Chứng khoán Rồng Việt lên kế hoạch huy động 700 tỷ đồng trái phiếu
Sau phát hành, nợ phải trả của VDSC có thể nâng lên cao gần gấp đôi vốn chủ sở hữu. Quy định mới sắp tới sẽ cho phép tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu nới từ 2 lên 5 lần.
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm 2021 với tổng giá trị trái phiếu chào bán là 700 tỷ đồng. Trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo và có kỳ hạn 1 năm. Lãi suất cố định và tối đa là 9,3%/năm. Công ty chứng khoán này sẽ thanh toán tiền lãi định kỳ mỗi 1 hoặc 3 tháng.
VDSC dự tính chia thành 4 đợt phát hành nhỏ, thực hiện tối đa không quá 12 tháng kể từ ngày phát hành của đợt chào bán đầu tiên. Trong đó, tại đợt đầu, VDSC dự kiến phát hành từ ngày 17/2 với lượng trái phiếu chào bán trị giá 250 tỷ đồng. Theo kế hoạch, các đợt sau lần lượt tiến hành vào tháng 3-5/2021.
Do phát hành theo hình thức riêng lẻ, theo quy định của Luật Chứng khoán mới, VDSC sẽ chào bán cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Tùy thuộc vào tình hình kinh doanh và khả năng vốn, VDSC có thể mua lại. Sau 6 tháng kể từ ngày phát hành, trái chủ được quyền yêu cầu tổ chức phát hành mua lại 50% số lượng trái phiếu đã phát hành.
Tổng số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán (700 tỷ đồng) sẽ được cân đối sử dụng cho các hoạt động giao dịch ký quỹ, tự doanh/bảo lãnh phát hành, tham gia hoạt động thị trường trái phiếu tùy theo điều kiện thị trường.
Trong năm 2020, kênh huy động vốn qua trái phiếu cũng đã được VDSC mạnh tay triển khai và đều lựa chọn kỳ hạn ngắn. Đến cuối năm 2020, dư nợ trái phiếu ngắn hạn của công ty đã tăng gấp rưỡi từ 880 tỷ đồng lên gần 1.207 tỷ đồng. Trong đó, huy động từ các nhà đầu tư cá nhân.
VDSC không sử dụng nhiều kênh tín dụng ngân hàng. Nguồn vốn vay từ trái phiếu chiếm tới 86% nguồn vốn nợ và 47% tổng nguồn vốn của công ty chứng khoán này. Trong trường hợp các khoản nợ cũ chưa đến thời điểm đáo hạn, khoản nợ trái phiếu phát hành lần này có thể đẩy tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu của VDSC quanh mức 2 lần. Đây là giới hạn tối đa theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, theo quy định Thông tư số 121/2020/TT-BTC có hiệu lực từ 15/2, tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu của công ty chứng khoán không được vượt quá 5 lần. Giá trị tổng nợ theo quy định này không bao gồm các khoản: tiền gửi giao dịch chứng khoán của khách hàng; quỹ khen thưởng phúc lợi, dự phòng trợ cấp mất việc làm hay các khoản dự phòng bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư.
VDSC bổ nhiệm tổng giám đốc mới
Chứng khoán Rồng Việt vừa bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Thu Huyền vào vị trí Tổng giám đốc từ ngày 8/2 thay cho ông Nguyễn Hiếu, người tham gia Rồng Việt từ những ngày đầu và có gần 9 năm điều hành hoạt động.
Bà Huyền sinh năm 1979, tốt nghiệp ĐH Kinh tế Quốc dân và có 19 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chứng khoán. Bà tham gia Rồng Việt từ đầu năm 2007, trải qua nhiều vị trí như Trưởng phòng giao dịch, Phó giám đốc và Giám đốc khối dịch vụ chứng khoán. Bà được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc cách đây bốn năm. Ông Hiếu vẫn là nhân sự cấp cao của công ty với vai trò Thành viên Hội đồng quản trị.