Chuẩn hóa giáo viên, đánh giá thực chất kết quả đào tạo

Cùng với nhiệm vụ đào tạo hạ sĩ quan chỉ huy, nhân viên chuyên môn kỹ thuật và huấn luyện sĩ quan dự bị, năm 2020, Trường Quân sự Quân đoàn 4 tiếp tục được giao nhiệm vụ giáo dục quốc phòng, an ninh cho sinh viên 31 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhà trường tập trung đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, đánh giá thực chất kết quả thi, kiểm tra, làm cơ sở nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo (GD-ĐT).

Chuẩn hóa giáo viên

Buổi giảng mẫu ở Khoa Binh chủng hợp thành có sự tham gia của đại diện các tổ bộ môn và một số giáo viên giàu kinh nghiệm, từng đạt danh hiệu Giáo viên giỏi cấp Bộ Quốc phòng và cấp trường. Người đảm nhiệm giảng mẫu là Thiếu tá Lê Văn Bản (Tổ bộ môn Kỹ thuật chiến đấu bộ binh) với nội dung nguyên lý bắn và quy tắc bắn súng bộ binh. Quá trình phân tích nguyên lý, giáo viên kết hợp nhuần nhuyễn với mô hình, tranh vẽ và sử dụng máy chiếu minh họa hình ảnh giúp bài giảng thêm sinh động, dễ hiểu... Kết thúc nội dung giảng mẫu, chỉ huy khoa và cán bộ các tổ đóng góp ý kiến, rút kinh nghiệm, thống nhất nội dung, phương pháp giảng theo từng bộ môn để bảo đảm sát thực, phù hợp chuyên ngành đào tạo.

Đại tá Nguyễn Trọng Mai, Trưởng khoa Binh chủng hợp thành, cho biết: “Đây là một trong những nội dung hoạt động ngày phương pháp để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm cho đội ngũ giáo viên. Chúng tôi duy trì đều đặn chế độ bình giảng, thông qua bài, dự giờ, giảng mẫu...; đồng thời tăng cường hội thao và khuyến khích giáo viên tham gia thi giáo viên giỏi để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng xử trí tình huống, đáp ứng tốt yêu cầu giảng dạy”.

 Lãnh đạo Trường Quân sự Quân đoàn 4 kiểm tra học viên trước giờ thi.

Lãnh đạo Trường Quân sự Quân đoàn 4 kiểm tra học viên trước giờ thi.

Để chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, nhà trường chủ động từ khâu tuyển chọn cán bộ ở đơn vị cơ sở có đủ các yếu tố cần thiết của người thầy, bố trí về các khoa, tổ bộ môn phù hợp sở trường và chuyên ngành đào tạo; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, phân công giáo viên giàu kinh nghiệm kèm cặp, tiến hành kiểm tra giảng thử đạt kết quả khá trở lên mới giao bài cho giáo viên giảng dạy. Mấy năm nay, nhà trường còn phối hợp mở các lớp đào tạo ngoại ngữ, tin học, chứng chỉ sư phạm cho cán bộ, giáo viên. Hiện nay, đội ngũ giáo viên của nhà trường, 100% có chứng chỉ sư phạm, nhiều đồng chí đang theo học chương trình đào tạo tiếng Anh để nâng cao trình độ.

Theo Thượng tá Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng phòng Đào tạo, cùng với bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, phòng đã tham mưu cho ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo phát động phong trào nghiên cứu khoa học, cải tiến mô hình học cụ ứng dụng vào giảng dạy, công tác. Trung bình mỗi năm, nhà trường có từ 12 đến 14 đề tài, sáng kiến được nghiệm thu; trong đó, khối khoa giáo viên có đóng góp tích cực trong thành tích nghiên cứu khoa học của nhà trường.

Đổi mới công tác đánh giá kết quả

Đại tá Lê Văn Hạnh, Hiệu trưởng Trường Quân sự Quân đoàn 4, chia sẻ: “Thực hiện mục tiêu đổi mới chương trình, nội dung, quy trình đào tạo, đặc biệt là chủ trương đột phá nâng cao chất lượng GD-ĐT, nhà trường quyết liệt triển khai học thực chất, thi thực chất; tổ chức chặt chẽ việc biên soạn “ngân hàng đề thi”, đưa phần thi trắc nghiệm vào đề thi, kiểm tra với nội dung đa dạng, sát thực tế ở nhiều chuyên ngành, bộ môn để đánh giá thực chất kết quả dạy, học; đồng thời bám sát nhu cầu thực tế của đơn vị cơ sở để điều chỉnh nội dung, chương trình GD-ĐT phù hợp”. Theo đó, hằng năm, nhà trường tổ chức khảo sát chất lượng học viên ra trường, công tác tại các đơn vị để nắm chắc mạnh-yếu; tiếp thu thông tin phản hồi của chỉ huy các đơn vị, từ đó thống nhất nội dung tập huấn đầu năm cho cán bộ, giáo viên và điều chỉnh, chuẩn hóa chương trình đào tạo cho các đối tượng. “Ngân hàng đề thi” luôn được bổ sung, cập nhật, tăng câu hỏi tích hợp, hoàn thiện kỹ thuật, quản lý chặt chẽ theo đúng quy định. Diễn tập cuối khóa sát với điều kiện chiến đấu và thực tiễn chiến trường...

Công tác kiểm tra, thanh tra chất lượng GD-ĐT cũng được nhà trường coi trọng. Tất cả đối tượng tham gia học tập đều phải kiểm tra ngay sau khi kết thúc chương trình, kể cả tập huấn, bồi dưỡng, học tại chức của cán bộ, giáo viên. Với học viên đào tạo hạ sĩ quan chỉ huy, nhân viên chuyên môn kỹ thuật, việc kiểm tra, đánh giá kết quả hướng tới sự phát triển phẩm chất, năng lực của người học; chú trọng đánh giá thường xuyên, đa dạng hóa các hình thức và công cụ đánh giá. Riêng với đối tượng sinh viên các trường đại học, cao đẳng, quá trình huấn luyện và thi, kiểm tra còn được mở rộng theo hướng gợi mở, định hướng nhận thức, trách nhiệm của công dân đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...

Để đánh giá thực chất kết quả GD-ĐT, nhà trường đã ban hành quy chế tuyển chọn đầu vào và chuẩn đầu ra, áp dụng phù hợp với từng đối tượng; đồng thời bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ dạy, học thường xuyên, đặc biệt là phục vụ thi, kiểm tra trên thao trường và giảng đường thực sự khách quan, trung thực, tránh mọi biểu hiện tiêu cực. Nhờ đó, nhiều năm qua, các khóa học viên của nhà trường tốt nghiệp đều đạt chất lượng tốt, hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao ở đơn vị cơ sở.

Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH - CƯỜNG NINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/chuan-hoa-giao-vien-danh-gia-thuc-chat-ket-qua-dao-tao-635134