Chương trình nghệ thuật 'Viễn Châu trọn đời nghiệp cầm ca'

Tối 4-11, tại Nhà hát Thành phố, Sở VHTT TPHCM phối hợp với Hội Sân khấu và Đài Truyền hình TPHCM tổ chức Chương trình nghệ thuật Viễn Châu trọn đời nghiệp cầm ca, giới thiệu chân dung NSND - soạn giả Viễn Châu, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.

Lãnh đạo TPHCM chụp hình kỷ niệm cùng các nghệ sĩ tham gia trong chương trình nghệ thuật "Viễn Châu trọn đời nghiệp cầm ca". Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Lãnh đạo TPHCM chụp hình kỷ niệm cùng các nghệ sĩ tham gia trong chương trình nghệ thuật "Viễn Châu trọn đời nghiệp cầm ca". Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Chương trình do Trung tâm Ca nhạc nhẹ TPHCM, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và Ban Văn nghệ Đài Truyền hình TPHCM phối hợp thực hiện. Chỉ đạo nghệ thuật: NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, đạo diễn: NSND Hữu Quốc, Dương Thảo.

Đến tham dự chương trình có các đồng chí: Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TPHCM; Văn Thị Bạch Tuyết, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TPHCM; Thân Thị Thư, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Huỳnh Thanh Nhân, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM; đại diện lãnh đạo tỉnh Trà Vinh, Bến Tre, đại diện gia đình, các thế hệ học trò của NSND - soạn giả Viễn Châu, văn nghệ sĩ, các thầy cô và sinh viên các trường nghệ thuật trên địa bàn TPHCM…

 Lãnh đạo TPHCM chụp hình kỷ niệm cùng các nghệ sĩ tham gia trong Chương trình nghệ thuật "Viễn Châu trọn đời nghiệp cầm ca". Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Lãnh đạo TPHCM chụp hình kỷ niệm cùng các nghệ sĩ tham gia trong Chương trình nghệ thuật "Viễn Châu trọn đời nghiệp cầm ca". Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

NSND - soạn giả Viễn Châu (tên thật Huỳnh Trí Bá) là con thứ sáu của một gia đình vọng tộc giàu có ở Trà Vinh nhưng lại ham mê đàn ca tài tử. Ông có những đóng góp rất quan trọng trong chặng đường phát triển của nghệ thuật sân khấu cải lương.

Đặc biệt, NSND - soạn giả Viễn Châu là người định hình bản “Vọng cổ nhịp 32” thành “Tân cổ giao duyên” và “Vọng cổ hài”. Đây là hai sáng tạo độc đáo, có ý nghĩa rất quan trọng cho loại hình cải lương Nam bộ, cũng như di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của Việt Nam.

Cuối năm 1945, thực dân Pháp nổ súng tái chiếm Đông Dương, ông đã viết vở cải lương đầu tay Hồn chiến sĩ với nội dung cổ vũ cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Ông đã để lại hơn 2.000 bài vọng cổ gồm cả cổ nhạc và tân cổ, trên 70 vở cải lương thuộc nhiều thể tài. Những sáng tác của ông không chỉ đẹp trên phương diện nghệ thuật ca từ, mà còn chứa đựng những giá trị hiện thực phản ánh đời sống, tâm lý xã hội Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử, giúp công chúng thêm hiểu, yêu mến nghệ thuật Đờn ca tài tử và sân khấu cải lương, góp phần to lớn vào việc nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn, phát huy di sản quý báu của dân tộc.

 Họa sĩ Lê Sa Long tặng bức tranh NSND - soạn giả Viễn Châu cho Sở VHTT tỉnh Trà Vinh. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Họa sĩ Lê Sa Long tặng bức tranh NSND - soạn giả Viễn Châu cho Sở VHTT tỉnh Trà Vinh. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Ngoài giá trị văn chương, âm nhạc, những bản vọng cổ của ông được giới chuyên môn nhìn nhận như phương cách giúp người chưa biết tập ca. Công chúng mê vọng cổ ghi nhận công lao sáng tác của Viễn Châu nên phong tặng ông nhiều danh hiệu cao quý: “Ông vua ca cổ”, “Ông vua tân cổ”, “Nhạc sư”, “Nghệ sĩ bậc thầy”, “Nghệ sĩ ngoại hạng”, “Người tạo danh cho ca sĩ”...

Soạn giả Viễn Châu được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1988 và danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 2012. Năm 2014, ông vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho những đóng góp xuất sắc đối với nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ. Ông qua đời vào ngày 1-2-2016 tại TPHCM.

Chương trình nghệ thuật Viễn Châu trọn đời nghiệp cầm ca được TPHCM tổ chức trang trọng nhằm tri ân những đóng góp của NSND - soạn giả Viễn Châu trong việc phát huy, giữ gìn Đờn ca tài tử Nam bộ.

Trong chương trình, các đại biểu và khán giả đã được thưởng thức những tác phẩm ca cổ, Đờn ca tài tử và các trích đoạn cải lương nổi tiếng như: hoạt cảnh Chân dung Huỳnh Trí Bá, ca cổ Tình anh bán chiếu, Lá trầu xanh, Chàng là ai, Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà, Giây phút ngậm ngùi, tân cổ Hai sắc hoa Tigon, vọng cổ hài Ông Trượng Tiên Bửu, nhạc cảnh Chuyện tình Hàn Mặc Tử, ca cảnh Em đi chùa Hương, Đêm tàn bến Ngự, Bài ca đất Phương Nam, bài ca Người mẹ miền Nam, Tiếng chày trên sóc Bom Bo... với giọng ca của các NSND: Lệ Thủy, Minh Vương, Trọng Hữu, Thanh Nam, Thoại Miêu, Trọng Phúc, Hữu Quốc, Mỹ Hằng; các NSƯT: Kim Tử Long, Phượng Hằng, Cẩm Tiên, Vân Khánh, Lê Tứ, Quỳnh Hương…

>> Hình ảnh trong chương trình. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

THÚY BÌNH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/chuong-trinh-nghe-thuat-vien-chau-tron-doi-nghiep-cam-ca-post766805.html