Chùa Trang Nghiêm thôn Phù Yên, xã Viên An, Ứng Hòa, Hà Nội
Chùa Trang Nghiêm có từ lâu đời mà cô không nắm rõ, chỉ biết sau kháng chiến chống Pháp, chùa gần như 'chỉ còn bãi đất trống', bà con trong vùng phục dựng từng giai đoạn để có nơi kính lễ, thờ tự.
Chùa Trang Nghiêm có từ lâu đời mà cô không nắm rõ, chỉ biết sau kháng chiến chống Pháp, chùa gần như “chỉ còn bãi đất trống”, bà con trong vùng phục dựng từng giai đoạn để có nơi kính lễ, thờ tự.
Dọc theo triền đê hướng Ba Thá đi Vác, từ chân dốc Thá (theo tôi quan sát) khi xuôi từ Phố Thá lên đê về Vác, đi khoảng 200-300 mét, phía bên phải bạn sẽ thấy bia đá vệ đường ghi hàng chữ: Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam – Chùa Trang Nghiêm – Thôn Phù Yên.
Đứng trên đê nhìn xuống chỉ thấy tường bao quanh bởi cây che phủ, khó hình dung. Chỉ khi theo lối nhỏ từ triền đê dẫn về chùa, dừng trước cổng chùa tôi mới ngỡ ngàng…
Cổng Tam Quan kiến trúc đơn giản, không đặt tầng gác mái nhưng thiết kế chạm khắc khá tinh xảo. Qua cổng Tam Quan, phía bên trái là Lầu Quán Âm lộ thiên, tôn tượng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát bằng đá nguyên khối ngự giữa hồ nước nhân tạo nhỏ.
Đứng từ sân trong trước cổng Tam Quan, nhìn theo hướng tay phải, xa xa cách chừng 50-70 mét là gian bếp. Thẳng từ cổng Tam Quan, qua sân lên bậc thềm, bên phải là gian thờ Tổ, bên trái là Chính Điện Tam Bảo. Trước thềm Chính Điện bên khoảng hậu viên (nếu từ cổng Tam Quan vào đi theo phía tay trái) sẽ thấy Tháp Tổ, gian thờ Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát.
Trước khi vào lễ Tam Bảo, tôi tới khoảng sân sau trước thềm Chính Điện chụp ảnh Tháp Tổ và ghi nhận vài khuôn hình bên ngoài Chính Điện: Chính Điện thiết kế một tầng gác mái, thềm và hai bên gắn trụ đá chạm khắc hoa văn rất đẹp. Giữa bậc thềm lên Chính Điện, nhà chùa đặt phiến đá to, hình hoa Sen tám cánh, hình chạm khắc theo tôi quan sát mô phỏng các Pháp khí Mật Tông. Ô cửa sổ chính hai bên tường Chính Điện không lắp cửa, mà bên trong khung tròn gỗ là “song cửa bằng đá” được thiết kế đơn giản mà tinh tế.
Vào thăm gian Chính Điện, các ban thờ tự được sắp đặt đơn giản, chính giữa là Ban Tam Bảo, bên phải đặt tôn tượng Ngài Hộ Pháp, ban thờ Đức Ông; bên trái đặt tôn tượng Ngài Hộ Pháp và ban thờ đức Thánh Hiền.
Khuôn viên chùa không quá rộng, từng thiết tầng kiến trúc được sắp đặt khéo léo vừa đảm bảo không gian thoáng đãng, vừa đủ các không gian thờ tự đảm bảo có chỗ hành lễ khi có khách đến thăm.
Gam màu chủ đạo nơi chùa Trang Nghiêm là màu vàng sậm (màu Thổ), màu vàng chanh và màu ngói nâu đỏ.
Tọa lạc ven triền đê, phương tiện giao thông qua lại nhiều, vậy mà bên trong chùa, không gian trang tịnh lạ. Đúng như tên gọi: Chùa Trang Nghiêm, về chùa người lữ khách cảm nhận vẻ tôn nghiêm, thanh tịnh mà tự biết chỉnh trang trang phục, điều hòa hơi thở, lắng đọng thân tâm đảm bảo giữ nét uy nghiêm người phật tử.
Lễ Tam Bảo xong, nán lại thăm quan thêm chút, tôi được cô Nguyễn Thị Tịnh (pháp danh Diệu Lành) mời ngồi lại uống nước, nghỉ ngơi. Cũng may, Thầy trụ trì Thích Đạo Tĩnh có nhà, dù Thầy tất bật sửa điện nước ở hậu viên nhưng tôi cũng kịp đảnh lễ, vấn an Thầy.
Qua trò chuyện, thăm hỏi từ cô Diệu Lành, được biết chùa Trang Nghiêm có từ lâu đời mà cô không nắm rõ, chỉ biết sau kháng chiến chống Pháp, chùa gần như “chỉ còn bãi đất trống”, bà con trong vùng phục dựng từng chút đảm bảo có nơi kính lễ, thờ tự. Rồi hơn 12 năm, khi có Thầy về, Thầy chăm chút, một tay dựng xây nên chùa Trang Nghiêm ngày nay.
Buổi chiều hàng ngày, cô Tịnh về chùa dâng hương các ban và thỉnh chuông lúc 17h. Chùa cũng có đạo tràng khoảng 20 bà con phật tử buổi tối hàng ngày về chùa tu học, tụng Kinh.
Cô Tịnh bén duyên đạo Phật, phát tâm ăn chay trường gần 10 năm rồi, hoan hỷ thay, cô gieo duyên các con, các cháu cùng nương về Tam Bảo, nương theo giáo lý Phật Đà mong cầu cuộc sống tốt đẹp hơn. Cô Tịnh chia sẻ: Nhân duyên về chùa, được Quy Y Tam Bảo, hàng ngày về chùa chấp tác, thỉnh chuông, bên câu Kinh tiếng Kệ, cô ngày thêm cảm nhận cảnh sống thanh nhàn, ăn uống thanh đạm mà vẫn đảm bảo sức khỏe.
Đã từ lâu, cô không còn thấy áp lực cuộc sống phải lo làm ăn, bon chen mưu sinh nữa. Các con đều đã trưởng thành, các cháu ngày thêm khôn lớn, cuộc sống gia đình cô êm đềm từng ngày, có lẽ nhờ phước báu nơi cô, con cháu cũng từng ngày thẩm thấu, trưởng dưỡng Tâm Bồ Đề dù không về chùa nhiều như Cô. Thật đáng quý, đáng trân trọng!
Có dịp về Ứng Hòa, tới xã Viên An, bạn đừng quên dừng chân bên triền đê, có ngôi chùa Trang Nghiêm, thanh bình đến thế…
Tác giả: Cư sĩ Chánh Thường
PDF PRINT
Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/tham-chua-trang-nghiem-ha-noi.html