, việc huy động sự hỗ trợ của các chương trình, dự án, doanh nghiệp cũng được ngành đặc biệt quan tâm. Các địa phương đã huy động mọi nguồn lực về lao động, máy móc để làm đất, gieo trồng đảm bảo thời vụ, đẩy mạnh đầu tư, thâm canh cây trồng, quản lý chặt chẽ nguồn nước từ các công trình thủy lợi, sử dụng nguồn nước tưới đảm bảo hiệu quả và có kế hoạch tích nước để phục vụ sản xuất. Nhờ những giải pháp kịp thời và hiệu quả nên sản xuất lúa gạo trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Chỉ tính riêng trong năm 2020, tổng diện tích trồng lúa toàn tỉnh đạt 50.659 ha, trong đó diện tích trồng lúa chất lượng cao khoảng 39.000 ha; đã xây dựng được 10.700 ha cánh đồng lớn và 405,7 ha sản xuất lúa hữu cơ; sản lượng lúa đạt 289.497 tấn/năm.

Cùng với việc chú trọng phát triển sản xuất lúa gạo, công tác quản lý hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn cũng được tỉnh quan tâm thực hiện tốt. Hằng tháng, Sở Công thương phối hợp với Cục Hải quan tỉnh cung cấp số liệu xuất nhập khẩu thóc gạo theo chỉ đạo của Bộ Công thương. Riêng trong năm 2020, lượng gạo xuất nhập qua 2 Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay đạt trên 13.793,56 tấn với trị giá 89,87 tỉ đồng, tăng bình quân giai đoạn 2017-2020 là 55,25%/năm về lượng và 35,23%/năm về giá trị.

Song song với đó, ngành đã tiến hành hậu kiểm hoạt động cấp phép xuất khẩu gạo, giám sát việc duy trì mức dự trữ lưu thông của thương nhân và hoạt động xuất khẩu gạo trong thời điểm COVID-19, hướng dẫn thương nhân triển khai thực hiện các quy định và phổ biến thông tin về nhập khẩu gạo của các nước… Để phát triển sản xuất lúa gạo, hạ tầng cũng là vấn đề được tỉnh quan tâm đầu tư và từng bước hoàn thiện. Nhờ vậy, hệ thống đường huyện và giao thông nông thôn đã kiên cố hóa trên toàn tỉnh đạt trên 80%; cầu cảng số 1 và số 2 (Cảng Cửa Việt) là cầu cảng tổng hợp có chiều dài 128 m và có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 2.000 tấn; cầu cảng tổng hợp Hợp Thịnh chiều dài 100 m, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 3.000 tấn, công suất 400.000 tấn/năm... Để nâng cao chất lượng sản phẩm gạo trong tỉnh, đề tài “Nghiên cứu khảo nghiệm tập đoàn lúa thuần mới, ngắn ngày, chất lượng cao và phục tráng giống HC95” đã tập trung khảo nghiệm tìm ra những giống lúa thuần mới ngắn ngày, năng suất cao, chất luợng tốt, phù hợp với điều kiện sinh thái và tập quán canh tác tại địa phương, đồng thời có khả năng kháng sâu bệnh để thay thế một số giống đã thoái hóa nhằm bổ sung vào cơ cấu bộ giống chủ lực của tỉnh. Cùng với đó, nhiều sản phẩm gạo của tỉnh đã được cấp bằng bảo hộ, đến nay có 4 sản phẩm gạo (gạo Gio Quang, gạo Hải Lăng, gạo sạch Cam An, gạo sạch Triệu Phong) đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng bảo hộ. Riêng gạo Diên Sanh và gạo huyết rồng Triệu Phong đang chờ xem xét cấp văn bằng bảo hộ trong thời gian tới...

Với mục tiêu triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng gạo và khẳng định thương hiệu gạo Quảng Trị, góp phần mở rộng thị trường xuất khẩu gạo, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện quy hoạch vùng trồng lúa trọng điểm; chỉ đạo cung ứng vật tư, giống, thực hiện kỹ thuật canh tác. Đồng thời, xây dựng các vùng chuyên canh lúa theo hướng cánh đồng lớn mang tính sản xuất hàng hóa, sản xuất hữu cơ, sạch, có chứng nhận, đảm bảo chất lượng phục vụ mục đích xuất khẩu. Cùng với đó sẽ ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất, chế biến và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho gạo Quảng Trị. Tham mưu ban hành cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp và người sản xuất. Hỗ trợ các doanh nghiệp liên kết sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, sản xuất sạch, có chứng nhận và tổ chức chế biến sâu ngay trong vùng chuyên canh. Chú trọng phát triển hệ thống giao thông thuận lợi đến các vùng sản xuất lúa, đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho dịch vụ logistics phục vụ xuất khẩu gạo.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ thực hiện theo dõi, thống kê, cung cấp thông tin tình hình sản xuất, sản lượng, chủng loại, giá cả thóc gạo nội địa phục vụ công tác quản lý điều hành xuất khẩu gạo. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại đối với mặt hàng gạo. Giám sát, hướng dẫn thương nhân xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm trách nhiệm và nghĩa vụ theo quy định của Chính phủ. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát sản xuất kinh doanh, sử dụng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất lúa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Thanh Lê

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=156752&title=no-luc-mo-rong-thi-truong-xuat-khau-gao