Chùa Phổ Quang lưu giữ bảo vật quốc gia bàn thờ Phật bằng đá

Trong 5 bảo vật quốc gia được công nhận tại Phú Thọ, ngôi chùa khoảng 800 tuổi Phổ Quang đang lưu giữ một bảo vật quốc gia là bàn thờ Phật bằng đá.

Theo Sở VH-TT&DL tỉnh Phú Thọ, Chùa Xuân Lũng (Phổ Quang tự), xã Xuân Lũng đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (Nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quyết định xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia tại Quyết định số 92-VHTT/QĐ ngày 10/7/1980.

Chùa Phổ Quang nằm trên gò đất thuộc xóm Chùa, xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao và quay mặt về hướng tây. Chùa được xây dựng vào thời Trần (1224-1400), là quần thể gồm Tam quan - gác chuông, nhà bia, tòa Tam bảo kiểu chữ Công gồm bái đường, thiêu hương và chính điện.

Tổng thể bàn thờ Phật bằng đá chùa Xuân Lũng/ ảnh PLO

Tổng thể bàn thờ Phật bằng đá chùa Xuân Lũng/ ảnh PLO

Trong tòa Chính điện còn lưu giữ được 1 hiện vật vô cùng độc đáo, đó là Bàn thờ Phật bằng đá. Đây là hiện vật đã gắn với lịch sử của ngôi chùa từ cuối thế kỷ XIV, do Sử Đài Điển ngự thư Đô chính thủ Nguyễn Lạp, tên tự Đạo Không cư sĩ, cùng Thái học Điển trù Tiểu chi hầu Nguyễn Chiêu, tự là Ngộ Không cư sĩ và vợ là Nguyễn Thị Sửu, tên tự là Bà Công Tín cung tiến, hoàn công vào ngày 12/2 năm Đinh Mão, niên hiệu Xương Phù năm thứ 10 (1387).

Đây là một tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ thể hiện kỹ thuật tạo tác và nghệ thuật chạm khắc đá độc đáo của nghệ nhân dân gian.

Bàn thờ Phật bằng đá có kết cấu 5 tầng được lắp ghép từ nhiều phiến đá theo hình chữ Công tạo nên sự liên kết vững chãi. Từ loại chất liệu đá xanh nặng nề, bàn tay tài hoa của các nghệ nhân xưa đã để lại cho đời cổ vật độc đáo, thành công kỳ diệu cả về kỹ thuật, mỹ thuật và cả sự triết lý tư tưởng: Thực và phi hiện thực “Cá hóa rồng”, “Độc long”, “Sư tử vờn hoa”… Đặc biệt là hình tượng con rồng với đặc điểm độc đáo của nghệ thuật thời Trần với đề tài “Cá hóa rồng”.

Đây cũng là hiện vật đầu tiên xuất hiện hình tượng “Sư tử hí cầu” và “Cá hóa rồng” trong mỹ thuật cổ.

Bàn thờ Phật bằng đá chùa Phổ Quang là một hiện vật gốc độc bản; có hình thức độc đáo; có giá trị về lịch sử, giá trị văn hóa, giá trị mỹ thuật; có giá trị cao về thực tiễn, đóng góp tích cực đối với sự nghiệp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thực tiễn đặc biệt này, ngày 25/12/2021, tại Quyết định số 2198/QĐ-TTg của Chính phủ, Bàn thờ Phật bằng đá chùa Xuân Lũng đã được công nhận là Bảo vật quốc gia.

Đây là một trong 5 bảo vật quốc gia của Phú Thọ gồm Trống đồng Đền Hùng, Bộ khóa đai lưng bằng đồng, Sưu tập nha chương và tượng Mẫu Âu Cơ.

Ngoài bệ sen, chùa Phổ Quang còn nổi tiếng nhờ là nơi lưu giữ hơn 30 pho tượng gỗ và đất.

Trước thông tin chùa Phổ Quang (xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) bị cháy, Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã có công văn gửi Sở Văn hóa-Thể thao tỉnh Phú Thọ, đề nghị địa phương khẩn trương kiểm tra thực tế tại di tích, có ngay biện pháp bảo vệ Bảo vật Quốc gia - Bàn thờ Phật bằng đá.

Theo công văn do Phó Cục trưởng Phạm Định Phong ký ngày 23/10, Cục Di sản Văn hóa yêu cầu địa phương đánh giá mức độ thiệt hại và đề xuất phương án xử lý đồng thời báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trước 10h ngày 24/10.

Bình Nguyên

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/chua-pho-quang-luu-giu-bao-vat-quoc-gia-ban-tho-phat-bang-da-2045187.html