Chung tay hiện thực hóa ước mơ xóa phòng học tạm, kiên cố hóa 100% trường lớp
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), trong 10 năm qua, tổng kinh phía đầu tư xã hội hóa để xây dựng trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên ước tính trên 33.000 tỷ đồng, xây dựng khoảng 36.000 phòng học và 1.300 phòng công vụ.
Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, chủ trương xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục nhằm thực hiện kiên cố hóa trường lớp của Đảng và Nhà nước ta là vô cùng đúng đắn. Với sự chung sức của toàn xã hội, ngành Giáo dục phấn đấu đặt mục tiêu, đến năm 2030 sẽ xóa phòng học tạm, đảm bảo 100% phòng học kiên cố trên phạm vi cả nước.
Nỗ lực xóa điểm trường lẻ, học sinh không còn phải học 2 ca/ngày
Chúng tôi có mặt tại Trường Mầm non Đại Đồng, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái vào những ngày cuối tháng 10. Đứng trước ngôi trường mới khang trang trong lòng mỗi người đều trào dâng niềm vui sướng khi sau nhiều năm, con em của đồng bào các dân tộc nơi đây đã được thụ hưởng điều kiện cơ sở vật chất như mơ ước.
Chia sẻ với PV Báo CAND, cô giáo Trần Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đại Đồng cho biết: Cách đây hơn 4 năm, trường chỉ có phòng học tạm. Tất cả hoạt động của trẻ từ học tập, ăn, ngủ đều diễn ra trong một phòng nên chật chội và bất tiện. Nhưng giờ đây, trẻ mầm non được học tập trong không gian rộng rãi, có phòng ngủ riêng. Khu vệ sinh khép kín khang trang, phù hợp với lứa tuổi, phân chia thành khu vực riêng cho bé trai và bé gái. Đây là kết quả của việc huy động nguồn lực xã hội hóa để kiên cố hóa trường lớp, xóa bỏ phòng học tạm. Trong đó, năm 2019, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã đầu tư cho nhà trường 6 phòng học diện tích sàn 932m2, quy mô xây dựng gồm 3 tầng với số tiền 3,5 tỷ đồng.
"Ngôi trường mới đã hiện thực hóa mơ ước của giáo viên và người dân địa phương khi không còn điểm trường lẻ tranh tre ẩm thấp, không còn phải học 2 ca/ngày. Đặc biệt, trường có 62 em học sinh là người dân tộc Dao và Cao Lan, trước kia, các em phải di chuyển khó khăn để đến trường, có em xa nhất đi học gần 10km. Giờ đây, các em được ở lại trường, được chăm sóc và học tập trong điều kiện đảm bảo", cô Hằng chia sẻ.
Tại Trường Tiểu học Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, nơi vẫn đang nỗ lực từng ngày thực hiện kiên cố hóa trường học, cô Hoàng Thị Thanh Hải, Hiệu trưởng cho biết: Cơ sở vật chất của nhà trường trong các năm qua đã được chính quyền và ngành Giáo dục quan tâm đầu tư xây dựng, cũng như bổ sung trang thiết bị dạy và học.
Đặc biệt, từ các nguồn đóng góp của các nhà hảo tâm, người dân và phụ huynh theo phương thức xã hội hóa, từ 2 năm nay, bếp ăn của trường đã luôn đỏ lửa để phục vụ gần 50 học sinh người Mông, nhà cách trường trên 10km có cơm ăn hằng ngày, không phải gián đoạn việc học do gặp khó khăn trong đi lại. Tuy nhiên, hiện nay trường vẫn còn 4 phòng học tạm, hạn chế về diện tích khiến cho việc dạy và học còn nhiều khó khăn. Do đó, mong muốn lớn nhất của nhà trường là sẽ nhận được các nguồn đầu tư để xóa hết các phòng học tạm, xây dựng thêm các phòng chức năng, giúp thầy và trò chuyên tâm dạy và học.
Chung tay kiên cố hóa trường lớp, để không còn phòng học tạm
Theo báo cáo kết quả 10 năm thực hiện công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường lớp và nhà công vụ cho giáo viên của Bộ GD&ĐT, năm 2013, cả nước chỉ có 65,9% số phòng học kiên cố. Đặc biệt, cấp học mầm non, tỷ lệ kiên cố hóa trung bình cả nước chỉ là 47,7%; cấp tiểu học, tỷ lệ phòng học kiên cố hóa trung bình cả nước cũng chỉ là 61,6%. Đến hết năm 2023, cả nước đạt tỷ lệ phòng học kiên cố hóa là 86,6%, tăng 20,7% so với năm 2013. Quá trình kiên cố hóa đã đạt được những kết quả rõ rệt, trong đó, xã hội hóa là một trong những yếu tố quan trọng.
Trong giai đoạn 2013-2023, nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư xây dựng phòng học và nhà công vụ cho giáo viên là rất lớn, khoảng trên 300 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xã hội hóa để kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên. Số phòng học được đầu tư từ nguồn xã hội hóa trong 10 năm khoảng 36.000 phòng. Số phòng công vụ cho giáo viên được đầu tư từ nguồn xã hội hóa trong 10 năm khoảng 1.300 phòng. Tổng số kinh phí xã hội hóa để đầu tư kiên cố hóa, xây dựng phòng học, phòng công vụ cho giáo viên ước khoảng 33.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Đảng và Nhà nước ta luôn coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu và luôn thể hiện sự quan tâm và quyết tâm phát triển giáo dục và đào tạo bằng nhiều chủ trương và chính sách lớn. Bộ Chính trị mới đây đã ban hành Kết luận 91-KL/TW tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW; trong đó xác định rõ "phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ phòng học được kiên cố hóa đạt 100%", tức là đến năm 2030, cả nước sẽ không còn phòng học tạm, phòng học chưa kiên cố.
Để thực hiện được mục tiêu lớn này, cần các giải pháp mang tính tổng thể, trong đó Nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo và việc huy động các nguồn lực xã hội là hết sức quan trọng. Người đứng đầu ngành Giáo dục cũng thừa nhận, mặc dù hiện kiên cố hóa trường lớp thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tỷ lệ kiên cố hóa đã là rất cao so với 10 năm trước nhưng số chưa kiên cố hóa vẫn còn nhiều và lại chủ yếu tập trung ở các tỉnh khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc và vùng khó khăn. Do đó, mục tiêu xóa phòng học tạm, để trường ra trường, lớp ra lớp trong thời gian tới cần thực hiện một cách ráo riết hơn nữa với sự chung tay của toàn xã hội.