Chứng khoán không ngại 'bóng ma' lạm phát
Tuần qua thị trường chứng khoán (TTCK) toàn cầu rúng động với số liệu giá tiêu dùng ở Mỹ trong tháng 4 tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 9-2008. Trong nước, lãi suất liên ngân hàng vọt lên mức cao nhất 2 tháng. Tuy nhiên thước đo của TTCK là VN Index vẫn chưa có phản ứng gì đặc biệt, vẫn tiếp tục ghi nhận một tuần tăng.
Làn sóng lạm phát chưa lan đến Việt Nam?
TTCK Mỹ rúng động với một phiên sụt giảm gần 2% ở chỉ số DJA, giảm 2,2% ở chỉ số S&P500, còn Nasdaq giảm gần 2,7% hôm 12-5. Lý do chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của nước này tăng 4,2% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mức dự báo tăng 3,6% mà giới phân tích đưa ra trước đó. Nếu so với tháng 3, CPI tăng 0,8%, so với dự báo tăng 0,2%.
Không tính giá năng lượng và thực phẩm, CPI lõi tháng 4 của Mỹ tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,9% so với tháng trước, cao hơn nhiều so với các mức dự báo tương ứng là tăng 2,3% và 0,3%. Đây là mức tăng hàng tháng lớn nhất của CPI lõi ở Mỹ kể từ năm 1981. Lạm phát tăng cao được cho là sẽ quyết định thời điểm Fed nâng lãi suất sớm hơn và ảnh hưởng tới khả năng tung ra gói chi tiêu 4.000 tỷ USD mới.
Trong khi đó số liệu CPI của Việt Nam tháng 4-2021 vừa công bố lại giảm 0,04% so với tháng 3 và tăng 1,27% so với cuối năm 2020. So với cùng kỳ tháng 4-2020 cũng chỉ tăng 2,7%. Điều này có thể làm an tâm phần nào, rằng áp lực lạm phát trên thế giới chưa lan tới Việt Nam.
Điều khá bất ngờ là cơn sốt giá hàng hóa, nguyên liệu đã bùng nổ từ sớm mà tiêu biểu là giá sắt thép, giá đồng, giá xăng dầu. Thế nhưng trong tháng 4 vừa qua CPI của Việt Nam lại giảm. Đặc biệt trong cơ cấu CPI, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng lại giảm 0,43% so với tháng trước.
Lý giải điều này, Tổng cục Thống kê cho biết trong nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng, nhóm vật liệu bảo dưỡng nhà ở bao gồm xi măng, sắt thép, đá, cát được tính trong CPI tăng 1,12% so với tháng 3-2021, tăng 2,78% so với cùng kỳ, nhưng nhóm hàng này có quyền số tính CPI hay tỷ trọng chi tiêu trong tổng chi tiêu của dân cư là 2,03% nên chỉ tác động làm tăng CPI chung 0,02%.
Các công ty chứng khoán (CTCK) đều cho rằng lạm phát năm 2020 đã ghi nhận nền thấp trong tháng 5, do đó có thể tạo ra thách thức nhất định cho lạm phát các tháng tiếp theo của năm 2021.
CTCK Agriseco nhận định áp lực lạm phát vẫn cao khi giá hàng hóa tăng vọt ở một số nhóm mặt hàng nhất định, gây sức ép lên việc thu mua nguyên vật liệu cơ bản của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm xây dựng. Cần lưu ý lạm phát và lãi suất có thể sẽ nhích dần lên trong thời gian tới.
CTCK BSC thì ước tính CPI so với cùng kỳ ở thời điểm cuối quý II sẽ đạt mức 3,1-3,4% do giá dầu năm 2020 trong quý II ở vùng giá thấp và giá thịt lợn nhiều khả năng duy trì tại vùng giá hiện tại. Ước tính này dựa trên giả định giá thịt lợn dao động trong vùng giá 70.000-80.000 đồng/kg; giá dầu Brent dao động trong vùng 60-65 USD/thùng; giá điện dự tính có thể tăng trong quý II do nhu cầu điện tăng cao vào đỉnh điểm giai đoạn nắng nóng và sản xuất hàng hóa.
Báo cáo mới nhất công bố đầu tháng 5-2021 của IHS Markit-tổ chức công bố Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng PMI của Việt Nam - xác nhận tình trạng khan hiếm nguồn cung và chi phí vận chuyển tăng tiếp tục làm giá cả đầu vào tăng. Mức độ tăng chi phí vẫn lớn và chỉ chậm hơn một chút so với tháng 3.
Về phần mình, các công ty sản xuất tăng mạnh giá bán hàng, với tốc độ tăng giá nhanh hơn và trở thành mức nhanh nhất trong gần một thập niên. Điều này cũng tương đồng với lo ngại của CTCK Rồng Việt trong báo cáo mới nhất cho rằng lạm phát do chi phí đẩy là mối quan ngại chính trong nửa cuối năm 2021.
Dòng tiền mới không lo lạm phát?
Tháng 4-2021 vừa ghi nhận thêm một lớp nhà đầu tư (NĐT) mới tham gia TTCK. Thêm 110.655 tài khoản được mở mới trong tháng này, trong đó NĐT cá nhân trong nước mở 109.998 tài khoản, chiếm 99%. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp trong lịch sử ghi nhận NĐT cá nhân trong nước mở trên 100.000 tài khoản.
Thị trường tăng quy mô thanh khoản trong thời gian ngắn làm thay đổi tương quan cung cầu và giúp giá cổ phiếu tăng. Ngoài các yếu tố cơ bản hỗ trợ TTCK như doanh nghiệp đạt kết quả kinh doanh tốt, tăng trưởng kinh tế vĩ mô cao, lạm phát vẫn được kiềm chế trong vùng hợp lý, ít nhất là năm 2021, thì dòng tiền lớn hơn trong thị trường là nguyên nhân quan trọng thúc đẩy thị trường tăng trưởng.
Thậm chí dòng vốn của NĐT cá nhân còn đủ lớn để thay đổi tương quan cơ cấu dòng vốn trên thị trường. Số liệu nghiên cứu của FiinGroup cho thấy trong 4 năm từ 2017 đến 2020, trung bình tỷ trọng giao dịch của NĐT cá nhân khoảng 74,8% thị trường.
Riêng quý I-2021, tỷ trọng đã lên tới trên 82%. NĐT nước ngoài sụt giảm tỷ trọng giao dịch từ trung bình 15,5% trong 4 năm tụt xuống còn dưới 10% trong quý I-2021. Tổ chức trong nước giao dịch chỉ còn 8% trong quý I-2021.
Các tổ chức đầu tư (trong và ngoài nước) thường có chiến lược đầu tư cơ bản hơn, quan tâm tới nắm giữ dài hạn và do đó, yếu tố vĩ mô đóng vai trò quan trọng. Đối với NĐT cá nhân, yếu tố biến động giá ngắn hạn, đầu cơ lại quan trọng hơn. Khi sức mạnh của dòng vốn đầu cơ cá nhân ngày càng chiếm ưu thế thì biến động thị trường ngắn hạn cũng không phản ứng nhạy cảm với các rủi ro vĩ mô.
Tuy vậy, yếu tố lạm phát có liên quan trực tiếp đến dòng vốn trên thị trường mà NĐT cá nhân cũng không tránh khỏi tác động, là chi phí vốn sẽ tăng lên. Lạm phát tăng cũng kéo theo lãi suất không thể duy trì ở mức thấp và lãi suất sử dụng margin sẽ tăng lên.
Mặt khác, việc dòng vốn đang đổ mạnh vào chứng khoán cũng một phần vì cá nhân không muốn hưởng mức lãi suất tiết kiệm quá bèo bọt.
Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/chung-khoan/chung-khoan-khong-ngai-bong-ma-lam-phat-91135.html