Chưa thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, đây là luật có tính chuyên sâu, phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến các hoạt động kinh tế - xã hội, có tác động đến nhiều đối tượng và tác động trực tiếp đến chính sách tài chính, tiền tệ... nên cần xem xét kỹ lưỡng.

Chiều 23/11, tiếp tục chương trình nghị sự Kỳ họp thứ 6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Chưa thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 6

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày nêu rõ, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, nhiều nội dung đã được các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý tại dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp lần này. Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo luật gồm 15 chương và 203 điều, tăng hai chương và 8 điều, trong đó sửa đổi, chỉnh lý 158 điều so với dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.

Các đại biểu tại phiên họp.

Các đại biểu tại phiên họp.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá đây là dự án luật rất khó, phức tạp, có tính chất nhạy cảm, liên quan đến an ninh tài chính quốc gia, an ninh an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động kinh tế - xã hội. Vì luật có vai trò rất quan trọng đối với nền tài chính quốc gia, chất lượng của dự án luật là vấn đề phải được đặt lên hàng đầu, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng, trên cơ sở khoa học và thực tiễn để tránh trường hợp luật sau khi ban hành nếu có bất cập sẽ gây nhiều tác động, nhất là đối với an ninh, an toàn hệ thống ngân hàng và hoạt động kinh tế - xã hội. Do đó, Quốc hội xem xét, chưa thông qua dự thảo luật này tại kỳ họp thứ 6 mà sẽ xem xét, thông qua tại kỳ họp sau” – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết.

Mặt khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ đề xuất cụ thể đối với các nội dung quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu như: nội dung về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, tiếp tục đánh giá, hoàn thiện các nội dung khác, trong đó có quy định về kiểm tra, thanh tra, giám sát tổ chức tín dụng, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu… Bổ sung đánh giá tác động đối với nội dung thay đổi về chính sách được yêu cầu, nhất là các quy định liên quan đến can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt.

"Cần nêu cụ thể việc thực hiện quy định của dự thảo luật sẽ dẫn đến bao nhiêu tổ chức tín dụng đặt vào can thiệp sớm, bao nhiêu tổ chức tín dụng đặt vào kiểm soát đặc biệt, tác động như thế nào, để từ đó bảo đảm khi luật thông qua có tính khả thi" – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói.

Kiến nghị bổ sung quy định bảo vệ khách hàng trong quan hệ với các tổ chức tín dụng

Thảo luận tại hội trường, đa số đại biểu tán thành với Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); cho rằng, dự thảo luật đã quy định cơ bản đủ các nội dung về thành lập, tổ chức, hoạt động, tổ chức lại, giải thể, phá sản các tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức, hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài…, đồng thời cho rằng, đây là luật có tính chuyên sâu, phức tạp, ảnh hưởng sâu rộng đến các hoạt động kinh tế - xã hội, có tác động đến nhiều đối tượng và tác động trực tiếp đến chính sách tài chính, tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô cũng như liên quan đến pháp luật quốc tế, thông lệ quốc tế và liên quan đến nhiều luật khác như: Bộ luật Dân sự, Luật Thi hành án Dân sự, Luật Doanh nghiệp… nên cần xem xét kỹ lưỡng.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) phát biểu tại phiên họp.

Nhấn mạnh điều này, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) đề nghị, cần tiếp tục rà soát các quy định trong dự thảo luật để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, tránh sự chồng chéo với các luật khác sẽ gây nhiều tác động xấu, nhất là đối với an ninh, an toàn hệ thống ngân hàng và hoạt động kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu có các chế tài đủ mạnh để răn đe đối với các trường hợp vi phạm; gắn trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan để bảo đảm các quy định được chấp hành nghiêm.

Nói về quy định bảo vệ quyền lợi của khách hàng tại Điều 10 dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) nêu rõ, thời gian qua, nhiều tranh chấp xảy ra giữa cá nhân, tổ chức có hoạt động vay vốn ngân hàng gửi tiết kiệm và sử dụng các dịch vụ với các tổ chức tín dụng nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng.

Thực tế có tình trạng các tổ chức tín dụng sử dụng hợp đồng cấp tín dụng không rõ ràng, không minh bạch thông tin. Nhiều trường hợp khách hàng không đọc kỹ hợp đồng do nhiều thuật ngữ chuyên ngành khó hiểu dẫn đến thiệt thòi quyền lợi khi có tranh chấp xảy ra… Đại biểu cho rằng, Điều 10 dự thảo luật chưa chế định cơ chế rõ ràng, cụ thể để bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng; đề nghị, xem xét bổ sung quy định cơ chế bảo vệ khách hàng rõ ràng, cụ thể, trong đó, cần quy định một chương riêng để bảo vệ khách hàng trong quan hệ với các tổ chức tín dụng.

Đại biểu cũng đề nghị, cần có cơ quan độc lập bảo vệ người sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng để bảo đảm các giải quyết về các vụ việc tranh chấp phát sinh một cách thuận lợi, nhanh chóng, tránh trường hợp khách hàng thực hiện khiếu nại hoặc khiếu kiện trong thời gian dài nhưng chậm được giải quyết.

Nếu không phòng ngừa sẽ lại xảy ra như ngân hàng SCB

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp), từ vụ việc của ngân hàng TMCP SCB cho thấy, điều quan trọng cần lưu ý là phải quan tâm đến thực trạng những “ông chủ” thực sự của các ngân hàng hiện nay, đồng thời phải xem xét các cổ đông cùng tham gia với ông chủ này.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu tại phiên họp.

Theo ông, cần tránh trường hợp người khác vay khó, còn cổ đông và ông chủ này lại vay rất dễ dàng. “Nếu chúng ta không kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn sẽ lại xảy ra trường hợp như SCB”, ông Hòa cảnh báo, đồng thời đề nghị Ngân hàng Nhà nước phải có trách nhiệm, quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, sở hữu chéo, chi phối và thao túng trong là các thủ thuật rất tinh vi và thường là vô hình. Tuy nhiên, với đối tượng vô hình và thường xuyên biến đổi này, ta lại dùng các công cụ như luật đang thiết kế (giảm tỷ lệ sở hữu cổ phẩn, giảm hạn mức cấp tín dụng và mở rộng đối tượng không được đảm nhiệm chức vụ), tức là ta đang lấy cái hữu hình để trị cái vô hình là không hiệu quả.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) phát biểu tại phiên họp.

“Tôi cho rằng cốt lõi của hệ thống ngân hàng Việt Nam nằm ở vấn đề quản trị. Để chống sở hữu chéo, thao túng, chi phối trong hệ thống ngân hàng thì yếu tố hàng đầu là phải xác định được cá nhân/tổ chức nào là chủ sở hữu thực sự của ngân hàng” – đại biểu Trịnh Xuân An nói.

Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, luật cần phải xây dựng khuôn khổ pháp lý nhằm xác định được cá nhân/tổ chức nắm quyền chi phối, ảnh hưởng đến việc ra quyết định trong hoạt động của ngân hàng. Từ việc nhờ đứng tên trong vụ SCB, cần quy định để nhận diện được như thế nào là “góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng dưới tên của cá nhân, pháp nhân khác”, đồng thời kiến nghị cần quy định để tránh các “ông bầu” hay các “madame” dựng nên để chi phối ngân hàng.

Phương Thủy

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/chua-thong-qua-luat-cac-to-chuc-tin-dung-sua-doi-tai-ky-hop-thu-6-i714783/