Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới dù Fed bắt đầu thắt chặt, giá dầu giảm mạnh
Các chỉ số nới rộng mức tăng một cách vững chắc sau khi tuyên bố của Fed được đưa ra, dù thị trường đã giảm điểm vào đầu phiên...
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa ở mức cao kỷ lục mới trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (3/11), sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra tuyên bố được kỳ vọng từ lâu về cắt giảm chương trình mua tài sản được triển khai kể từ khi đại dịch bắt đầu. Giá dầu thô có một phiên giảm mạnh do lượng dầu tồn kho của Mỹ tăng vượt dự báo.
Kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày, Fed cho biết sẽ bắt đầu cắt giảm chương trình mua trái phiếu, hay còn gọi là nới lỏng định lượng (QE) 120 tỷ USD mỗi tháng, ngay trong tháng 11 này. Đây là chương trình Fed đã thực thi kể từ khi Covid-19 trở thành đại dịch toàn cầu nhằm trợ lực cho nền kinh tế. Fed nhắc lại quan điểm rằng ngân hàng trung ương này sẽ không vội nâng lãi suất sau khi kết thúc QE vào năm tới.
Các chỉ số nới rộng mức tăng một cách vững chắc sau khi tuyên bố trên được đưa ra, dù thị trường đã giảm điểm vào đầu phiên. Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,29%, đạt 36.157,58 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,65%, đạt 4.660,57 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1%, đạt 15.811,58 điểm.
Đây là mức điểm đóng cửa cao chưa từng thấy của cả ba chỉ số, đồng thời là phiên thứ tư liên tiếp cả ba chỉ số cùng chốt ở mức kỷ lục mới.
Chỉ số Russell 2000 của các cổ phiếu vốn hóa nhỏ tăng 1,8%, đạt 2.404,28 điểm, cũng là một mức kỷ lục. Tuần này, chỉ số đã tăng 4,7%.
S&P 500 "bốc đầu" sau tuyên bố của Fed đưa ra lúc 2h chiều ngày 3/11 theo giờ New York.
Với tốc độ cắt giảm 15 tỷ USD mỗi tháng, chương trình mua tài sản của Fed dự kiến sẽ kết thúc vào giữa năm tới. Điều này không nằm ngoài dự báo trước đó của thị trường. Tuy nhiên, Fed cho biết sẵn sàng điều chỉnh quy mô của chương trình nếu triển vọng kinh tế có sự thay đổi. Ngoài ra, Fed giữ nguyên quan điểm rằng lạm phát tăng cao ở Mỹ chỉ là vấn đề tạm thời.
“Việc họ tiếp tục nói lạm phát là tạm thời cho thấy họ sẽ tiếp tục giữ lãi suất ở mức thấp trong một thời gian dài nữa”, chuyên gia Michael Arone của State Street Global Advisors phát biểu.
Lãi suất tham chiếu cho vay qua đêm được Fed giữ nguyên ở khoảng 0-0,25% trong lần họp này.
“Cuộc họp này của Fed không gây bất ngờ. Họ không thể tính chuyện đẩy nhanh kế hoạch nâng lãi suất vì làm vậy sẽ khiến tăng trưởng giảm tốc, vì hiệu ứng cơ sở so sánh thấp của tăng trưởng đã không còn”, CEO Mark Yusko của Morgan Creek Capital Management nhận định.
Phiên này, thị trường còn đón nhận báo cáo tài chính quý 3 của một loạt doanh nghiệp lớn, trong đó có nhiều công ty đưa ra doanh thu và lợi nhuận tốt hơn dự báo. Cổ phiếu Lyft tăng 8,2% nhờ kết quả kinh doanh khả quan. Tương tự, cổ phiếu CVS Health tăng 5,7%.
Một mùa báo cáo tài chính rực rỡ là nhân tố chính đưa chứng khoán Mỹ lên những mức kỷ lục mới thời gian gần đây. Trong số các công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo tính đến thời điểm này, 80,9% đưa ra kết quả vượt dự báo, theo số liệu từ FactSet. Kết quả khả quan này có được bất chấp loạt thách thức gồm gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu lao động, giá vật tư leo thang, và những rủi ro về Covid.
Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London đóng cửa giảm 2,41 USD/thùng, tương đương giảm 2,8%, còn 82,33 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 2,74 USD/thùng, tương đương giảm 3,3%, còn 81,17 USD/thùng.
Dầu giảm giá sau khi số liệu mới nhất từ Mỹ cho thấy lượng dầu thô tồn kho của nước này tăng 3,3 triệu thùng trong tuần trước, một mức tăng vượt dự báo, dù dự trữ xăng giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm.
Phát biểu khi dự thượng đỉnh khí hậu ở Glasgow, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) không nâng sản lượng dầu mạnh hơn là nguyên nhân chính khiến giá xăng dầu tăng cao. Chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây, giá xăng bán lẻ bình quân trên toàn quốc ở Mỹ đã tăng khoảng 6%, lên mức 3,4 USD/gallon.
Cuộc họp về sản lượng của OPEC+, liên minh giữa OPEC với một số thành viên ngoài khối, sẽ diễn ra vào ngày 4/11.
Đã có một số dấu hiệu cho thấy giá dầu tăng cao khuyến khích các hãng dầu khí khai thác mạnh hơn. Hãng BP hôm thứ Ba cho biết sẽ tăng mức đầu tư vào khai thác dầu khí đá phiến ở Mỹ trong năm 2022 lên 1,5 tỷ USD, từ mức 1 tỷ USD của năm nay.
Tổng sản lượng khai thác dầu của Mỹ hiện đạt bình quân 11,5 tỷ thùng/ngày, cao nhất từ đầu năm.