Chung tay đưa nông sản sạch đến người tiêu dùng

Hơn 1 năm “thuần hóa” thành công nhiều giống cây nhập ngoại trên vùng đất bãi Hồng Châu, huyện Yên Lạc đem lại hiệu quả kinh tế cao, mới đây, anh Nguyễn Phí Năng, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư nông nghiệp và xây dựng Hoài Băng đã nhân rộng mô hình dưa leo Nhật Bản ứng dụng công nghệ cao tại xã Tam Hồng, huyện Yên Lạc, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, cung ứng nguồn nông sản sạch đến người tiêu dùng.

Công ty TNNHH Đầu tư nông nghiệp và xây dựng Hoài Băng, xã Tam Hồng (Yên Lạc) không ngừng mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao góp phần cung ứng cho thị trường nguồn nông sản sạch.

Công ty TNNHH Đầu tư nông nghiệp và xây dựng Hoài Băng, xã Tam Hồng (Yên Lạc) không ngừng mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao góp phần cung ứng cho thị trường nguồn nông sản sạch.

Tốt nghiệp khoa kinh tế nông nghiệp, Trường đại học Nông nghiệp Hà Nội, sau nhiều năm bươn trải với ngành xây dựng cùng với thành công cũng không ít thất bại, năm 2018, với niềm đam mê nông nghiệp từ nhỏ trỗi dậy, anh Năng và một số người bạn nảy sinh ý tưởng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Sau nhiều lần tìm hiểu, tham quan, học hỏi và tích lũy kinh nghiệm từ những mô hình hiệu quả, anh đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt, trồng các giống cây nhập ngoại như dưa ichiba Nhật Bản, dưa lê Hàn Quốc, dưa chuột Nhật, dâu tây… đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhận thấy ở quê nhà, nhiều diện tích đất nông nghiệp bị bỏ trắng; nếu trồng rau, củ, quả ứng dụng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGap, sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh, đầu năm 2021, anh Năng cùng cộng sự đầu tư hơn 3 tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà màng, kết hợp công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel trồng dưa Ichiba Nhật Bản, dưa lê Hàn Quốc, dưa lê Miky 222 và dưa lê vàng ML39… với diện tích trên 5.000 m2.

Đây là những giống dưa ngoại nổi tiếng của đất nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan, được nhiều người tiêu dùng Việt ưa chuộng và tin dùng bởi vị ngọt, giòn, thơm và giàu chất dinh dưỡng.

Anh năng cho biết: Kỹ thuật trồng, chăm sóc các giống dưa trên không hề đơn giản, phải tỉ mỉ. Cùng với hệ thống nhà màng, tưới nhỏ giọt và trồng trên giá thể để hạn chế mưa, sương, ngăn sâu bệnh, không phụ thuộc vào đồng đất, thời tiết, mùa vụ, thì trong quá trình canh tác, chúng tôi "nói không" với thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích và thay vào đó là phân bón vi sinh góp phần nâng cao hiệu quả, đảm bảo an toàn.

Nhờ đó, sau hơn 3 tháng trồng, chăm sóc và thu hoạch với 5.000 m2, doanh thu đạt trên 450 triệu đồng.

Phát huy kết quả đạt được, góp phần cung ứng nông sản sạch cho người tiêu dùng, vừa qua, anh Năng đã thu gom tích tụ ruộng đất của bà con nông dân và đầu tư hơn 1 tỷ đồng, xây dựng thêm 2.000 m2 nhà màng tại xã Tam Hồng trồng trên 6.000 gốc dưa leo baby Nhật- Kami 98 ứng dụng công nghệ cao và thành lập Công ty TNHH Đầu tư nông nghiệp và xây dựng Hoài Băng.

Đây là dòng dưa trinh sinh tự thụ phấn, có phổ chịu nhiệt rộng, chịu nóng và chịu lạnh tốt, rất phù hợp trồng trong nhà màng; thời gian thu hoạch khoảng 30-35 ngày sau khi trồng; quả có màu xanh đậm, đặc ruột, giòn, ngon, năng suất cao.

Sau gần 20 ngày trồng và chăm sóc, cây sinh trưởng và phát triển tốt. Dự kiến, giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần cho thu hoạch, giá bán từ 16-20 nghìn đồng/kg, doanh thu ước đạt 120-150 triệu đồng/vụ.

Trong bối cảnh chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu, nhiệt độ thay đổi thất thường như hiện nay thì nhà màng, hệ thống tưới nhỏ giọt, kỹ thuật chăm sóc là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả cây trồng.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt các giống cây nhập ngoại không hề đơn giản, đòi hỏi người trồng phải có kinh nghiệm, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chăm sóc tỉ mẩn.

Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cũng khá cao, người trồng phải kiên trì, chịu khó học hỏi. Hiện, công ty đang tạo việc làm ổn định cho 3 lao động và một số lao động thời vụ, thu nhập 200 nghìn đồng/người/ngày.

Với mong muốn thay đổi thói quen sản xuất nông nghiệp truyền thống, tránh lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật và góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh, thời gian tới, cùng với việc tập trung chăm sóc hơn 6.000 gốc dưa Kami 98 để cung ứng cho thị trường dịp trước và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, công ty sẽ tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ, quy mô sản xuất để nhiều người tiêu dùng đón nhận thêm những sản phẩm sạch của công ty.

Dự kiến, sau khi mở rộng thêm 3.000 m2 diện tích nhà màng, công ty sẽ trồng thêm một số giống dưa lê Hàn Quốc, dưa lưới Nhật Bản, dưa kim Hoàng hậu, phấn đấu 1 năm có 2 vụ dưa leo, 2 vụ dưa lưới và dưa lê…

Đồng thời, trồng thêm một vài loại cây độc lạ như dâu tây, nho, bí ngô mặt trời để thu hút khách du lịch trải nghiệm mô hình, tiến tới phát triển du lịch canh nông với sản xuất nông nghiệp, vừa giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, vừa giúp người dân thư giãn, trải nghiệm và thưởng thức rau, củ, quả sạch.

Bài, ảnh: Hồng Tính

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/73018/chung-tay-dua-nong-san-sach-den-nguoi-tieu-dung.html