Chứng khoán Mỹ tăng nhẹ sau bài phát biểu của Fed
Chứng khoán Mỹ đã có một phiên giao dịch đầy biến động vào 25/8 khi các nhà đầu tư nghiền ngẫm bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell về lộ trình lãi suất sắp tới…
Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones tăng 247,48 điểm (+0,73%) lên 34.346,9 điểm, S&P 500 thêm 29,4 điểm (+0,67%) thành 4.405,71 điểm và Nasdaq Composite nhận 126,67 điểm (+0,94%) lên 13.590,65 điểm.
Các chỉ số chính của Mỹ bắt đầu phiên giao dịch với đà tăng vững chắc, nhưng sau đó đã có diễn biến tăng giảm xen kẽ trong phần lớn thời gian của phiên.
Tất cả các lĩnh vực chính của S&P 500 đều đóng cửa với sắc xanh, trong đó hàng tiêu dùng thiết yếu, công nghệ và năng lượng nằm trong số những lĩnh vực tăng giá nhiều nhất.
S&P 500 và Nasdaq cũng kết thúc tuần ở mức cao hơn, Nasdaq tăng khoảng 2,3% và chấm dứt chuỗi 3 tuần thua lỗ.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng trở lại do dự đoán về khả năng lãi suất cao trong thời gian dài hơn, với lãi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm nhanh chóng chạm gần mức cao nhất trong chu kỳ là 5,12%. Cổ phiếu công nghệ chịu áp lực từ trái phiếu kho bạc, khiến Google và Meta, vốn có mức định giá cao, trở nên kém hấp dẫn hơn.
Marvell Technology Inc đóng cửa giảm hơn 6%, hạn chế đà tăng của ngành bán dẫn mặc dù báo cáo kết quả hàng quý cao hơn ước tính của Phố Wall nhờ vào triển vọng lạc quan về AI.
Hawaiian Electric Industries, vốn đang bị giám sát chặt chẽ về các trách nhiệm liên đới trong vụ cháy rừng ở Hawaii, đã trượt dốc 18,5% sau khi quận Maui chính thức đâm đơn kiện công ty điện lực.
Trong lĩnh vực bán lẻ, cổ phiếu Gap đã tăng 7,2% sau khi công ty vượt qua ước tính lợi nhuận quý hai, trong khi Nordstrom lại giảm 7,7% vì chuỗi trung tâm thương mại không thay đổi dự báo.
Cổ phiếu của Hostess Brands leo vọt 21,7% nhờ vào tin tức cho rằng nhà sản xuất đồ ăn nhẹ Twinkies đang cân nhắc một đợt bán lại.
Khối lượng giao dịch trên các sàn giao dịch của Mỹ là 9,15 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 10,82 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.
Về khía cạnh kinh tế, trong bài phát biểu tại Hội nghị chuyên đề chính sách kinh tế ở Jackson Hole (Mỹ), chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận áp lực lạm phát đã giảm bớt một chút nhưng vẫn còn xa so với mục tiêu 2%, do đó, khả năng tiếp tục tăng lãi suất là hoàn toàn khả thi.
Các dự đoán về việc tăng lãi suất vào tháng 11 đã tăng so với một ngày trước đó, theo công cụ FedWatch của CME Group.
“Chủ tịch Powell ngỏ ý hài lòng với tiến triển của chính sách tiền tệ và xu hướng lạm phát đang giảm dần. Nhưng ông ấy vẫn giữ vững quan điểm rằng Fed cần theo dõi sát sao tình hình kinh tế và tiếp tục thực hiện các công việc phải làm để đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%”, ông Michael Arone chiến lược gia đầu tư trưởng tại State Street Global Advisors cho biết.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô tiếp tục phục hồi trong ngày thứ hai nhưng mức tăng đó là chưa đủ để bù đắp khoản lỗ từ đầu tuần.
Chốt phiên giao dịch 25/8, dầu thô WTI tăng 78 cent, tương đương 1%, ở mức 79,83 USD/thùng. Tuy nhiên, WTI vẫn ở dưới mốc quan trọng 80 USD/thùng. Kết thúc tuần, WTI giảm 1,7%, kéo dài mức trượt dốc 2,3% của tuần trước.
Trước đó, WTI đã ghi nhận bảy tuần tăng liên tiếp lên đến gần 20%.
Cùng ngày, dầu thô Brent tăng 1,12 USD, tương đương 1,3%, ở mức 84,48 USD/thùng. So với WTI, mức giảm trong tuần hiện tại của Brent khiêm tốn hơn nhiều, chỉ vào khoảng 0,4%.
Trước đó, dầu Brent cũng tăng tổng cộng 18% trong bảy tuần liên tiếp.
“Giá dầu phục hồi một chút vào cuối tuần sau khi đã chịu một số áp lực trong tháng này. Việc cắt giảm nguồn cung từ OPEC+ tiếp tục hỗ trợ thị trường nhưng sự không chắc chắn về triển vọng kinh tế toàn cầu – ví dụ như sự phục hồi chậm chạp ở Trung Quốc, khả năng suy thoái ở Mỹ và châu Âu – đang phần nào đè nặng lên tâm lý thị trường”, ông Craig Erlam, nhà phân tích tại nền tảng giao dịch trực tuyến OANDA nhận xét.