Chương trình xây dựng nông thôn mới góp phần nâng cao mức sống người dân

Trong năm 2023, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của tỉnh tiếp tục đạt nhiều kết quả phấn khởi. Đáng chú ý, phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM” thực sự đi vào cuộc sống, thu hút người dân và cộng đồng tham gia vào xây dựng NTM, góp phần cải thiện chất lượng sống và điều kiện sinh hoạt ở nông thôn.

Áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất góp phần nâng cao chất lượng nông sản (Ảnh: Khánh Duy)

Áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất góp phần nâng cao chất lượng nông sản (Ảnh: Khánh Duy)

Phát huy tính chủ động, tự quản cộng đồng

Sự đồng thuận của người dân trong quá trình xây dựng NTM được thể hiện qua nhiều hình thức như: tham gia xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng nông thôn, bảo vệ môi trường nông thôn, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội với tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đồng thời phát huy tính chủ động, tự quản cộng đồng, thay đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, sáng tạo với nhiều cách làm hay trong sản xuất, đời sống. Qua đó, đưa diện mạo nông thôn toàn tỉnh tiếp tục được cải thiện, nâng cao, trong đó cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa - xã hội phát huy hiệu quả phục vụ nhu cầu sản xuất và dân sinh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện.

Đến nay, toàn tỉnh có 109 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM (đạt 94,78%, vượt 4,78% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025). Ước đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 115/115 xã đạt chuẩn NTM, đạt 100%; có thêm 18 xã được công nhận xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao; 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và có thêm 3 huyện đạt chuẩn NTM, đạt 60% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

Kết quả đánh giá theo Bộ tiêu chí NTM, có đến 11/19 tiêu chí xã NTM đạt 115/115 xã; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn Bộ Y tế là 91,47% (tăng 6,01% so với giai đoạn 2016 - 2020), 113 xã đạt tiêu chí giao thông (tăng 2 xã so với giai đoạn 2016 - 2020), 115 xã đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn (tăng 14 xã so với giai đoạn 2016 - 2020), 115 xã đạt tiêu chí nhà ở nông thôn (tăng 3 xã so với giai đoạn 2016 - 2020). Ước thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn năm 2023 đạt 59,012 triệu đồng/người (tăng 11,412 triệu đồng, tương đương tăng xấp xỉ 1,24 lần so với năm 2020).

Giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng tạo thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa (Ảnh: Mỹ Nhân)

Giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh được đầu tư xây dựng tạo thuận lợi cho người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa (Ảnh: Mỹ Nhân)

Những kết quả đạt được trên là sự kết tinh từ sự đồng thuận, chung sức, phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước và Nhân dân. Để xây dựng bộ mặt nông thôn ngày càng phát triển, người dân tham gia góp công sức vào xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Tính đến tháng 6/2023, người dân đã tham gia đóng góp nâng cấp, rải đá, đắp taluy, sửa chữa hơn 156km đường giao thông nông thôn, xây mới 406 cây cầu, 2.558 căn nhà, thắp sáng 11,72km đường quê (trong đó có 1,74km đường chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời), tặng 594.156 phần quà, vận động 1.240 suất học bổng, 124.989 thẻ bảo hiểm y tế... với tổng giá trị đóng góp hơn 560,211 tỷ đồng, góp phần hoàn thiện tiêu chí NTM.

Không dừng lại đó, người dân còn tích cực tham gia nhiều phần việc, góp phần giúp các địa phương đạt tiêu chí NTM về giáo dục, văn hóa và y tế với các mô hình: “Không có người thân trong độ tuổi bỏ học vì lý do chủ quan”; “Không sử dụng âm thanh lớn trong đám tiệc làm ảnh hưởng đến xung quanh”; “100% thành viên hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế”...

Thu hoạch xoài sản xuất theo hướng hữu cơ của hộ ông Nguyễn Phú Hiệp - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất dịch vụ xoài Bà Két (Ảnh: Mỹ Nhân)

Thu hoạch xoài sản xuất theo hướng hữu cơ của hộ ông Nguyễn Phú Hiệp - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất dịch vụ xoài Bà Két (Ảnh: Mỹ Nhân)

Xây dựng xóm làng yên vui

Với định hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, đẩy mạnh tham gia liên kết tiêu thụ, sản xuất theo hướng hữu cơ thông qua các mô hình thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP (Dự án Xây dựng mô hình thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP), mô hình hoàn thiện và mở rộng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với cơ giới hóa đồng bộ theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến xây dựng thương hiệu sản phẩm, mô hình sản xuất lúa giống theo quy trình 1 phải 5 giảm, mô hình liên kết, cơ giới hóa sản xuất lúa giống gắn với truy xuất nguồn, mô hình chăn nuôi dê thịt thương phẩm...

Đồng hành bảo vệ môi trường nông thôn, người dân tích cực tham gia các mô hình khu dân cư bảo vệ môi trường của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, mô hình xây dựng điểm vui chơi cho thanh thiếu nhi xã NTM, cụm dân cư xanh - an toàn, biến bãi rác thành vườn hoa, Đội Thanh niên tình nguyện xây dựng NTM; mô hình Chi hội Nông dân “Nhà sạch, Đường sạch, Đồng ruộng sạch” của Hội Nông dân tỉnh; mô hình “Đoạn đường 3 sạch” của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, mô hình “Câu lạc bộ tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”...

Góp phần xây dựng xóm làng yên vui, người dân còn tích cực tham gia các mô hình an ninh trật tự bảo vệ bình yên xóm làng. Cụ thể như mô hình Tổ Nhân dân tự quản với hơn 11.000 tổ có 405.332 thành viên; quản lý, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy tại cộng đồng”; “Camera an ninh”; Câu lạc bộ người hoàn lương; tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đoàn kết, chung tay đảm bảo an ninh, trật tự, góp phần xây dựng NTM, đô thị văn minh; tiếng loa NTM...

Mục tiêu xuyên suốt của Chương trình MTQG xây dựng NTM là thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và NTM cấp thôn, bản. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Xây dựng NTM được xác định là “của dân, do dân và vì dân”. Với mục tiêu ấy, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Đồng Tháp không ngừng quyết tâm, phấn đấu để hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng NTM mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra, phấn đấu đến năm 2025, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân với mức thu nhập người dân nông thôn tăng 1,6 lần so với năm 2020 (tương đương 75,2 triệu đồng/năm); tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 0,4%/năm, đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 3%. Đồng thời tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đạt 98%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 79% và xây dựng NTM thành những miền quê đáng sống...

NGUYỄN HƯNG

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/chuong-trinh-xay-dung-nong-thon-moi-gop-phan-nang-cao-muc-song-nguoi-dan-119104.aspx