Chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ vào các lĩnh vực, ngành nghề

Trong nỗ lực đưa nền kinh tế- xã hội (KT-XH) phát triển năng động và bền vững, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào từng lĩnh vực, ngành nghề được huyện Vĩnh Linh đặc biệt quan tâm. Đây cũng là một trong hai lĩnh vực đột phá mà huyện lựa chọn để triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.

 Sản xuất lạc an toàn theo mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu tại xã Vĩnh Giang - Ảnh: NĐ

Sản xuất lạc an toàn theo mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu tại xã Vĩnh Giang - Ảnh: NĐ

Vĩnh Sơn là địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất huyện Vĩnh Linh với trên 150 ha. Mỗi năm nông dân ở Vĩnh Sơn nuôi từ 2 đến 3 vụ, chủ yếu tôm sú, mang lại doanh thu bình quân 60-70 tỉ đồng/năm, có năm đạt 120 tỉ đồng. Tuy nhiên những năm trở lại đây, tình hình dịch bệnh trên con tôm diễn ra thường xuyên và có xu hướng lây lan trên diện rộng đã làm ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, sản lượng tôm nuôi, thu nhập của các hộ gia đình. Quy trình và kỹ thuật trong quá trình thả nuôi còn nhiều hạn chế được xác định là nguyên nhân trực tiếp làm phát sinh cũng như khó kiểm soát dịch bệnh diễn ra trên con tôm. Trước tình hình này, năm 2018, huyện Vĩnh Linh triển khai đề tài khoa học “Mô hình nuôi tôm theo quy trình sinh học 2 giai đoạn” tại xã Vĩnh Sơn. Kết quả, mô hình mang lại lãi ròng bình quân trên 800 triệu đồng/ha/vụ, lợi nhuận cao hơn so với nuôi tôm truyền thống. Đề tài mở ra hướng đi mới trong quy trình thả nuôi áp dụng tiến bộ KHKT, đảm bảo sản xuất theo hướng bền vững cho các địa phương nuôi tôm trên địa bàn.

Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Linh Nguyễn Đình Lục chia sẻ: Cùng với “Mô hình nuôi tôm theo quy trình sinh học 2 giai đoạn”, trong 5 năm qua, toàn huyện đã có 8 đề tài khoa học cấp cơ sở được nghiên cứu triển khai; 7 dự án, mô hình đăng ký nhân rộng các kết quả KH&CN. Nhờ đẩy mạnh việc ứng dụng KHCN vào quá trình phát triển sản xuất nên ở huyện Vĩnh Linh hình thành ngày càng nhiều các mô hình kinh tế, các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung mang lại giá trị và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường, như: Mô hình trồng các loại cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGap, nuôi cá lóc đồng, cá chình, cá nâu, cá dìa, chuối đỏ Đacca, sản xuất nông sản sạch ứng dụng công nghệ cao theo phương pháp thổ canh và thủy canh với công nghệ của Ixrael, các mô hình trang trại, gia trại tổng hợp…

Không chỉ trên lĩnh vực kinh tế, hoạt động ứng dụng KHCN được huyện Vĩnh Linh triển khai đồng bộ, rộng khắp trong mọi mặt của cuộc sống. Đặc biệt đã phát huy hiệu quả thiết thực trong phục vụ cải cách hành chính. 5 năm qua, việc giải quyết hồ sơ cho các tổ chức, công dân đúng hẹn và sớm hẹn đạt tỉ lệ cao, trên 99,5%. Việc áp dụng đề án Dân chấm điểm Mscore được HĐND tỉnh đánh giá, khảo sát sự hài lòng của Nhân dân rất tích cực. Để thực hiện hiệu quả việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học KHCN vào các lĩnh vực KT-XH, huyện Vĩnh Linh chú trọng đến chất lượng nguồn nhân lực. Nhất là việc bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng ứng dụng CNTT cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác, trong sản xuất, kinh doanh, phát triển KT-XH.

Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Thái Văn Thành cho biết: “Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện Vĩnh Linh xác định: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng KHCN vào các lĩnh vực KT - XH” là lĩnh vực đột phá. Trong đó tập trung công tác quy hoạch, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường ứng dụng CNTT phục vụ cải cách hành chính và công nghệ tiên tiến trong sản xuất công nghiệp, xử lý rác thải và bảo vệ môi trường. Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào sản xuất các loại giống và thâm canh; phát triển chăn nuôi quy mô lớn. Qua đó tạo bước đột phá để đưa huyện Vĩnh Linh phát triển toàn diện, bền vững”.

Nguyên Đồng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=151047